Có một miền Tây thu nhỏ trên vùng đất Bắc Tây Nguyên

Cập nhật 17/1/2018, 07:01:38

Làng Bè, nơi sinh sống của hơn 30 hộ dân trên lòng hồ thủy điện Sê San 4, nằm giáp ranh giữa 2 tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Họ là những cư dân chài lưới sinh sống ở nhiều miền quê trong cả nước về đây lập nghiệp. Sau đây mời quý vị và các bạn cùng phóng viên chương trình trải nghiệm, tìm hiểu đời sống của những cư dân miền sông nước – Nơi này cũng đang là một trong những điểm đến mới lạ trong các tuor trải nghiệm du lịch sinh thái ở vùng đất Bắc Tây Nguyên.

Để đến được Làng Bè, từ trung tâm huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai chúng tôi phải đi ngược lên xã biên giới Ia O. Tiếp nối hành trình là hơn 30 phút lênh đênh trên mặt nước của lòng hồ thủy điện Sê San 4. Cảnh vật mây trời sông nước hòa làm một, bốn bề được bao bọc bởi đồi núi trùng điệp mênh mông, chiếc xuống máy rẻ đôi dòng tung bọt trắng xóa… khiến cho ai có dịp được trải nghiệm sẽ không khỏi ngỡ ngàng.

Nói đến Tây Nguyên thì ai cũng nghĩ ngay tới đồi núi trùng điệp, rừng xanh sâu thẳm, buôn, làng vẫy gọi, cồng chiêng ngân vang… Ít ai nghĩ rằng, ở Tây Nguyên cũng có làng bè, với những cư dân chài lưới mưu sinh quanh năm. Khi đi qua hồ thủy điện Sê San 4 bằng ca nô, một  hồ nước có diện tích tới hơn 354ha nằm giữa 2 tỉnh Gia Lai – Kon Tum. Chỉ ít phút nữa thôi, chúng tôi sẽ tới Làng Bè, một địa điểm du lịch có nhiều trải nghiệm thú vị đang chờ đón.

Một, hai, ba… và có đến hàng chục ngôi nhà nổi trên mặt nước đã hiện ra trước mắt chúng tôi. Làng Bè hay có người còn gọi là Làng Chài, mới nhìn qua cứ ngỡ đây là khung cảnh, là cuộc sống của những cư dân miền Tây sông nước.

Chị Lê Thị Liên, quê gốc ở tỉnh Bình Phước đã tới đây lập nghiệp từ năm 2011. Chị cho biết, Làng Bè hình thành cách đây gần 10 năm, ngoài đánh bắt cá ở lòng hồ, hiện nay, đa phần các hộ dân ở đây đều nuôi cá để cải thiện thu nhập nên cuộc sống cũng không còn khó khăn như những ngày đầu.

Chị Lê Thị Liên, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum cho biết: “Cá nuôi ở đây thì người ta vào thu mua, mình ít phải mang đi bán. Còn cá đánh bắt thì cũng không còn nhiều như trước, ngày cũng được 100 nghìn”.

Tới thăm làng Bè, không chỉ được ngắm cảnh sông nước, du khách còn được thưởng thức các món ẩm thực dân dã do người dân chế biến, đặc biệt là các món đặc sản, như: cá lóc, cá lăng…

Chia tay Làng Bè, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình trên dòng Sê San để đến với ngọn thác Ia Mơ hùng vĩ, thác nước này nằm trên địa bàn xã Ia Khai, huyện Ia Grai – Một điểm đến trong tuor kết nối du lịch sinh thái của 2 huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai và huyện Ia H’Drai, tỉnh Kon Tum…

Ông Lý Kỳ Chung – Trưởng phòng Văn hóa & Thông tin huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai nói: “Trong ký kết của 2 địa phương, chúng tôi sẽ tạo ra mối liên kết để đầu tư khai thác 2 điểm đến Làng Bè và thác Ia Mơ, với những thế mạnh sẵn có để phát triển du lịch”./.

 Song Nguyễn-  Mạnh Hà – Phan Nguyên


Lượt xem: 73

Trả lời