DẤU ẤN CHỈ THỊ 12 – Kỳ 5: Chỉ thị 12-Kinh nghiệm, giải pháp, mục tiêu hướng tới

Cập nhật 01/6/2023, 20:06:31

Chỉ thị 12 ngày 13/2/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Gia Lai “Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh” là mô hình mang đặc trưng riêng của tỉnh Gia Lai, được Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh xác định là nhiệm vụ ưu tiên, gắn với lộ trình xã phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới. Thông qua nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ và các phong trào, cuộc vận động trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, diện mạo của các làng đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều thay đổi tích cực; sinh hoạt, tập quán của người dân từng bước thay đổi theo hướng văn minh; môi trường nông thôn được quan tâm; an ninh trật tự được giữ vững; hệ thống chính trị ở nông thôn dưới sự lãnh đạo của Đảng được tăng cường… Trong kỳ cuối của series phóng sự về Dấu ấn Chỉ thị 12, chúng tôi sẽ đề cập một số bài học kinh nghiệm, giải pháp, mục tiêu định hướng trong thời gian tới.

Qua 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai, toàn tỉnh có 110 thôn, làng đồng bào dân tộc thiểu số đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập của người dân được nâng lên, một số làng đạt 44,85 triệu đồng/người/năm; ngân sách nhà nước đầu tư chiếm 85,29% từ việc thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án và huy động nguồn lực từ Nhân dân đạt 10,23% từ việc đóng góp tiền của, hiến đất, ngày công lao động… trong cơ cấu nguồn lực thực hiện giai đoạn 2018-2022… Kết quả này có được là nhờ sự lãnh đạo trực tiếp và thống nhất, quyết tâm chính trị cao của cấp ủy, lãnh đạo các cấp; sự đầu tư có trọng tâm, lựa chọn khâu đột phá vào các tiêu chí khó, không dàn trải, tránh chồng chéo, lãng phí nguồn lực…

Giai đoạn 2021-2025, nhiều tiêu chí trong Bộ tiêu chí làng, xã đạt chuẩn nông thôn mới được nâng lên khiến các địa phương gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc thực hiện mục tiêu đề ra. Tuy nhiên, với cách làm bài bản, phù hợp với thực tế, không chạy theo thành tích, xác định việc xây dựng nông thôn mới là quá trình lâu dài, thường xuyên và liên tục, có điểm bắt đầu nhưng không có điểm kết thúc, xây dựng nông thôn mới phải đảm bảo: “Hiệu quả, Toàn diện và Bền vững”. Từ năm 2023 đến 2025, tỉnh Gia Lai phấn đấu có thêm 186 thôn, làng đạt chuẩn nông thôn mới.

Để cụ thể hóa các mục tiêu đề ra, một số nhiệm vụ, nội dung trọng tâm đã được xác định: Các cấp ủy, sở, ban, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện hiệu quả Chị thị số 12 trong giai đoạn 2021 – 2025; phát huy hơn nữa vai trò của Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị – xã hội, Nhân dân để tuyên truyền, động viên, huy động sức mạnh toàn dân và huy động mọi nguồn lực, chung tay, góp sức xây dựng làng nông thôn mới; triển khai có hiệu quả Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ cách làm trong đồng bào dân tộc thiểu số để từng bước vươn lên thoát nghèo bền vững”; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, ưu tiên phát triển sản xuất…

Ông Đinh Văn Dũng – Bí thư Huyện ủy Chư Prông, Gia Lai trao đổi “Ban Chấp hành Đảng bộ huyện đã có nhiều giải pháp xây dựng nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong tình hình mới của Đảng ta, trên cơ sở các Nghị quyết đề ra, Ban chấp hành Đảng bộ huyện quy hoạch lại các vùng, áp dụng công nghệ cao vào địa bàn, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc; kêu gọi doanh nghiệp vào địa bàn đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân tộc tại chỗ, góp phần xóa đói giảm nghèo.”

Ông Nguyễn Anh Tuấn – Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Thiện, Gia Lai nói “Thực hiện Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ “Về tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy các cấp về xây dựng làng nông thôn mới trong đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh”, để nâng cao đời sống cho người dân vùng DTTS, chúng tôi tập trung triển khai các mô hình sản xuất nông nghiệp; hướng dẫn bà con chuyển đổi mô hình cây trồng vật nuôi; tiếp tục có giải pháp, như là: Giúp người dân vùng khó khăn tìm kiếm việc làm; hỗ trợ các mô hình nâng cao thu nhập…”

Ông Nguyễn Trường – Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Đak Pơ, Gia Lai cho biết “Sẽ tập trung đầu tư hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, làm cho người dân thay đổi nếp nghĩ cách làm, từng bước tăng thêm thu nhập. Để trong nông thôn mới giải quyết cho được tiêu chí số 10 về thu nhập-Đây là tiêu chí rất quan trọng và căn cơ.”

Trong huy động nguồn lực đầu tư, chủ động lồng ghép nguồn vốn từ các Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 vào xây dựng làng nông thôn mới…

Ông Tô Văn Chánh – Bí thư Huyện ủy Krông Pa, Gia Lai trao đổi “Huyện có hơn 90.000 dân, hơn 70% là DTTS, đây là ưu tiên của Đảng bộ trong xuyên suốt nhiều nhiệm kỳ chứ không riêng gì nhiệm kỳ này, đặc thù của nhiệm kỳ này là có Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Về kinh tế sẽ tiếp tục quan tâm hỗ trợ về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, thì đó là ưu tiên số 1. Tiếp theo là chương trình định canh, định cư, đầu tư hạ tầng thiết yếu cho sản xuất, làm sao đời sống kinh tế của dân nâng lên thì tiếp cận với văn hóa xã hội cũng nâng cao.”

Xác định xây dựng làng nông thôn mới theo tinh thần Chỉ thị 12 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai là nội dung cốt lõi để tiến tới hoàn thành xã, huyện đạt chuẩn thôn mới, góp phần vào thực hiện mục tiêu đến năm 2025 tỉnh có 120 xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới./.

 

Song Nguyễn – Đức Hải – Mạnh Hà  – Ksor Tuối – R Piên


Lượt xem: 9

Trả lời