Chanh dây không trái- Phải chăng công ty Tuấn Đại An đã bội tín?

Cập nhật 23/6/2017, 16:06:29

Thời gian gần đây, trên địa bàn xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh rộ lên thông tin Công ty TNHH Tuấn Đại An đã bỏ trốn sau khi cung cấp giống chanh dây không trái cho bà con nông dân. Nhiều người đã như ngồi trên đống lửa khi không có cách nào để liên lạc với công ty này.

Vườn chanh dây được trồng bằng giống thực sinh do Công ty Tuấn Đại An cung cấp. Hiện chủ vườn đã bỏ hoang, vì cho rất ít quả… Còn sát bên cạnh là một loại giống khác, giống chanh ghép do chủ vườn tự mua. Cả hai loại trên đều trồng cùng thời điểm. Nhìn bằng mắt thường cũng thấy rõ sản lượng chanh dây từ giống của người dân tự mua có sự chênh lệch rất lớn so với giống chanh dây của công ty Tuấn Đại An cung cấp.

Người dân ở thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh cho biết: Không phải ngẫu nhiên họ chọn chanh dây để thay thế cho cây tiêu tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Ông Lê Đầu – Thôn trưởng thôn Lương Hà, xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Khi tiêu chết, mất giá, bà con tìm phương án mới; thì nghe cây chanh có giá, gặp công ty Tuấn Đại An này về. Trong lúc vốn thiếu, gặp công ty này cho nợ 50%, quá thích ứng với bà con. Ai cũng tin tưởng. Họ hứa là bao tiêu sản phẩm, chỉ trả 50%, còn 50% sau khi thu mới trả và chỉ trừ dần theo đợt chứ không phải trừ một lần. Qua 4 tháng, cây chanh phát triển không có trái, bà con mới điện cho Cty về và có hứa là đền bù lại giống chanh và phân tro cho bà con trồng lại lần 2. Nhưng sau đó, công ty cũng không đem giống vào. Bà con gọi cho Cty lúc được, lúc không rồi sau đó cúp nguồn luôn.

Đối với công ty này, hôm nay hoàn toàn giống như lừa đảo. Dù có điện gì họ cũng không quay trở lại nữa. Giờ bà con cũng mất phương hướng”.

Theo báo cáo của UBND xã Ia Blứ, toàn xã có 24 hộ tham gia trồng loại chanh dây của công ty này, với tổng diện tích là 16 hecta. Người trồng nhiều nhất là 2 hecta và ít nhất là 4 sào. Một số khác liên kết nhiều hộ để đảm bảo qui định về số lượng theo hợp đồng. Tuy nhiên, dù nhiều hay ít, tất cả đều không thu được một đồng nào.

Ông Lê Quang Vang – Phó chủ tịch UBND xã Ia Blứ, huyện Chư Pưh, Gia Lai cho biết: “Riêng 24 hộ với 16 ha này là mất trắng. Trồng và qua thời gian chăm sóc nhưng không có trái, trái không đảm bảo. Sản phẩm ra không đạt, không tiêu thụ được nên bà con cắt bỏ hết. Tới thời kỳ thu hoạch, không tiêu thụ được nên cắt bỏ hết luôn, gọi là mất trắng hoàn toàn./ Về vấn đề này, chính quyền địa phương cũng đã có các bước, trước mắt là chỉ đạo rà soát, lập danh sách và có báo cáo gởi lên huyện và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý công ty Tuấn Đại An thực hiện theo đúng hợp đồng.  Liên quan đến vấn đề này, địa phương chúng tôi cũng thụ động, ở chỗ là công ty về làm tự phát với dân, không thông qua chính quyền. Khi mà chính quyền biết được thì cũng muộn rồi”.

Sau nhiều lần liên lạc và trực tiếp đến trụ sở chính của công ty Tuấn Đại An, chúng tôi cũng đã gặp được bà Bùi Thị Diệu Hiền – Giám đốc công ty. Tại đây bà cho biết: Công ty không trốn tránh, nhưng một thời gian khá dài, công ty không xuống với bà con là vì không tiếp cận được với nguồn vốn ngân hàng, nhưng về hướng giải quyết, công ty đã có kế hoạch.

Bà Hiền nói: Nếu thực hiện theo hợp đồng cam kết thì công ty chỉ đền giống cho bà con thôi. Bà con đòi hỏi giống ghép, công ty đền giống ghép, vì giống thực sinh không hiệu quả và trong tương lai là ký lại hợp đồng bao tiêu cho bà con chứ không thả trôi bà con được; thứ ba là xóa nợ cho bà con. Đó là hướng của Cty sắp tới”. Bà cũng cho biết: Vào đầu tháng 7 công ty bắt đầu thực hiện chiến lược đó… Vậy là phải đầu tháng 8, vì một tháng nữa công ty mới lo kế hoạch tài chính xong.

Thực tế, để phát triển một vườn chanh dây, không đơn thuần chỉ có chi phí về giống, mà còn rất nhiều khoản chi khác như vật tư, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, công lao động… Vì thế, thiệt thòi của bà con là rất nhiều.

Điều đáng nói là: Lẽ ra, khi sự cố ngoài ý muốn xảy ra, Công ty Tuấn Đại An nên chủ động gặp gỡ, chia sẻ và cùng bà con tháo gỡ; hơn là vin vào tính hợp pháp của hợp đồng, vin vào sự phản ứng bức xúc của bà con, hoặc là chưa đủ khả năng tài chính… đẩy bà con rơi vào tình cảnh hụt hẫng, bức xúc, mất lòng tin…

Hy vọng Công ty Tuấn Đại An thực hiện đúng những cam kết để chứng minh rằng: Công ty  vẫn có trách nhiệm, nghĩa vụ đồng hành và chia sẻ với người nông dân.

 

Minh Thanh ,Viễn Khánh


Lượt xem: 192

Trả lời