Báo động thực phẩm không an toàn

Cập nhật 21/9/2020, 08:09:23

Thực phẩm là nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hàng ngày của người dân; tuy nhiên vấn đề đặt ra đó là làm thế nào để chúng ta có thể yên tâm với các loại thực phẩm đang sử dụng hàng ngày khi trên thị trường vẫn còn không ít những thực phẩm không an toàn.
Và thực tế qua nhiều vụ việc vi phạm bị lực lượng chức năng phát hiện, bắt giữ; đặc biệt là đối với thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đã qua chế biến cho thấy một điều rằng “tảng băng chìm” của thực phẩm không an toàn đang rất đáng báo động.

Tang vật vi phạm bị Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 12, Cục QLTT Gia Lai phát hiện và bắt giữ vào khoảng 10 giờ sáng ngày 07/7/2020 tại làng Wâu, xã Chư Á, TP.Pleiku. Hơn 8,1 tấn mỡ bò và tóp mỡ không rõ nguồn gốc, xuất xứ, đang trong quá trình phân hủy, bốc mùi hôi thối được đóng trong tổng cộng 120 bao và chuẩn bị được vận chuyển đưa đi tiêu thụ tại TPHCM. Đáng nói tại thời điểm bị bắt giữ, toàn bộ số hàng này đều không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Đây là vi phạm phổ biến hiện nay đối với mặt hàng thực phẩm khi bị lực lượng chức năng bắt giữ.

Ông Đinh Văn Hà – Phó Cục trưởng Cục QLTT Gia Lai cho biết: “Đối với hoạt động kiểm tra, kiểm soát thì đang nổi lên là thực phẩm không có căn cứ để chứng minh được nguồn gốc, không có hóa đơn, chứng từ. Tất cả những loại thực phẩm này thì gần như là thu mua trôi nổi trên thị trường, người ta tập trung về một đầu mối, trữ ở một đầu mối đó và vận chuyển đi bán. Bán thì rất nhiều nơi, có thể là ra ngoài tỉnh nữa nhưng mà thường thì không chứng minh được là thu mua ở đâu cả”.

Và gần đây nhất, vào ngày 01/9 vừa qua, hơn 1,3 tấn thịt động vật và hải sản đông lạnh không hóa đơn, chứng từ cũng đã bị lực lượng QLTT Gia Lai tạm giữ tại một kho hàng đông lạnh ở địa chỉ Hẻm 63, đường Tuệ Tĩnh thuộc phường Ia Kring, TP.Pleiku. Qua kiểm đếm toàn bộ số hàng hóa tại kho thời điểm bị phát hiện có 663 kg thịt động vật đông lạnh các loại; 646 kg thịt hải sản đông lạnh các loại và 15 kg nội tạng gia cầm được chứa trong 07 tủ đông lạnh, cùng với 30 cá thể động vật chưa xác định chủng loại được đựng trong 02 thùng xốp. Có một thực tế hiện nay đó là phần nhiều những vụ việc vi phạm như thế này tại thời điểm kiểm tra đều không có chủ nên gây khó khăn cho thực thi nhiệm vụ của lực lượng chức năng.

Ông Đinh Văn Hà – Phó Cục trưởng Cục QLTT Gia Lai nói thêm: “Rất là khó khăn. Thường thì những người mà đi buôn chuyến thì họ thuê nhà và tại địa điểm thuê nhà đó thì thường không có biển hiệu. Qua quá trình theo dõi rất là dài và rất là nhiều thời gian về quy trình đi – về, mua – bán của họ thì mình mới phát hiện được địa điểm đó. Nếu như trường hợp mà chính quyền địa phương không phối hợp tốt thì cũng rất là khó để phát hiện ra được”.

Ngoài những vụ vi phạm với số lượng lớn hàng hóa bị phát hiện, theo báo cáo của Cục QLTT Gia Lai; trong 09 tháng đầu năm nay, đối với mặt hàng thực phẩm, lực lượng QLTT tỉnh đã thực hiện kiểm tra 299 vụ; qua đó phát hiện 211 vụ vi phạm với tổng số tiền phạt hơn 539 triệu đồng, trị giá hàng hóa xử lý hơn 228 triệu đồng và nhiều hàng hóa buộc tiêu hủy. Trong đó ngoài thực phẩm đông lạnh, thực phẩm đã qua chế biến trong nước thì còn rất nhiều loại thực phẩm dạng đóng bì, đóng hộp có xuất xứ từ các nước ngoài như: Sữa gấu Nestle xuất xứ Thái Lan dạng hộp; sữa Ensure xuất xứ Mỹ dạng chai; sữa bột dinh dưỡng xuất xứ Nhật dạng lon; hạt dẻ xuất xứ Trung Quốc; siro trẻ em xuất xứ Mỹ… Toàn bộ những sản phẩm vi phạm này đều đã được lực lượng QLTT tỉnh tiêu hủy; tuy nhiên làm thế nào để có thể đảm bảo cho thị trường “trong sạch” những thực phẩm không an toàn như thế này là vẫn đang là khó khăn, thách thức cho lực lượng chức năng cũng như cho người dân trong mua sắm tiêu dùng./.

Mỹ Tiến- Huy Toàn – Phi Long


Lượt xem: 54

Trả lời