Cần tăng cường công tác quản lý việc buôn bán điện ở nông thôn

Cập nhật 25/11/2013, 14:11:01

Việc hơn 200 hộ dân ở Ia Băng, Ia Phìn, huyện Chư Prông hiện đang sử dụng điện với giá cao ngất ngưởng và những bất hợp lý mà họ phải gồng mình gánh chịu suốt nhiều năm qua. Vậy ở góc độ liên quan trực tiếp đó là ông Nguyễn Văn Hùng, người bán điện và cơ quan quản lý là điện lực Chư Prông có những ý kiến gì xoay quanh vấn đề này? Phản ánh  sau sẽ phần nào giúp quý vị và các bạn hiểu rõ hơn về thực trạng công tác quản lý buôn bán điện hiện nay ở vùng nông thôn.

 

Người dân phản ánh những bức xúc với phóng viên.

 

Hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ kinh doanh điện.

 

Vào năm 2008, hộ gia đình ông Nguyễn Văn Hùng ở thôn Phú Vinh, xã Ia Băng, huyện Chư Prông bỏ ra số tiền 1,9 tỷ đồng đầu tư 2 trạm điện để sử dụng hàng ngày và kinh doanh lại. Cụ thể đó là ông bán lại điện cho bà con làm rẫy ở 2 thôn Phú Vinh, Phú Tân và một số hộ thuộc xã Ia Phìn chủ yếu phục vụ cho việc sinh hoạt, bơm tưới cà phê, tiêu. Tuy nhiên, mọi việc chỉ ổn thỏa được một vài năm đầu và sau đó bắt đầu nảy sinh nhiều vướng mắc. Đó là việc giá điện quá cao cộng với cách tính chỉ số điện sử dụng không khoa học khiến người sử dụng liên tục thắc mắc.

 

Tìm hiểu thực tế, mỗi kwh điện được ông Hùng bán lại cho dân từ 2.400đ-2.800 đồng và thậm chí là 6.000đ. Ngoài ra mặc dù mỗi hộ đều có lắp công tơ nhưng cách tính số điện rất tùy tiện trong khi đó hàng tháng phải đóng thêm 10.000đ gọi là tiền công ghi chỉ số điện. Thanh minh về việc thu tiền điện cao như vậy, ông Nguyễn Văn Hùng cho rằng đó là do chỉ số hao hụt điện quá lớn, đồng hồ tổng ban đầu chỉ đăng ký 60 hộ nhưng đến giờ đã lên hơn 200 hộ và đặc biệt là cách tính tiền của điện lực Gia Lai cũng tăng đến mức chóng mặt nên buộc ông phải tăng giá.

 

Khi trao đổi với phóng viên ông Nguyễn Văn Hùng-Chủ kinh doanh cho biết: “Nói chung hơn 200 hộ dân đó trong mùa bơm tưới thì người ta mà tưới cả ngày cả đêm 1ha đó thì tôi tính giá nó thấp, còn những hộ dùng điện để tưới tiêu trong giờ cao điểm thì chúng tôi tính giá cao hơn 2 đến 3 trăm đồng để bù lại vào giờ cao điểm. Còn về điện thắp sáng thì hơn 200 hộ dân, trong khi điện lực Gia lai ký hợp đồng cho tôi có 60 hộ mà giờ phải nuôi thêm 140 hộ do đó phải đẩy giá điện lên cao. Trong khi hiện nay điện gia đình lên mức 8, điện lực Gia lai bán đầu cầu cho tôi là 2,4 nghìn rồi. Nói thật tôi ghi 1 đồng hồ là 10 nghìn thì tương đương với hơn 300 đồng hồ mà 200 hộ dân sử dụng thì kiếm 3 triệu tiền công thôi”.

Nói về việc số điện mà người dân phải trả quá cao so với thực tế sử dụng, ông Hùng khẳng định; những hộ chấp nhận mua điện của gia đình ông thì cũng phải phải gánh tất cả những chi phí kèm theo và dĩ nhiên là cả hao hụt điện năng mà chỉ có gia đình ông mới thực sự biết cụ thể là bao nhiêu.

Ông Nguyễn Văn Hùng cho biết thêm: “Cỡ 2.000 m dây thì hao hụt đến 30%, cộng thêm tiền giá trị gia tăng tính theo giá điện lực rồi về mình tính rồi chia ra, hao hụt đến đâu thì dân phải chịu. Còn người dân dùng điện thì chỉ có người dân ăn trộm của người dân thôi, cứ ăn trộm đi giá cao thì đừng có kêu vì cầu dao dùng 2 chiều hết, tháo ra thì mai lắp vào, bởi điện đưa vào nhà, 200 hộ dân thì ai kiểm soát được”.

 

Cũng theo tìm hiểu, do không đồng tình với cách tính tiền điện cao ngất ngưởng của ông Hùng, nhiều người dân ở thôn Phú Vinh, Phú Tân xã Ia Băng đã ngoảnh mặt không sử dụng điện của ông Hùng bán.

 

Ông Đặng Quang Cảnh- Ở thôn Phú Vinh – Ia Băng – Chư Prông cho biết: “Nhà tôi không đóng tiền cổ phần như mọi người, bởi nhà tôi ngoài kia có rẫy nhưng vẫn chạy máy phát, bởi tôi thấy giá điện cao quá vả lại điện này anh Hùng anh độc quyền độc đoán, do đó tôi không tham gia sử dụng điện như bà con”.

Là người đang sử dụng điện mua lại của ông Hùng, ông Lê Ngọc Tân-Thôn Phú Tân – Ia Băng – Chư Prông có đề nghị: “Đề nghị Nhà nước xem xét toàn bộ quy trình đầu tư xem có đúng quy trình pháp luật không. Thứ 2 là giá điện kinh doanh, sản xuất hay sinh hoạt của chúng tôi trong điều kiện đã đóng góp cổ phần, hiện nay lại phải đóng giá cao như vậy có đúng quy định của Nhà nước không”.

 

Đem vấn đề này trao đổi với cơ quan có liên quan, cụ thể là lãnh đạo điện lực Chư Prông lại cho rằng; Đây được xem là giao dịch buôn bán giữa người dân với người dân nên điện lực Chư Prông không hề biết và không có trách nhiệm. Ngay cả khi phóng viên đăng ký phỏng vấn về vai trò và chức năng của điện lực Chư Prông với việc quản lý, sử dụng điện ở địa bàn nhưng lãnh đạo đơn vị vẫn thoái thác, né tránh.

 

Tại điều 5 – thông tư số 19/2013/TT-BCT của Bộ Công thương quy định về giá điện và hướng dẫn thực hiện nêu rõ: Trong quá trình bán lẻ điện phải phát hành hóa đơn giá trị gia tăng tiền điện theo quy định của Bộ Tài chính cho từng khách hàng sử dụng điện theo từng kỳ thanh toán được quy định trong hợp đồng mua bán điện…. Quy định là thế nhưng với cách quản lý ở góc độ “gián tiếp” như lời lãnh đạo điện lực Chư Prông cộng với những bất cập trong việc kinh doanh điện tùy tiện ở đây khiến người dân vùng nông thôn đã khó lại càng khó hơn nhiều. Được biết, Ia Băng chỉ là một trong số rất nhiều xã của tỉnh xảy ra tình trạng này. Chủ trương đưa điện về nông thôn của Nhà nước đang vô hình chung trở thành mảnh đất béo bở tạo điều kiện cho những “Ông vua không ngai” ở nông thôn làm giàu trên quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng./.

Đoàn Bình- Thu Thủy-Xuân Huy


Lượt xem: 59

Trả lời