Gia Lai quyết tâm về đích xây dựng nông thôn mới

Cập nhật 20/1/2017, 08:01:12

Một mùa Xuân mới đã về tiếp tục ghi dấu ấn trên các lĩnh vực phát triển kinh tế- xã hội mà tỉnh Gia Lai đã gặt hái được. Diện mạo nhiều vùng nông thôn ngày càng khởi sắc, đời sống người dân được cải thiện, nhiều nét đẹp văn hóa được phát huy, đó là kết quả nổi bật sau hơn 5 năm triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị và sự đồng sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh. Nhiều bài học kinh nghiệm đã được rút ra, nhiều mô hình hay  được nhân rộng, tạo động lực để Gia Lai quyết tâm hoàn thành các mục tiêu đã đề ra trong năm mới Đinh Dậu.

Thêm 9 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới trong năm 2016. Như vậy là sau 5 năm triển khai chương trình này Gia Lai hiện có 30 xã chuẩn nông thôn mới. Kết quả này được xem là tín hiệu đáng mừng cho thấy sự nỗ lực của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh, bởi trong điều kiện thực tế hiện nay, không ít địa phương dù có điểm xuất phát thấp nhưng đã biết vận dụng linh hoạt các giải pháp và coi người dân là chủ thể để có sự quan tâm, đầu tư phù hợp, sát với điều kiện thực tiễn ở cơ sở để vượt lên hoàn thành 19/19 chỉ tiêu nông thôn mới.

Góp phần quan trọng vào kết quả chung đó không thể không kể đến vai trò của nhân dân ở nhiều địa phương. Việc người dân tình nguyện đóng góp nguồn lực để thực hiện các tiêu chí có ý nghĩa hết sức quan trọng, góp phần đưa các xã tiến nhanh đến mục tiêu đạt chuẩn nông thôn mới.

Ông Yên  – Thôn trưởng thôn Dơk Rơng, xã Glar, huyện Đak Đoa cho biết: “Khi triển khai chương trình nông thôn mới, bà con trong thôn chúng tôi hưởng ứng tích cực lắm. Bà con sẵn sàng đóng góp tiền làm hơn 2km đường giao thông, huy động được 300 triệu đồng làm nhà sinh hoạt cộng đồng. Bây giờ đời sống của gần 200 hộ trong thôn đã khá hơn trước nhiều, đường làng đã được bê tông , sạch đẹp lắm” .

Ông Hoa Xuân Niêm – Thôn Tân An, xã Ia Sao, huyện Ia Grai nói: “Làm được đường thì nhân dân hưởng lợi, đi lại thuận lợi hơn, giao thông, làm ăn, suôn sẻ hơn. Nhà nước có chủ trương thì nhân dân hưởng ứng và phấn khởi đóng góp một phần nào đó để Nhà nước và nhân dân cùng làm.

Một điều đáng ghi nhận là trong 5 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước gần 4 nghìn tỷ đồng thì nhân dân, các doanh nghiệp cũng đã chung sức, đóng góp được hơn 14 nghìn tỷ đồng. Với nền tảng là người dân, nòng cốt cũng là người dân, công cuộc xây dựng nông thôn mới của nhiều địa phương trong tỉnh đã vượt qua vô vàn khó khăn, thách thức và xác định rõ mục tiêu trọng tâm của chương trình này.

Ông Nguyễn Trường – Chủ tịch UBND huyện Đak Pơ cho biết: “Chúng tôi xác định đây là chương trình mà đặt người dân ở vị trí trung tâm, do đó mọi vấn đề triển khai thực hiện chương trình thì người dân phải biết, phải bàn, phải làm và phải giám sát kiểm tra. Do đó chúng tôi xác định công tác tuyên truyền vận động, định hướng cho người dân là hết sức quan trọng. Đây là chương trình suy cho cùng là triển khai công nghiệp hóa, hiện đại hóa khu vực nông thôn. Do đó trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp thì tập trung ứng dụng KHKT và tập trung hướng dẫn cho người dân thực hiện bảo đảm quản lý sản xuất, quy mô sản xuất, ứng dụng KT cho phù hợp để nâng cao năng suất, sản lượng cây trồng vật nuôi”….

Có thể nói, chương trình xây dựng nông thôn mới là một chương trình trọng tâm, xuyên suốt về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. So với mục tiêu phát triển vẫn còn nhiều vấn đề cần quan tâm giải quyết mới đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhiều nội dung trọng tâm đã được tỉnh Gia Lai đặt ra để triển khai có hiệu quả chương trình này trong thời gian tới.

Ông Võ Ngọc Thành – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai nhấn mạnh: “Trong xây dựng nông thôn mới, chúng tôi cho rằng có một tiêu chí hết sức quan trọng và phù hợp với việc tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp là để được công nhận nông thôn mới thì phải có Hợp tác xã kiểu mới, hoạt động tốt. Gắn với xây dựng nông thôn mới là gắn xây dựng kinh tế tập thể và gắn với xóa đói giảm nghèo, gắn với việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị. Đây là những vấn đề chúng tôi cho rằng cần đặc biệt quan tâm thực hiện trong năm 2017 và những năm tiếp theo”.

Mục tiêu cụ thể của tỉnh Gia Lai trong giai đoạn 2016-2020 là đưa 4 địa phương cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới gồm thành phố Pleiku, thị xã An Khê, AYunPa và huyện Đak Pơ. Mục tiêu trước mắt trong năm 2017 sẽ có thêm 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới, và phấn đấu đến năm 2020 đưa tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 80 xã.

Bước sang năm mới, Gia Lai lại tiếp tục bắt tay chinh phục những mục tiêu mới với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, chung lòng của các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh để cùng xây dựng quê hương ngày càng văn minh, giàu đẹp. /.

Kim Châu – Thiên Thanh- Minh Trí


Lượt xem: 194

Trả lời