Tập trung phát triển đàn bò lai trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Cập nhật 18/11/2020, 10:11:57

Nhằm từng bước ổn định sản xuất, tạo cơ hội cho hộ nghèo, những năm qua, nhiều địa phương trên địa bàn huyện Đak Pơ đã chú trọng đến việc phát triển và nâng cao chất lượng đàn bò, nhất là tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Từ sự hỗ trợ về vốn, bò giống sinh sản; được hướng dẫn cách làm chuồng trại, chăm sóc…, nhất  là tinh thần nỗ lực biết vươn lên của người dân, đã giúp cho nhiều hộ nghèo đồng bào dân tộc thiểu số thoát nghèo. Câu chuyện được chúng tôi ghi nhận tại xã An Thành, huyện Đăk Pơ

Phát huy lợi thế của địa phương là diện tích đồng cỏ lớn, rất thuận lợi để phát triển đàn bò lai có giá trị kinh tế cao. Trên cơ sở đó, Ủy ban mặt trận tổ quốc huyện phối hợp với chính quyền các địa phương, tiến hành chặt chẽ ngay từ khâu lựa chọn bò giống sinh sản để cấp cho hộ nghèo; phối hợp với ngành chức năng hướng dẫn cho người dân cách làm chuồng trại, trồng cỏ làm nguồn thức ăn; chăm sóc, phòng bệnh cho đàn bò. Những gia đình được hỗ trợ phải có cam kết nuôi thật tốt, trước khi bán đều thông tin đến cán bộ địa phương, không để bà con sử dụng nguồn lực hỗ trợ sai mục đích.

Chị Đinh Thị Gim, Làng Bút, xã An Thành, huyện Đăk Pơ cho biết: “Nay bò mình đã đẻ được 3 con rồi, mình dự định là báo cho cán bộ biết sẽ bán 1 con, lấy tiền đó để sửa lại cái nhà để con và ông bà có chỗ ở tốt hơn”.

Từ nguồn hỗ trợ thiết thực, phù hợp; được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức dễ thấy, dễ làm, nhờ đó, những con bò sinh sản đến tay người nghèo nơi đây đều khỏe mạnh và lớn nhanh. Sau hơn 2 năm chăm sóc nhiều con bò đã có giá trị lên tới 50-60 triệu đồng. Tuy chưa thể gọi là giàu nhưng đây là điều kiện quan trọng giúp người nghèo có thêm sinh kế để vươn lên thoát nghèo và thoát nghèo bền vững.

Chị Blem,  Làng Kuk Kon, xã An Thành, huyện Đăk Pơ chia sẻ: “Gia đình khổ được cấp bò, mình chăm sóc con bò nay lớn hơn rất nhiều, mình vui chứ, sẽ cố gắng chăm sóc cho tốt hơn nữa, sau này có điều kiện cho con đi học”.

Ông Lưu Văn Hoàn, Ủy viên thường trực, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Đăk Pơ cho biết: “Kết hợp với Nghị quyết cải tạo, lai hóa đàn bò để có giá trị do huyện ủy triển khai. Chúng tôi chú trọng điều đó và phối hợp chặt chẽ trong quá trình từ khâu rà soát, xác định nguyên nhân, hỗ trợ gì cho từng hộ nghèo.

Có 1 bản cam kết, các hộ được cấp bò không được bán mà phải giữ, khi bò sinh sản thì có thể bán nhưng vẫn phải giữ bò mẹ để làm vốn. Kết quả đáng mừng, là nguồn lực hỗ trợ đã giúp nhiều hộ nghèo có điều kiện vươn lên”.

Nhờ định hướng phù hợp dựa trên tiềm năng, thế mạnh địa phương, có thể thấy việc phát triển chăn nuôi bò lai trên huyện Đăk Pơ, chính là “đoàn bẩy” cho kinh tế hộ gia đình đi lên, nhất là hộ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số.  Hiện tại địa phương đang tiếp tục phấn đấu nâng cao tỷ lệ đàn bò lai, dự kiến kết thúc năm 2020 toàn huyện sẽ đạt gần 100% theo kế hoạch tỉnh giao./.

Kim Ngân, Viễn Khánh


Lượt xem: 32

Trả lời