Quốc hội nghe giải trình, tiếp thu, giải trình dự thảo Luật

Cập nhật 21/11/2019, 17:11:51

Thực hiện Chương trình Kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIV, chiều ngày 21/11, Quốc hội nghe tiếp thu, giải trình dự thảo Luật Thư viện trước khi biểu quyết. Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng điều hành nội dung làm việc.

Chủ nhiệm Ủy ban Phan Thanh Bình báo cáo một số nội dung

Báo cáo giải trình, tiếp thu tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cho biết, tại phiên họp chiều ngày 05/11/2019, Quốc hội đã thảo luận về dự thảo Luật Thư viện. Nhìn chung, các vị đại biểu Quốc hội thống nhất cao với những nội dung cơ bản của dự thảo Luật và đóng góp ý kiến vào một số điều, khoản cụ thể để hoàn thiện dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua. Ngay sau phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, giải trình ý kiến các đại biểu Quốc hội và chỉnh lý dự thảo Luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự thảo Luật Thư viện như sau:

Về mạng lưới thư viện, đối với đề nghị bổ sung cụ thể các mô hình thư viện cơ sở giáo dục, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, những nội dung này liên quan đến chương trình giáo dục phổ thông, thuộc trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, cơ sở giáo dục, người dạy trong các cơ sở giáo dục. Dự thảo Luật đã quy định nguyên tắc về trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân này tại khoản 11 Điều 45, khoản 3 Điều 47, khoản 2 Điều 49, làm cơ sở để Bộ Giáo dục và Đào tạo hướng dẫn phù hợp thực tiễn, bảo đảm tính khả thi của Luật. Do vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho giữ quy định như dự thảo Luật.

Về hoạt động thư viện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo như sau, liên thông thư viện là một trong những điểm mới của Luật nhằm bảo đảm hoạt động thư viện theo hướng hiện đại, chia sẻ nguồn tài nguyên thông tin giữa các thư viện; nhất là liên thông giữa các thư viện được Nhà nước đầu tư với các thư viện khác, nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống thư viện, khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước.

Dự thảo Luật đã quy định cụ thể về liên thông thư viện. Theo đó, quy định trách nhiệm Nhà nước đầu tư cho hoạt động liên thông (Điều 5); quy định thực hiện liên thông là nguyên tắc hoạt động chung của cả thư viện công lập và thư viện ngoài công lập (khoản 4 Điều 24); quy định về xây dựng tài nguyên thông tin, phát triển thư viện số làm cơ sở cho việc liên thông (Chương III); quy định về cơ chế liên thông (khoản 3 Điều 29), trong đó nhấn mạnh tài nguyên thông tin được xây dựng từ ngân sách nhà nước phải được liên thông, chia sẻ giữa các thư viện; quy định thư viện được Nhà nước ưu tiên đầu tư làm nòng cốt trong hoạt động liên thông (điểm a và c khoản 3 Điều 29).

Dự thảo Luật cũng quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về thư viện trong phạm vi cả nước, có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện liên thông thư viện (điểm c khoản 2 Điều 48); đồng thời, quy định trách nhiệm tổ chức liên thông thư viện của cơ quan, tổ chức, cá nhân trực tiếp quản lý thư viện (khoản 5 Điều 46). Trên cơ sở đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ quy định như dự thảo Luật.

Đối với đề xuất quy định cụ thể về cơ chế tài chính, thu phí và quản lý phí, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo nội dung này thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật chuyên ngành. Do đó, dự thảo Luật Thư viện chỉ quy định mang tính nguyên tắc, còn cụ thể sẽ do pháp luật về phí và lệ phí điều chỉnh để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật.

Toàn cảnh Phiên họp

Về chính sách của Nhà nước về phát triển sự nghiệp thư viện, tiếp thu ý kiến đại biểu từ Kỳ họp thứ 7 và ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các Bộ, ngành hữu quan, các chuyên gia, nhà quản lý, người trực tiếp làm công tác thư viện, nhằm phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của đất nước, bảo đảm sử dụng ngân sách hiệu quả, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng Nhà nước đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho thư viện thể hiện ở ba cấp độ: đầu tư, hỗ trợ đầu tư và khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện (Điều 5).

Theo đó, dự thảo Luật quy định Nhà nước đầu tư cho thư viện công lập (khoản 1 Điều 5), trong đó ưu tiên đầu tư cho Thư viện Quốc gia Việt Nam, thư viện cấp tỉnh và thư viện có vai trò quan trọng. Luật giao Chính phủ quy định chi tiết về thư viện có vai trò quan trọng được ưu tiên đầu tư phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và chiến lược phát triển đất nước. Đối với thư viện cấp huyện, thư viện cấp xã, dự thảo Luật quy định chính quyền địa phương, theo hướng dẫn của Chính phủ, chịu trách nhiệm thành lập và bảo đảm điều kiện hoạt động phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương. Đối với thư viện cơ sở giáo dục mầm non, thư viện cơ sở giáo dục phổ thông, thư viện của lực lượng vũ trang, thư viện chuyên ngành,… dự thảo Luật đã quy định cụ thể về từng loại thư viện; đồng thời, quy định trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo, của cơ quan, tổ chức thành lập, quản lý thư viện trong việc bảo đảm điều kiện hoạt động của thư viện trong ngành. Với những lý do nêu trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin Quốc hội cho phép giữ quy định như dự thảo Luật.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng tiếp thu và đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp với cơ quan soạn thảo, Thường trực Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan tổ chức rà soát, hoàn thiện toàn bộ kỹ thuật văn bản để trình Quốc hội xem xét, thông qua./.

Theo Báo Quốc hội


Lượt xem: 16

Trả lời