Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm việc với tỉnh Gia Lai

Cập nhật 21/8/2020, 18:08:24

Chiều ngày 21/8, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội do đồng chí Hà Ngọc Chiến – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với tỉnh Gia Lai về việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2011-2020) trên địa bàn tỉnh. Làm việc với đoàn có các đồng chí: Huỳnh Nữ Thu Hà – Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Kpă Thuyên – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; Đinh Duy Vượt – Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh; Ayun H’Bút – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng lãnh đạo một số sở, ban, ngành, địa phương.

Gia Lai là tỉnh miền núi nằm ở phía Bắc Tây Nguyên. Toàn tỉnh hiện có 44 dân tộc anh em cùng sinh sống; trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 46%. Với đặc thù về vị trí địa lý và kinh tế-xã hội của tỉnh, thời gian qua, tỉnh đã ban hành các Nghị quyết, Chương trình, Quyết định nhằm cụ thể hoá các chủ trương, chính sách, chiến lược phát triển khoa học và công nghệ của Đảng, Nhà nước, của Tỉnh uỷ phục vụ phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Giai đoạn 2011-2020, kinh phí chi cho hoạt động khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS là hơn 281 tỉ đồng. Theo đó tỉnh đã triển khai thực hiện 14 dự án thuộc Chương trình Nông thôn miền núi; 96 đề tài, dự án cấp tỉnh cùng 258 nhiệm vụ khoa học và công nghệ cơ sở. Nhìn chung các dự án;đề tài nghiên cứu, triển khai đã được đưa vào ứng dụng ngay trong sản xuất và đời sống của vùng đồng bào dân tộc thiểu số mang lại hiệu quả cao, tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động tại cơ sở, góp phần thiết thực vào việc đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn; góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; đồng thời góp phần bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, từng bước giảm thiểu các luật tục, hủ tục trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy vậy vì nhiều nguyên nhân, việc nhân rộng các mô hình, đề tài khoa học – công nghệ trên địa bàn tỉnh gặp không ít khó khăn; việc chuyển giao khoa học công nghệ vào thực tế còn chưa nhiều. Để triển khai thực hiện hiệu quả hơn các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS trên địa bàn tỉnh, tại buổi làm việc, các sở, ngành, địa phương đã đề nghị tiếp tục hỗ trợ và đẩy mạnh triển khai Chương trình Nông thôn miền núi, ưu tiên triển khai tại các địa phương có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số cao; nâng mức hỗ trợ đối với hộ nghèo, hộ khó khăn khi tham gia dự án thử nghiệm nhằm triển khai rộng rãi công nghệ tiên tiến, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, hoàn thành tốt Chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương. Các đại biểu cũng đề nghị tiếp tục quan tâm đầu tư các công trình thủy lợi nhằm giúp người dân thuận lợi trong sản xuất trước những ảnh hưởng của biến đổi khí hậu; đồng thời tăng cường liên kết giữa 4 nhà nhằm nâng cao hiệu quả việc liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; qua đó đảm bảo đầu ra, giúp người dân yên tâm sản xuất và nhân rộng các mô hình, dự án sau khi nghiên cứu.

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Hà Ngọc Chiến – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội ghi nhận và đánh giá cao những kết quả mà tỉnh Gia Lai đã đạt được trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi (giai đoạn 2011-2020) trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội phát biểu tại cuộc họp

Đồng chí Hà Ngọc Chiến – Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đánh giá: “Gia Lai là tỉnh có hoạt động KH&CN có nhiều nổi bật, đặc biệt là công tác lãnh, chỉ đạo. Hàng năm, địa phương đã ban hành các kế hoạch cụ thể để các sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động KH&CN./ Tỉnh đã định hướng nghiên cứu ứng dụng, thúc đẩy hoạt động KH&CN, phát triển nhân lực, ứng dụng chuyển giao đến người dân, doanh nghiệp và đặc biệt là lĩnh vực phục vụ vùng DTTS được quan tâm triển khai”.

Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội cũng cho rằng: Những nội dung mà tỉnh đề xuất, kiến nghị là xác đáng. Đây chính là cơ sở thực tiễn để đoàn giám sát tổng hợp và đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành các chính sách, pháp luật về khoa học và công nghệ mang tính xác đáng, khả thi nhằm phục vụ sự phát triển kinh tế-xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, qua đó góp phần thực hiện có hiệu quả 2 Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.

Đồng chí Hà Ngọc Chiến – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hộ nêu: “Nghiên cứu là cần thiết và xuất phát từ thực tiễn nhưng không đưa vào phục vụ thúc đẩy kinh tế-xã hội thì hiệu quả đem lại cũng chưa cao. Tôi đề nghị đánh giá việc tổ chức thực hiện 5 lĩnh vực cần quan tâm triển khai cụ thể như thế nào, đánh giá cụ thể nguyên nhân và hạn chế để làm sao các chương trình, dự án phục vụ việc phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi phát huy hiệu quả hơn nữa trong thời gian tới”.

Trong chuyến công tác tại tỉnh Gia Lai sáng nay, Đoàn giám sát của Hội đồng Dân tộc của Quốc hội đã đi thăm quan mô hình chế biến rau quả và vườn ươm cây giống của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao tại xã Đak Djrăng, huyện Mang Yang – Đây là một trong những mô hình tiêu biểu trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến chanh dây trên địa bàn tỉnh, cũng như tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại chỗ, đặc biệt là đồng bào DTTS. Đoàn cũng đã đến thăm, kiểm tra mô hình thâm canh cây chuối mốc thuộc Dự án “Ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ trong sản xuất một số loại cây nông nghiệp” tại xã Ya Hội, huyện Đak Pơ. Mô hình hiện được triển khai trên quy mô 10 ha đang sinh trưởng và phát triển tốt, kỳ vọng sẽ giúp người dân địa phương tăng thu nhập, cải thiện đời sống trong thời gian tới. Nhân dịp này, đoàn đã tặng 10 suất quà cho công nhân tiêu biểu của Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao và người dân tham gia mô hình thâm canh cây chuối mốc./.

Thiên Thanh,  Duy Linh


Lượt xem: 14

Trả lời