Đến với xã có nhiều cồng chiêng nhất Gia Lai  

Cập nhật 25/1/2017, 16:01:15

Trong những ngày Xuân ấm áp này, chúng ta cùng đến  vùng biên giới Ia O, huyện Ia Grai, về thăm các thôn làng đồng bào Jrai để cảm nhận rõ hơn về nét xuân, sự chuyển mình trên vùng đất biên cương hôm nay.

Trên các triền đồi, sườn dốc, dọc theo các cung đường dẫn vào xã biên giới Ia O, huyện Ia Grai người ta đã không còn thấy những diện tích đất bỏ hoang mà thay vào đó là những rẫy cà phê, vườn điều, cao su xanh tốt, làm thay đổi diện mạo của vùng đất nghèo khó năm xưa. Đặc biệt, nhờ sự quan tâm đầu tư của Nhà nước, sự chung tay góp sức của người dân, hệ thống kết cấu hạ tầng và nhiều công trình phúc lợi đã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố tạo điều kiện thuận lợi cho bà con đi lại, làm ăn, phát triển kinh tế…

Ông Ksor Thin, làng Mít Kom 1, xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai khẳng định: “Không còn nghèo nàn, lạc hậu như trước đây nữa mà nay điện, đường, trường trạm và nhiều công trình khác ở xã được đầu tư xây dựng khang trang, kiên cố. Nhân dân rất biết ơn Đảng, Nhà nước”.

Khi đời sống vật chất ngày càng ổn định thì đời sống tinh thần của bà con cũng được nâng cao. Trong rất nhiều năm trở lại đây, xã biên giới Ia O không có sự việc nào liên quan đến mất an ninh trật tự hay trộm cắp, các giá trị văn hóa và nét đẹp truyền thống được khơi dậy, phát huy.

Hơn 80 mùa rẫy đi qua, chứng kiến biết bao sự đổi thay của buôn làng nhưng điều làm già Rchăm Hyaih vui cái bụng nhất vẫn là những bộ chiêng quý được các thế hệ con cháu trong làng gìn giữ nguyên vẹn. Hiện tại, xã Ia O có hơn 500 bộ chiêng  chiếm gần 1/10 số lượng cồng chiêng của cả tỉnh. Trong đó, nhiều gia đình lưu giữ trên 5 bộ chiêng, và điều đáng trân trọng nhất là đồng bào ở đây vẫn coi cồng chiêng là tài sản thiêng liêng nhất, quý giá nhất….

Ông Rchăm HyAih, làng Chép, xã Ia O, huyện Đức Cơ, Gia Lai cho biết: “Phát triển kinh tế nhưng phải giữ lại được bản sắc của dân tộc. Nhiều người đã xây được nhà lớn nhưng vẫn giữ  cồng chiêng, nhà nào không có chiêng thì phải cố gắng làm để mua được bộ chiêng, bản thân tôi cùng các con cháu luôn cố gắng giữ lại tài sản của cha ông đã để lại”.

Xuân về, già làng Rchăm Hyaih cùng với lũ làng lại hòa nhịp  trong âm thanh vang cồng chiêng và những nhịp xoang khỏe khoắn, uyển chuyển, duyên dáng của lũ con gái, con trai mừng buôn làng bước vào mùa lễ hội; mừng bà con sum họp dưới mái nhà rông và mừng cho một mùa xuân mới nhiều thắng lợi.

Anh Buih Lợi, Phó Chủ tịch UBND xã Ia O, huyện Ia Grai, Gia Lai cho biết: “Là xã biên giới điều kiện khó khăn, nhưng dưới sự quan tâm của các cấp, đặc biệt là ý chí vươn lên của người dân đời sống vật chất tinh thần của bà con đã có sự thay đổi rõ nét đây là điều rất là đáng mừng. Đặc biệt, dù khó khăn nhưng bà con nơi đây luôn biết phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc mình trong cuộc sống mới. UBND xã cũng vận động khuyến khích bà con gắn kết giữa phát triển kinh tế đồng thời bảo tồn, phát huy văn hóa”.

Được sự quan tâm giúp đỡ của Nhà nước, sự đoàn kết của cộng đồng, bà con đồng bào biên giới Ia O đang hân hoan đón một mùa xuân mới trong niềm vui của cuộc sống đủ đầy, no ấm.

Tiếng chiêng chiều nay ngân xa từ một buôn làng Tây Nguyên lại càng khẳng định khi tình Đảng đã hòa hợp với lòng dân thì mọi khó khăn sẽ được đẩy lùi và sức sống mới sẽ vươn lên mạnh mẽ từ chính vùng đất biên giới Ia O xa xôi của ngày hôm qua…/..

Kim Ngân,Minh Vũ


Lượt xem: 129

Trả lời