Đak Pơ – Đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết trong sản xuất

Cập nhật 10/8/2018, 16:08:56

Những năm qua, huyện Đak Pơ đã đẩy mạnh việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng gắn với liên kết trong sản xuất. Bước đầu đã đem lại những tín hiệu tích cực cho sản xuất nông nghiệp ở địa phương. Từ đó, trên địa bàn huyện đã hình thành vùng chuyên các loại cây trồng có thế mạnh ở hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân.

Trước đây, mía là cây trồng chủ lực ở huyện Đak Pơ song những năm gần đây bà con nông dân đã mạnh dạn chuyển đổi đưa các loại cây ăn quả vào thí điểm và bước đầu cho những tín hiệu khả quan. Hiện toàn huyện Đak Pơ đã có gần 340 ha cây ăn quả các loại, phân bố đều ở các địa phương trong huyện với phong phú chủng loại, như: nhãn, thanh long, na dai, các loại cây có múi…

Gia đình anh Trần Văn Quyên (thôn 5, xã An Thành) trước đây chủ yếu là trồng mía song hiệu quả không cao nên đã quyết định chuyển toàn bộ diện tích để xây dựng mô hình VAC có quy mô 5 ha với cây ăn quả là chủ lực. Hiện vườn cây của gia đình anh gồm: nhãn, dừa xiêm, mít thái đã bắt đầu bước vào thu hoạch và hứa hẹn đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình.

Anh Trần Văn Quyên – Thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ cho biết: “Vùng An Thành rất khắc nghiệt, mưa gió không thuận hòa, chủ yếu là nắng hạn nên không trồng được những cây ngắn ngày nên mình tìm tòi, tìm hiểu các nơi người ta trồng từ cây bưởi, rồi cây bơ, cây nhãn, cây mít là phù hợp với đất này; thấy người ta trồng ra quả rồi nên mình cũng lấy giống mới về để thay đổi’.

Từ mô hình của anh Quyên, rất nhiều nông dân trong vùng đã đến học tập, trao đổi kinh nghiệm thực tế. Và từ đó đã hình thành nên các tổ nhóm liên kết trong sản xuất để cùng trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

Ông Nguyễn Thế Long – Thôn 5, xã An Thành, huyện Đak Pơ cũng cho biết: “Tôi thấy cây ăn quả ở đây khó cũng rất khó mà dễ cũng rất dễ nếu như chúng ta chịu khó tìm tòi, học hỏi thì kinh tế từ các loại cây này hay hơn. Và chúng tôi có 1 tổ hợp tác thường gặp nhau để nói chuyện để học hỏi, trao đổi kinh nghiệm nên dễ hiểu, dễ áp dụng”.

Trong sản xuất nông nghiệp, Đak Pơ được biết đến là vựa rau xanh của tỉnh Gia Lai với tổng diện tích hàng năm gần 6.500 ha, chiếm khoảng 30% diện tích cây trồng của huyện. Song việc sản xuất chủ yếu là hộ gia đình, mang tính nhỏ lẻ nên phụ thuộc nhiều vào thị trường. Do đó, để giúp người dân nâng cao và có thu nhập ổn định từ sản xuất rau xanh, hiện nay, huyện Đak Pơ đang kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Bước đầu triển khai xây dựng mô hình rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP khoảng 10ha ở Hợp tác xã An Sơn trước khi nhân ra diện rộng. Trong đó, người dân tự chủ động và tuân thủ các quy trình trong sản xuất nhằm đảm bảo cung ứng các sản phẩm sạch cho thị trường để tạo mối liên kết bền chặt từ sản xuất đến tiêu thụ.

Ông Huỳnh Văn Hơn – Phó Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết sự khác nhau giữa cách tổ chức sản xuất này với cách tổ chức sản xuất cũ: “Đó là nông dân tự kiểm soát các quy trình kỹ thuật về phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, chu kỳ sản xuất gắn với nhu cầu nơi tiêu thụ; lúc đó giữa người sản xuất và nơi tiêu thụ có kế hoạch thì sẽ không dẫn đến tình trạng thừa thiếu ở các thời điểm và đảm bảo tính bền vững về giá cả; và chắc chắn rằng cách thức này sẽ ổn định hơn và tạo cho người dân ổn định sản xuất và ứng dụng các khoa học công nghệ để tăng năng suất và đảm bảo sản xuất ra rau an toàn, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao”.

Có thể thấy, việc chuyển đổi cây trồng gắn với liên kết sản xuất là hướng đi đúng của huyện Đak Pơ trong sản xuất nông nghiệp. Từ đó sẽ tạo được các chuỗi liên kết giá trị bền vững, giúp người nông dân có thu nhập ổn định và làm giàu từ sản xuất nông nghiệp./.

Đức Hải – Viễn Khánh – Minh Trí


Lượt xem: 49

Trả lời