Khát vọng hòa bình, đổi mới trên quê hương Gia Lai

Cập nhật 30/4/2015, 11:04:08

Với khát vọng hòa bình, độc lập tự do, giải phóng quê hương, thống nhất đất nước, quân và dân tỉnh Gia Lai đã lập nên nhiều kỳ tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, đóng góp to lớn vào chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Nhiều tên đất, tên làng và những người con ưu tú của quê hương Gia Lai đã đi vào lịch sử như những huyền thoại về sự kiên cường, bất khuất trong chiến đấu chống quân thù. 

Ảnh tư liệu

Tinh thần đoàn kết, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh chống giặc ngoại xâm và khát vọng hòa bình, độc lập tự do, giải phóng quê hương của quân và dân Gia Lai đã được hun đúc qua chiều dài lịch sử dân tộc. Điều ấy càng được tỏa sáng, biểu hiện sinh động trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước ác liệt. Sau thắng lợi vang dội của quân và dân ta trên chiến trường miền Nam vào cuối năm 1974 và đầu năm 1975 đã làm thay đổi cơ bản về so sánh lực lượng giữa ta và địch. Thực hiện quyết tâm của Bộ Chính trị về giải phóng mền Nam trong năm 1975, trong chiến dịch Tây Nguyên, nhận thức được thời cơ đã đến và quyết định của mình, phát huy truyền thống yêu nước của dân tộc ta, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Khu ủy Khu 5 và Đảng bộ tỉnh, đầu tháng 4 năm 1975 quân và dân Gia Lai đã liên tục tổ chức các cuộc tiến công tiêu hao sinh lực địch, bứt phá  nhiều đồn bốt, cơ quan quân sự của địch, giải phóng phần lớn vùng đất phía Nam Pleiku- Cheo Reo. Đặc biệt đã thực hiện tốt việc chia cắt chiến lược đường 19, đường 14, chia cắt chiến trường Tây Nguyên với đồng bằng, chia cắt Pleiku- Kon Tum với Buôn Ma Thuột; đồng thời tổ chức tốt các hoạt động nghi binh, thu hút địch dồn lực lượng về hướng Pleiku- Kon Tum để tạo điều kiện thuận lợi cho quân ta tiến công đánh chiếm Buôn Ma Thuột, giải phóng Tây Nguyên. Những giai đoạn đầy ác liệt ấy, trên nhiều chiến trường của Gia Lai, với sức mạnh về quân sự và lực lượng hùng mạnh, địch tàn phá rất nặng nề nhưng không ngăn nổi tinh thần yêu nước, quật cường và khát vọng giải phóng quê hương của quân và dân trong tỉnh.

         Những ai đã chịu nhiều gian khổ, đối mặt với sự tàn bạo của quân thù, cận kề với sự hy sinh, mất mát mới càng thấm thía niềm hạnh phúc lớn lao về quê hương được giải phóng, đất nước thống nhất.  Bà Hà Thị Bình- Nguyên Chủ tịch UBND huyện Chưprông kể lại : "Ngày ấy trên vùng đất huyện Chưprông bị chiến tranh tàn phá rất nặng nề, địch thường xuyên càn quét đánh phá, nhưng cán bộ và nhân dân huyện nhà chiến đấu kiên cường với truyền thống yêu nước nồng nàn, quyết tâm giải phóng quê hương".

          Sau bao nhiêu năm chịu nhiều gian khổ, mất mát, hy sinh, ngày giải phóng quê hương Gia Lai(17/3/1975) đã đến như một sự tất yếu trong niềm vui tột cùng của cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh. 40 năm đã trôi qua, nhưng những phút huy hoang ấy của lịch sử Gia Lai vẫn còn in đậm mãi với niềm xúc động, tự hào của nhiều người. Đại tá Lâm Huế- Nguyên Phó Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh nhớ lại: "Ngày 17/3/1975 lực lượng vũ trang cùng cán bộ, nhân dân các dân tộc trong tỉnh rất xúc động và tự hào vì quê hương được giải phóng. Chúng tôi được giao tiếp quản Pleiku, ai cũng phấn khởi, tự hào".

           Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, Đảng bộ, quân và dân các dân tộc tỉnh Gia Lai đồng sức, đồng lòng bắt tay thực hiện nhiệm vụ mới- khắc phục hậu quả, hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục phát triển kinh tê- xã hội, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân… Vươn mình đi lên cùng sự phát triển của đất nước trong sự khát vọng vô bờ về đổi mới quê hương của cán bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, Gia Lai từ một tỉnh miền núi nghèo nàn lạc hậu đã có sự phát triển vượt bật. Pleiku và nhiều địa phương khác trong tỉnh trước đây là những cơ quan đầu não, trận địa kiên cố tưởng như “bất khả xâm phạm” của địch, sau phút chuyển giao của lịch sử đã từng ngày đổi mới với sức sống kỳ diệu. Sự hòa quyện giữa “ý Đảng lòng dân” đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, biến những đau thương, mất mát năm xưa do chiến tranh thành bài ca đổi mới, hạnh phúc ấm no ngày nay trên quê hương giàu truyền thống cách mạng.

        Trong những giờ khắc thiêng liêng của lịch sử, mỗi chúng ta càng biết ơn sự lãnh đạo tài tình của Đảng và Bác Hồ kính yêu; sự cống hiến, xả thân hy sinh  của bao người con ưu tú để quê hương được giải phóng và nở hoa đổi mới, từ đó càng xác định trách nhiệm và quyết tâm của thế hệ hôm nay phải luôn kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của thế hệ cha anh đi trước để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.  Đồng chí Phạm Thế Dũng- Phó Bí thư Tỉnh ủy- Chủ tịch UBND tỉnh nói: "Là một tỉnh anh hùng, giàu lòng yêu nước và sức sáng tạo, với tinh thần tiến công cách mạng, trước thời cơ và vận hội mới, đi theo con đường của Đảng và Bác Hồ đã chọn, Đảng bộ quân và dân các dân tộc Gia Lai nguyện đoàn kết một lòng, nêu cao bản lĩnh chính trị, đem hết sức lực, tâm huyết, tài năng, trí tuệ, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững bước tiến lên trên con đường đổi mới và phát triển, quyết tâm xây dựng quê hương Gia Lai ngày càng giàu đẹp, tất cả vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

       Lịch sử quê hương Gia Lai với những dấu gạch nối kỳ diệu. Kể từ khi được giải phóng cho đến nay, Gia Lai luôn “nở hoa” đổi mới, ấm no, hạnh phúc và sẽ tiếp tục vươn mình đi lên hòa nhịp với bài ca thắng lợi, đổi mới đất nước./.

 

                                                             

Hà Đức , R’Piên


Lượt xem: 329

Trả lời