Công tác nhân sự Đại hội XIII: Không để lọt vào Trung ương người không xứng đáng

Cập nhật 11/1/2021, 07:01:12

Kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành Trung ương những người không xứng đáng. Đồng thời, không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển.

Điểm nhấn chỉnh đốn Đảng và khơi dậy khát vọng phát triển đất nước

Chuẩn bị cho sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng của đất nước là Đại hội XIII của Đảng sẽ diễn ra tại Hà Nội từ ngày 25/1-2/2/2021, nhiều tờ báo mở chuyên trang, chuyên mục “Hướng tới Đại hội Đảng lần thứ XIII” với nhiều bài viết chủ yếu xoay quanh nội dung các văn kiện trình Đại hội và công tác.

Tờ Đầu tư đăng tải các ý kiến của các chuyên gia kinh tế, các nhà khoa học phân tích về quan điểm, mục tiêu, và định hướng phát triển kinh tế-xã hội của đất nước trong 5 – 10 năm tới.

Về nội dung của 3 đột phá chiến lược: Thể chế – nguồn nhân lực – kết cấu hạ tầng được nêu trong dự thảo Báo cáo Chính trị, ông Đỗ Văn Sinh, Ủy ban kinh tế của Quốc hội cho rằng: “Đột phá về hoàn thiện thể chế cần quan tâm đến việc sửa Luật đất đai. Bởi đất đai là nguồn lực quan trọng nhưng là hữu hạn và đang bị thất thoát nhiều. Nếu không quản chặt thì lãng phí rất lớn. Đột phá nguồn nhân lực thì phải cải cách tiền lương. Bởi tiền lương không đủ sống thì sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao như thế nào? Tổng kết cuối năm, gần 100% cán bộ công chức được đánh giá là hoàn thành tốt nhiệm vụ, nhưng công việc vẫn trì trệ. Đó là vấn đề cần suy nghĩ và sớm có giải pháp”.

Công tác nhân sự Đại hội XIII: Không để lọt vào Trung ương người không xứng đáng - Ảnh 1.

Trên tờ Nông thôn ngày nay, Giáo sư, tiến sĩ Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận trung ương cho biết: “Dự thảo văn kiện trình Đại hội XIII tiếp tục đặt lên hàng đầu nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh. Trong đó, trọng tâm là đẩy mạnh toàn diện cuộc đấu tranh chống tham nhũng, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa trong nội bộ”.

Theo Giáo sư Phùng Hữu Phú, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý kỷ luật nghiêm minh những cán bộ sai phạm là cần thiết, quan trọng phải tiếp tục đẩy mạnh; đồng thời phải rà soát, bổ sung, hoàn thiện, xây dựng mới các chính sách, luật pháp, cơ chế, chế tài… để khắc phục những sơ hở và phòng ngừa không để xảy ra những vi phạm, tiêu cực. Đây là công việc cần được đặc biệt chú trọng theo tinh thần phòng bệnh hơn chữa bệnh.

Công tác nhân sự Đại hội XIII: Không để lọt vào Trung ương người không xứng đáng - Ảnh 2.

Cùng về chủ đề này, tờ Tiền phong thông tin: Ít có nhiệm kỳ nào như nhiệm kỳ Đại hội XII, Ban chấp hành Trung ương ban hành tới 4 Nghị quyết, 1 quy định và Bộ Chính trị, Ban bí thư ban hành gần 130 văn bản để chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Nhiều quy định lần đầu tiên được ban hành như: Quy định nêu gương của cán bộ, đảng viên; Quy định về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm có thời hiệu, kể cả khi cán bộ đã nghỉ hưu; Quy trình 5 bước trong bổ nhiệm cán bộ đã giúp cho việc sàng lọc nhân sự kỹ càng hơn, chọn người đúng hơn, trúng hơn; Rồi là những quy định liên quan đến kiếm soát quyền lực chống chạy chức, chạy quyền…. Tất cả các quy định này đều hướng đến mục tiêu làm cho Đảng, trong sạch, vững mạnh hơn.

Không để lọt vào Trung ương người không xứng đáng

Tại mỗi kỳ Đại hội Đảng, công tác chọn lựa nhân sự cấp cao, những người gánh vác trọng trách của đất nước là vấn đề luôn được các tầng lớp nhân dân quan tâm đặc biệt và đặt nhiều kỳ vọng. Bởi đội ngũ lãnh đạo có Đức, có Tài, đủ tiêu chuẩn có ý nghĩa quyết định đến vận mệnh của Đảng và sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước trong những năm tới.

Theo tờ Tiền phong, một trong những yêu cầu nữa được đề ra là phải xây dựng Ban chấp hành trung ương khóa XIII thật sự là một tập thể đoàn kết thống nhất, trong sạch, vững mạnh; có tư duy đổi mới và tầm nhìn chiến lược; tiêu biểu cho toàn Đảng về trí tuệ, tính chiến đấu, tính kỷ luật, gắn bó mật thiết với nhân dân.

Công tác nhân sự Đại hội XIII: Không để lọt vào Trung ương người không xứng đáng - Ảnh 3.

Vì thế, việc chuẩn bị, giới thiệu và bầu Ban Chấp hành trung ương phải đặt lợi ích của Quốc gia – dân tộc lên trên hết, trước hết; Kiên quyết không để lọt vào Ban chấp hành trung ương những người không xứng đáng; đồng thời, không bỏ sót những cán bộ có đức, có tài, có triển vọng phát triển, có tín nhiệm cao trong Đảng và nhân dân.

Đại hội XIII sắp tới được tiến hành trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường. Đây cũng là thời điểm đặc biệt, khi đất nước có sự chuyển giao thế hệ từ lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, được rèn luyện, trưởng thành trong những năm tháng kháng chiến, sang lớp cán bộ sinh ra, lớn lên, trưởng thành trong hòa bình và được đào tạo từ nhiều nguồn, nhiều nước có thể chế chính trị khác nhau.

“Chính bối cảnh đó lại càng đòi hỏi Đại hội phải lựa chọn cho được những cán bộ, đảng viên thực sự xứng đáng, có đủ tài, đủ đức, đủ bản lĩnh chính trị để gánh vác trọng trách nối tiếp truyền thống lịch sử anh hùng, đưa đất nước ta tiến lên thịnh vượng” – tờ Đầu tư bình luận.

Theo VTV

Lượt xem: 32

Trả lời