Để sản phẩm OCOP đạt chất lượng và sản lượng cao

Cập nhật 02/11/2019, 17:11:31

Làm thế nào để các mặt hàng nông nghiệp, nhất là sản phẩm OCOP đạt sản lượng và chất lượng cao là điều mà mỗi hộ sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh đều hướng đến. Riêng đối với những nông dân chuyên canh khoai lang Lệ Cần, một nông sản vừa được UBND huyện Đak Đoa công nhận là sản phẩm OCOP thì tự bản thân họ đã và đang xây dựng cho mình một hướng đi ổn định, mamg tính vững bền.

Ngay sau khi thu hoạch vụ khoai hơn 1,5 tấn, anh Nguyễn Văn Thọ quyết định cho cày tơi 3 sào đất chuyên canh khoai Lệ Cần và xuống giống trồng rau màu. Thay vì cố trồng 2 vụ/năm, anh quyết định chỉ trồng 1 vụ để đất có thời gian phục hồi, tái tạo độ màu mỡ của đất. Đây cũng là kinh nghiệm từ nhiều năm giúp sản lượng khoai gia đình anh thu hoạch khá cao, trên 1,5 tấn/3 sào trong năm nay.

Anh Nguyễn Văn Thọ – Thôn 3, xã Tân Bình, Đak Đoa, Gia Lai cho biết: “Theo kinh nghiệm làm khoai từ trước tới giờ của người dân địa phương thì đa số làm tốt khâu đầu tiên phải chọn giống. Chọn giống xong, mình xuống giống đất ở nơi đã được chuẩn bị tốt. Đất đòi hỏi phải chăm bón theo đúng tiêu chuẩn của nó.. Theo kinh nghiệm của bản thân tôi, tôi trồng 1 năm chỉ một vụ. Mình làm xong phải cho đất nghỉ, làm việc khác để cải tạo đất. Mình làm liên tục thì đất bạc màu, bộ rễ sẽ bị hăng, sâu, chất lượng củ xấu”.

Đây không chỉ trường hợp duy nhất ở xã Tân Bình quyết định đầu tư theo hướng chuyên sâu như vậy, mà là  cách làm  của nhiều hộ chuyên trồng khoai lang ở vùng đất này. Sau thời gian dài chạy theo thị hiếu của thị trường, bà con nông dân xã Tân Bình quyết định xây dựng cho mình một hướng đi mới trong phát triển sản xuất, nhất là bảo vệ thương hiệu khoai Lệ Cần. Đó là trồng theo hướng hữu cơ, canh tác đúng thời vụ nhằm hạn chế tối đa dịch bệnh, tạo ra những sản phẩm nổi trội nhất.

Anh Trần Tấn Dũng – Thôn 3,  xã Tân Bình,  Đak Đoa,  Gia Lai cũng nói: “Theo tôi nghĩ thì bà con nông dân nên sử dụng phân bón vi sinh học. Thứ nhất là đảm bảo sức khỏe cho chính bản thân, thứ 2 là người tiêu dùng ít bị ảnh hưởng. Theo tôi làm thì không bỏ phân hóa học, chỉ thuốc vi sinh học, tôi sử dụng vì nó hiệu quả hơn, tốt cho sức của của mình hơn”.

Khoai lang Lệ Cần, sản vật nổi tiếng ở Đak Đoa nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung có  vị ngon, bùi không chỉ nhờ vào giống, chất đất, khí hậu phù hợp mà còn do chính kinh nghiệm canh tác của người dân vùng này. Đó là bà con chỉ chuyên canh 1 vụ/năm để khoai có chất lượng ổn định nhất, đồng thời hạn chế tối đa dịch bệnh cho cây trồng, giảm tình trạng bạc màu của đất. Và đây cũng là điều kiện cơ bản để cơ quan chức năng xây dựng định hướng vững bền cho sản phẩm nông nghiệp vừa được UBND huyện Đak Đoa công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP.

Anh Trần Văn Nhàn – Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Bình,  Đak Đoa, Gia Lai cho biết: Tuyên truyền hội viên thứ nhất sản xuất tuân thủ quy trình bảo vệ thực vật để đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo vệ thương hiệu. Bởi lẽ để sản phẩm OCOP tốt thì tương đương với đó là chất lượng tốt. Bởi lẽ sản phẩm sẽ không chỉ có mặt ở trong nước mà xu hướng còn sẽ vươn ra nước ngoài. Nên lúc nào hội cũng luôn quan tâm đến quá trình sản xuất của hội viên, phối hợp với cán bộ địa chính nông nghiệp để giúp hội viên canh tác lúc cần”.

Không thâm canh, tăng vụ và luôn có kế hoạch chăm bón hợp lý để có sản lượng tốt, chất lượng ổn định, đất không rơi vào tình trạng bạc màu. Chính thói quen canh tác đó của nhiều người dân chuyên canh khoai lang Lệ Cần đã trở thành điều kiện quan trọng, tiên quyết giúp nông sản nổi tiếng của Đak Đoa nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung có được chỗ đứng vững chắc trên thị trường suốt nhiều năm qua./.

Thu Thủy,  MinhTrí


Lượt xem: 29

Trả lời