Cồng chiêng thành tố không thể tách rời trong lễ hội ở buôn, làng

Cập nhật 16/1/2019, 09:01:21

Nói đến Tây Nguyên, người ta thường nghĩ ngay đến nhà rông, nhà dài, tượng nhà mồ, cùng những áng sử thi oai hùng… và đặc biệt là cồng chiêng – Bởi đó là di sản, là biểu tượng văn hóa đặc sắc của vùng đất này… Đặc điểm địa lý và lịch sử phát triển đã sản sinh ra sự đa dạng của các loại hình di sản, tiêu biểu như: Lễ hội, phong tục tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật diễn xướng, nghệ thuật tạo hình, kiến trúc, đến dân ca, dân vũ, văn học dân gian, luật tục… Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được tạo ra không chỉ nhạc cụ cồng chiêng, mà còn bởi mối quan hệ giữa nghệ thuật diễn tấu với tín ngưỡng, phong tục, nghi lễ – lễ hội… Nó có thể hiện hữu trong ngôi nhà rông, bên bếp lửa nhà dài, vang vọng trong khu nhà mồ huyền bí, khu bến nước, rừng đầu nguồn, trên nương rẫy trong “mùa ning nơng”, “mùa ăn năm uống tháng”… và là thành tố cấu thành, không thể tách rời trong các lễ hội ở mỗi buôn, làng Tây Nguyên.

Hệ thống lễ hội dân gian Tây Nguyên được tổ chức thường kỳ, thường niên gắn với các sự kiện vòng đời người, lễ hội nông nghiệp và hệ thống lễ hội liên quan đến các sự kiện của cộng đồng. Qua lễ hội truyền thống có thể bắt gặp các loại hình văn hóa tiêu biểu như dân ca, dân vũ, văn học dân gian, ẩm thực, trang phục, những nguyên tắc giao tiếp ứng xử theo quy định của luật tục, đồng thời thể hiện tín ngưỡng sơ khai là tín ngưỡng vạn vật hữu linh. Điều đó thể hiện khá rõ trong các lễ hội như: Lễ cúng sức khỏe, lễ bỏ mả, lễ mừng lúa mới, lễ cúng bến nước, lễ cầu mưa, lễ cúng đất làng, lễ cúng nhà rông đến lễ cưới cho voi, lễ hội đua voi, lễ hội đua thuyền độc mộc… Và trong những nghi lễ này, cồng chiêng là 1 thành tố góp phần tạo nên không gian đa sắc màu của lễ hội… Do đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị truyền thống của lễ hội, của không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là nhiệm vụ quan trọng trước xu thế phát triển, hội nhập như hiện nay…

 Ông Bùi Trọng Hiền, Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết: “Trong xu hướng bảo tồn hiện tại thì nguy cơ mất các giá trị cổ truyền là rất cao, cái phương án tốt nhất mà thế giới các nước phát triển mà người ta đang làm đó là phương án bảo tồn tập trung. Chúng ta không thể bắt đồng bào sống mãi với cái cũ, nhưng ưu tiên cho những làng mà đồng bào vẫn yêu văn hóa truyền thống, vẫn yêu ngôi nhà rông cổ truyền, vẫn tin vào gian, vẫn đang cố gắng bảo vệ tất cả các lễ thức cầu mùa, mừng lúa mới… thì chúng ta tập trung bảo tồn ở những làng đó”.

Lễ hội dân gian ở Tây Nguyên là hoạt động văn hóa gắn với đời sống tâm linh, tôn giáo, tín ngưỡng được dân gian thiêng hóa, là sinh hoạt văn hóa mang tính hệ thống, mang tính phức hợp, một hiện tượng văn hóa dân gian tổng thể và tồn tại trong một môi trường trao truyền giữa các thế hệ… Dù được tổ chức ở quy mô gia đình hay cộng đồng làng, các lễ hội ở Tây Nguyên đều truyền đi thông điệp ấm no, hạnh phúc, cuộc sống đủ đầy đến cho mọi người, mọi nhà…

Chị Trần Thị Lam Phương, TP.Hồ Chí Minh nói: “Tôi rất may mắn được chứng kiến lễ mừng nhà rông mới, với nghi lễ độc đáo, âm thanh cồng chiêng, những điệu múa rất đặc sắc không khí rất là vui. Đây là lễ hội rất ấn tượng mà lần đầu tiên tôi được thấy”.

Và trong hơn thập niên gần đây, loại hình văn hóa lễ hội ở Tây Nguyên đã trở thành một hoạt động cuốn hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến khám phá trải nghiệm. Do đó, việc tạo thêm không gian, sức sống mới cho lễ hội, cho cồng chiêng có đất diễn đang được ngành văn hóa tỉnh Gia Lai và các tỉnh Tây Nguyên quan tâm đầu tư phục dựng trong chiến lược phát triển ngành công nghiệp không khói./.

 Song Nguyễn, Viễn Khánh , Phan Nguyên


Lượt xem: 70

Trả lời