Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải – Nhà ngoại giao tài ba

Cập nhật 21/3/2018, 13:03:46

9 năm trên cương vị Thủ tướng, ông Phan Văn Khải đã ghi lại nhiều dấu ấn quan trọng đối với sự phát triển kinh tế của Việt Nam.

Những ấn tượng của ông Trần Đức Nguyên về nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thật rõ nét vì ông vinh dự có 9 năm liền làm trợ lý cho Thủ tướng. Trong ký ức của ông, ông Phan Văn Khải không chỉ là người có nhiều đóng góp cho sự tăng trưởng của nền kinh tế đất nước mà ông còn được đánh giá là một nhà ngoại giao tài ba,nhất là trong giai đoạn nền kinh tế Việt Nam gặp nhiều khó khăn của thời kỳ đầu hội nhập và mở cửa.

nguyen thu tuong phan van khai nha ngoai giao tai ba hinh 1
Thủ tướng Phan Văn Khải (bên trái) và cựu Tổng thống Mỹ George Bush năm 2005  (Ảnh: KT).

Năm 2005, nhân dịp kỷ niệm 10 năm thiết lập quan hệ hai nước, ông Phan Văn Khải là nhà lãnh đạo đầu tiên của Việt Nam thăm chính thức Hoa Kỳ kể từ khi cuộc chiến tranh Việt Nam kết thúc vào năm 1975.

Sự kiện này đã mở ra triển vọng hợp tác rộng và mới giữa Việt Nam và Hoa Kỳ. Trong cuộc hội đàm với Tổng thống George W. Bush tại Nhà Trắng, hai nhà lãnh đạo đã vượt qua những trở ngại về sự khác biệt văn hóa, những vấn đề hậu quả chiến tranh, cũng như cách tiếp cận một số vấn đề nhạy cảm. Chuyến đi này đã đánh dấu một mốc mới trong quan hệ giữa hai quốc gia, nhất là trên lĩnh vực kinh tế, nhiều hợp đồng lớn đã được ký kết.

Ông cũng đặt nền móng cho cuộc cải cách giảm bớt sự can thiệp của Nhà nước, bộ ngành vào nền kinh tế, từng bước hình thành nền kinh tế thị trường, mở rộng quyền tự do cho các doanh nghiệp.

Cũng trong chuyến thăm nước Mỹ năm 2005, Thủ tướng Phan Văn Khải đã gặp gỡ tỷ phú Bill Gates – nhà sáng lập hãng công nghệ Microsoft, ký hai bản ghi nhớ thoả thuận về việc đào tạo và phát triển các công ty công nghệ thông tin Việt Nam và đào tạo hơn 50.000 giáo viên Việt Nam trong lĩnh vực máy tính và phần mềm.

Ngay sau chuyến thăm này, Thủ tướng Phan Văn Khải đã thăm chính thức Canada. Tại đây, những cam kết, những hiệp định và thỏa thuận hợp tác cấp cao mới, hợp tác giữa các địa phương và giữa các doanh nghiệp hai nước cũng đã được ký kết.

Giới chuyên môn đánh giá, 2 chuyến thăm lịch sử này của Thủ tướng Phan Văn Khải đã mang lại thành công về nhiều mặt: đó là nâng cao vị thế của Việt Nam trong công tác đối ngoại trên trường quốc tế, tăng cường quan hệ hợp tác về kinh tế thương mại, đầu tư, thu hút vốn viện trợ đầu tư phát triển vào Việt Nam; tạo ra mối quan tâm cao đối với dư luận chung và dư luận tại Mỹ, Canada về Việt Nam; tăng cường các quan hệ hợp tác về nhân đạo, y tế, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ, an ninh quốc phòng…

Đặc biệt, đây cũng là lần đầu tiên, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thương mại với quy mô lớn, có cơ hội tiếp xúc, liên kết hợp tác làm ăn với doanh nghiệp các nước, mở ra triển vọng trao đổi mậu dịch và đầu tư vào Việt Nam tăng cao.

Tinh thần cầu thị quốc tế

Ông Phan Văn Khải được bổ nhiệm làm Thủ tướng, kế vị ông Võ Văn Kiệt giữa lúc xảy ra khủng hoảng tài chính châu Á, bắt đầu từ tháng 7/1997 ở Thái Lan rồi nhanh chóng lan rộng ra khắp châu Á và thế giới. Đến tháng 7/2002, ông tái nhiệm làm Thủ tướng. Ông được xem là người đã dẫn dắt Việt Nam qua khủng hoảng, đạt tăng trưởng GDP trung bình 7% trong gần 9 năm lãnh đạo.

Năm 2000, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đã tăng trở lại con số 6,8% và giữ nguyên đà tăng tốc đó đến năm 2006-2007, lạm phát trong suốt giai đoạn đó luôn ổn định và ở dưới mức 10%/năm.

nguyen thu tuong phan van khai nha ngoai giao tai ba hinh 2
GS-TS Nguyễn Quang Thái: “Thủ tướng Phan Văn Khải là người có phong cách quản lý linh hoạt, luôn lắng nghe kiến nghị của cấp cơ sở, tìm những nhân tố mới để tổng kết, phát huy lợi thế”.

Cũng dưới thời ông Khải, nhiều dự án công trình lớn được khởi công xây dựng như cầu Cần Thơ, năm 2004; Cầu Vĩnh Tuy năm 2005, vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng…

Với những công trình và thành tựu ghi dấn ấn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, GS-TS Nguyễn Quang Thái, Tổng Thư ký Hội Kinh tế Việt Nam nhận định, “Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải là người rất quan tâm đến việc nghiên cứu, ứng dụng hợp tác quốc tế, từ chương trình phát triển đồng bằng sông Cửu Long cho đến học tập kinh nghiệm phát triển kinh tế của các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản hồi đầu những năm 1990.”

Trong quá trình chuyển đổi kinh tế, ông Phan Văn Khải từ thời làm Phó Thủ tướng rồi đến Thủ tướng đã xác định, Việt Nam cần học tập kinh nghiệm các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc. Đây là những nước có xuất phát điểm cũng khó khăn như Việt Nam, đó là tái thiết lại đất nước sau chiến tranh và thành công trong xây dựng một nền kinh tế phát triển, đời sống người dân được ổn định và nâng cao.

Khâm phục và ngưỡng mộ những thành quả trong công cuộc xây dựng đất nước mà nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải gây dựng nên, GS-TS Nguyễn Quang Thái cho biết, “Nguyên Thủ tướng cũng là người có phong cách quản lý linh hoạt, luôn lắng nghe kiến nghị của cấp cơ sở, tìm những nhân tố mới để tổng kết, phát huy lợi thế, đồng thời tìm cách đi sao cho hiệu quả nhất, phù hợp nhất với tình hình đất nước. Nhờ vậy, Việt Nam đã có những bước phát triển đột phá trong những năm 1990 và đầu những năm 2000.”

Điều này được chứng minh bằng việc, Việt Nam từ một nước nhập khẩu lương thực trở thành nước xuất khẩu lương thực, bỏ “ngăn sông cấm chợ”, thúc đẩy kinh tế thị trường, hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, thương mại sôi động… Những việc làm này đã thể hiện những đóng góp to lớn của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải, đồng thời cũng cho thấy rõ tầm nhìn chiến lược và sự quyết đoán của ông./.

Theo VOV


Lượt xem: 37

Trả lời