Thủ tướng dự hội nghị về đổi mới công ty nông-lâm nghiệp

Cập nhật 18/11/2019, 10:11:21

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị và nghị định của Chính phủ

Sáng 18/11 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị sơ kết 05 năm thực hiện Nghị quyết số 30 ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị và Nghị định 118/2014 của Chính phủ về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông, lâm nghiệp.

thu tuong du hoi nghi ve doi moi cong ty nong-lam nghiep  hinh 1
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị

Cùng dự có Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về đổi mới và sắp xếp doanh nghiệp, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương; các địa phương và doanh nghiệp, công ty nông lâm trường.

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết, theo 6 mô hình sắp xếp mà Nghị quyết số 30 đã quy định, đến hết tháng 6 vừa rồi có 160/256 công ty nông, lâm nghiệp đã sắp xếp chuyển sang hoạt động theo mô hình mới. Hiện nay còn 27/256 công ty chưa thực hiện hiện sắp xếp, chiếm 10,54% tổng số công ty phải sắp xếp theo phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ. Chính phủ phấn đấu năm 2020 cơ bản hoàn thành việc sắp xếp.

Với kết quả này, Phó Thủ tướng cho biết, đây là tỷ lệ khá cao so với sắp xếp cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước nói chung và đề nghị các đại biểu làm rõ tính hiệu quả và phù hợp của các mô hình, nhất là mô hình công ty trách nhiệm hữu hạn 2 thành viên trở lên là một điểm mới của Nghị quyết 30 nhưng vẫn còn nhiều vướng mắc trong thực hiện.

Theo quy định của pháp luật, công ty nông lâm trường chỉ thu hút cổ đông chiến lược khi tỷ lệ chi phối của nhà nước từ 51% trở lên nhưng nhiều địa phương đề xuất giảm tỷ lệ này. Bên cạnh đó, thủ tục giải thể nông lâm trường còn nhiều vướng mắc và Nghị quyết số 30 cũng không cho phép các công ty yếu kém phá sản. Tuy nhiên, không chỉ có sắp xếp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Hội nghị cần phải đánh giá rõ các nội hàm còn lại của Nghị quyết 30 là đổi mới và phát triển nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.

thu tuong du hoi nghi ve doi moi cong ty nong-lam nghiep  hinh 2
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Hội nghị
 Theo báo cáo, trước sắp xếp, đổi mới: Vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp là 24,8 ngàn tỷ đồng, tổng doanh thu 21,98 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 3,52 ngàn tỷ đồng.

Sau sắp xếp đổi mới, vốn chủ sở hữu tại các công ty nông, lâm nghiệp đã tăng lên là 27,84 ngàn tỷ đồng, tuy nhiên tổng doanh thu giảm còn 15 ngàn tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 2,27 ngàn tỷ đồng.

Có nhiều công ty nông, lâm nghiệp sau sắp xếp, đổi mới theo mô hình cổ phần hóa và hai thành viên trở lên đã thu hút được nhiều nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, khoa học công nghệ, quản trị doanh nghiệp góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp. Điển hình như Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam trước khi cổ phần hóa vốn chủ sở hữu là 2.306 tỷ đồng, sau 4 năm tăng lên 4.387 tỷ đồng (tăng đến 190%). Lợi nhuận trước khi cổ phần hóa là 164 tỷ đồng, sau 4 năm tăng lên 854 tỷ đồng.

Việc sắp xếp, đổi mới các công ty nông, lâm nghiệp đã tạo việc làm cho người lao động ở vùng biên giới, vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số góp phần ổn định góp phần giữ vững ổn định chính trị-xã hội và phát triển nông nghiệp, nông dân và xây dựng nông thôn mới theo như mục tiêu của Nghị quyết số 30-NQ/TW đã đề ra.

Phó Thủ tướng cũng đề nghị Hội nghị tập trung cho ý kiến về sắp xếp, quản lý đất đai các công ty nông lâm trường. Sau sắp xếp (thời điểm 2012) các công ty nông, lâm nghiệp giữ lại quản lý, sử dụng hơn 2,85 triệu ha. Diện tích đất các nông, lâm trường trả về địa phương 529.510 ha; diện tích các lâm trường chuyển sang Ban Quản lý rừng là hơn 1.45 triệu ha.

Cho rằng đất đai là vấn đề quan trọng, nhạy cảm, phức tạp và ảnh hưởng tới lớn tới phát triển kinh tế- xã hội địa phương đặc biệt là bảo đảm quốc phòng an ninh, Phó Thủ tướng đề nghị đại biểu đánh giá diện tích đất mà các công ty nông lâm nghiệp giữ lại và số chuyển giao cho địa phương. Tỷ lệ diện tích giao cho địa phương quản lý có phương án sử dụng còn rất thấp và tỷ lệ được phê duyệt còn thấp hơn trong khi đất người dân còn thiếu đất sản xuất./.

Theo VOV


Lượt xem: 14

Trả lời