“Sáng tạo” phải được coi là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng

Cập nhật 13/12/2017, 13:12:07

Theo cố vấn cao cấp UNDP tại Việt Nam, kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, “sáng tạo” là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng.

Sáng 13/12, tại Hà Nội diễn ra Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) năm 2017 với chủ đề “Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững” dưới sự chủ trì của ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và ông Ousmane Dione – Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự và có bài phát biểu tại Diễn đàn.

sang tao phai duoc coi la yeu to quan trong thuc day tang truong hinh 1

Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam Ousmane Dion (giữa) và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng (bên trái) đồng chủ trì diễn đàn. Ảnh: Trần Việt/TTXVN

Diễn đàn có sự tham dự của đông đảo các đối tác phát triển; đại diện các Viện nghiên cứu, các chuyên gia kinh tế hàng đầu trong và ngoài nước; đại diện các nhà đầu tư và Hiệp hội doanh nghiệp; lãnh đạo một số địa phương và bộ, ngành.

Các nội dung được thảo luận tập trung vào xu thế tăng trưởng năng suất của toàn cầu và thách thức với Việt Nam; giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.

Chủ đề “Tăng năng suất, đòn bẩy của tăng trưởng bền vững” của Diễn đàn Phát triển năm nay được được cho là góc tiếp cận rất thực tế và rất thời sự với Việt Nam hiện nay, khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam liên tục giảm. Báo cáo tại Diễn đàn cho thấy, giai đoạn 1990 – 2000, tăng trưởng bình quân là 7,3%; giai đoạn 2001-2010 giảm còn 6,7%, và giai đoạn 2011-2016 thì chỉ tăng bình quân dưới 6%.

Các chuyên gia cho rằng, suốt thời gian vừa qua, Việt Nam tăng trưởng chủ yếu dựa vào chiều rộng, tức dựa vào vốn, khai thác tài nguyên và thâm dụng lao động. Và do vậy, năng suất lao động tăng chậm chính là nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế chậm theo. Trong khi hiện nay, thế giới đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và Việt Nam đang nỗ lực để tăng trưởng theo chiều sâu.

Trong năm 2017, năng suất lao động đóng góp tới khoảng 89% tăng trưởng GDP, cao hơn khá nhiều so với mức 66,3% giai đoạn 1990-2000. Do đó, tăng năng suất chính là “chìa khóa” đảm bảo tăng trưởng vững chắc thời gian tới của Việt Nam.

Để Việt Nam không rơi vào tình trạng suy giảm năng suất, ông Rajah Rasiah, cố vấn cao cấp UNDP tại Việt Nam, cho rằng, Việt Nam có thể học hỏi kinh nghiệm của ngay các nước trong khu vực. Kinh nghiệm của Hàn Quốc, Đài Loan và Singapore cho thấy, “sáng tạo” là yếu tố then chốt thúc đẩy tăng trưởng, và các nền kinh tế này tập trung đầu tư vào cơ sở hạ tầng, tích lũy vốn, phát triển nguồn nhân lực con người, định hướng xuất khẩu.

Chính vì vậy, điều Việt Nam có thể học hỏi là tập trung vào phát triển con người thông qua tăng cường giáo dục về khoa học, công nghệ; tăng cường giáo dục kỹ thuật và đào tạo tay nghề; thu hút tài năng, kinh nghiệm từ người Việt ở nước ngoài và nước ngoài. Song song với đó là tăng tài trợ cho đổi mới sáng tạo, trong đó có lãi suất ưu đãi cho hoạt động đổi mới sáng tạo; tài trợ hoặc có các chính sách tài chính thuận lợi cho hoạt động nghiên cứu và phát triển.

Cũng giống như tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam 2017 diễn ra hôm 12/12, các diễn giả một lần nữa nhấn mạnh đến việc liên kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI, bằng cách trở thành một “mắt xích” trong khâu sản xuất, kinh doanh; đồng thời tiến tới tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Bên cạnh đó, cần phải có giải pháp để nâng cao nhận thức của các bộ, ngành, địa phương và đặc biệt là chính các doanh nghiệp, về việc đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao giá trị sản phẩm và tăng năng suất./.

Theo VOV


Lượt xem: 18

Trả lời