Một số diễn biến chính trong đợt tấn công thứ 2 của ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ

Cập nhật 30/3/2014, 08:03:21

Sau những thắng lợi có ý nghĩa quan trọng trong đợt tấn công thứ nhất trong chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã tích cực triển khai công tác chuẩn bị và tiếp tục mở đợt tấn công thứ 2 bắt đầu diễn ra vào ngày 30 tháng 3 cách đây tròn 60 năm. Nhiệm vụ chính của đợt tấn công này là đánh chiếm các ngọn đồi phía đông, đánh chiếm sân bay triệt đường tiếp tế và tiếp viện, thu hẹp phạm vi chiếm đóng và vùng trời của phân khu Trung tâm Điện Biên Phủ.

 




 

17h ngày 30/3/1954, đợt tấn công thứ 2 của quân ta bắt đầu và kéo dài trong 30 ngày đêm ác liệt. Đợt này quân ta chủ yếu đánh phân khu trung tâm, đặc biệt là dãy điểm cao quan trọng phía đông, nhằm vây lấn bóp nghẹt tập đoàn cứ điểm của Pháp.

       Để đảm bảo chắc thắng trong đợt tấn công thứ hai, Đảng uỷ và Bộ chỉ huy mặt trận của ta quyết định phải xây dựng trận địa tấn công và bao vây, xác định đây là nhiệm vụ trung tâm trong công tác chuẩn bị của đợt 2. Hệ thống trận địa tấn công và bao vây bao gồm đường giao thông hào trục: sâu 1,7m, rộng 1,2m chạy xung quanh phân khu Mường Thanh, cắt đứt phân khu này và phân khu nam; giao thông hào nhánh: sâu 1,7m, rộng 0,5m từ đường hào trục toả các hướng, sát tới trận địa của địch. Trong đợt này, các Đại đoàn: 312, 316, 308, 304, 351 cùng với một số đơn vị khác đã đảm nhiệm từng mũi tiến công và có sự hiệp đồng với nhau trong chiến đấu rất linh hoạt và chặt chẽ tại các cao điểm A1, D1, C1, E, C2.  Trong số các cao điểm ở phía Đông thì đồi A1 giữ vai trò đặc biệt quan trọng, vì nó khống chế một phạm vi khá rộng gồm cả khu vực sở chỉ huy của Đờ Cát và hai chiếc cầu trên sông Nậm Rốm. Từ ngày 30/3 đến ngày 4/4, bộ đội ta 3 lần tổ chức tấn công. Lúc này cuộc chiến đấu trên những cao điểm khác đã kết thúc, địch dựa vào hệ thống hầm ngầm ngoan cố chống cự, dồn tất cả hỏa lực đại bác và súng cối vào A1 mong cứu vãn tình hình. Các đợt xung phong của Tiểu đoàn 255 cũng không vượt qua hàng rào lửa đại bác. Quá nửa đêm, cuộc chiến đấu tại A1 diễn ra giằng co, mỗi bên giữ được nửa đồi.

 

Ông Bùi Hữu Tín- Chiến sĩ Điện Biên kể lại: Nhiều trận đánh giữa ta và địch diễn ra rất ác liệt trên đồi A1. Đồi A1 giữ vị trí đặc biệt quan trọng, ta dồn nhiều lực lượng tiến công vào đây và địch cũng dùng lực lượng chống cự một cách quyết liệt. Hai bên luôn giằng co từng tất đất và trong đợt tấn công thứ 2 vẫn chưa giải quyết được đồi A1.                                               

 

Trong đợt tấn công thứ 2 này, các vị trí 106, 105, 206…. của Pháp đã bị bộ đội ta đánh chiếm. Ngay từ hạ tuần tháng 3/1954, bộ đội cao xạ và bộ đội pháo binh hoạt động mạnh, máy bay địch không hạ cánh xuống sân bay Mường Thanh được, phải bay cao thả dù, nhiều dù hàng bay sang trận địa phòng ngự của ta. Từ trung tuần tháng 4/1954 phong trào thi đua “Săn tây bắn tỉa” của bộ đội ta càng làm cho địch hoang mang, tuyệt vọng. Đối với địch, Điện Biên Phủ đã trở thành địa ngục trần gian, cái chết đến với chúng bất cứ lúc nào. Được sự chi viện của hậu phương cả tinh thần và vật chất, các chiến sỹ Điện Biên Phủ lạc quan tin tưởng vào thắng lợi cuối cùng của chiến dịch./.

 

Hà Đức- Lê Thư(khai thác và biên tập từ Internet)


Lượt xem: 496

Trả lời