Công tác chuẩn bị của ta cho đợt 3 chiến dịch Điện Biên Phủ

Cập nhật 28/4/2014, 15:04:16

Đợt 3 của chiến dịch Điện Biên Phủ bắt đầu từ ngày 1 tháng 5 đến ngày 7/5/1954. Trong đợt tiến công quyết định này, QĐND Việt Nam đánh dứt điểm dãy đồi phía Đông và tổng tiến công tiêu diệt các vị trí còn lại. Mở đầu kế hoạch đợt 3 là tiếp tục hoàn thành nốt những nhiệm vụ đã đề ra cho đợt 2, đó là: tiêu diệt hoàn toàn hai cao điểm A1 và C1, đồng thời đánh chiếm thêm một số cứ điểm ở phía Tây và phía Đông, thu hẹp thêm nữa phạm vi chiếm đóng của quân Pháp, chuẩn bị cho tổng công kích. Chính vì vậy, công tác chuẩn bị hết sức chu đáo và nhiệm vụ được trao cho các đơn vị là vô cùng quan trọng. 

Theo sự phân công thì Đại đoàn 316, được phối thuộc trung đoàn 9 của đại doàn 304 sẽ tiêu diệt A1, C1 và C2. Đại đoàn 312 tiêu diệt các cứ điểm: 505, 505A, 506, 507, 508 ở phía Đông, tiến sát bờ sông Nậm Rốm. Đại đoàn 308 tiêu diệt các cứ điểm 311A, 311B ở phía Tây. Đại đoàn 304, trung đoàn 57 được phối thuộc 1 tiểu đoàn của trung đoàn 9, cử 1 tiểu đoàn chốt chặn trên đường đi Tây Trang không cho quân địch rút chạy sang Lào, siết chặt vòng vây chung quanh Hồng Cúm, tập kích trận địa pháo binh, tiêu diệt khu C Hồng Cúm. Và Đại đoàn 351 phối hợp với bộ binh trong các trận đánh điểm và đánh phản kích.

Để chống lại hệ thống hầm ngầm cố thủ không thể xung phong đánh chiếm được trên đồi A1 có vị trí quyết định, công binh Việt Nam đào đường hầm từ trận địa tại A1 tới dưới hầm ngầm, đưa bộc phá với số lượng lớn vào đặt rồi cho nổ. Khi đào sâu vào lòng núi được mười mét, bắt đầu phải khắc phục thêm khó khăn: thiếu không khí, đèn, đuốc mang vào hầm đều bị tắt, số đất moi từ lòng núi ra ngày càng nhiều không được để cho quân Pháp phát hiện. Các chiến sĩ phòng ngự tại A1 đã có kế hoạch chiến đấu không cho quân Pháp tiến xuống cửa hầm, dù phải hy sinh tới người cuối cùng, để bảo vệ bí mật tuyệt đối ý đồ đào hầm.

 

Chiến dịch Điện Biên Phủ là chiến dịch tiến công hiệp đồng binh chủng quy mô lớn nhất của bộ đội ta trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đánh dấu bước phát triển đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự, trong đó thể hiện bước phát triển về nghệ thuật tập trung binh hỏa lực, tạo ưu thế tuyệt đối đánh địch theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”. Với cách đánh trên, ta hạn chế đến mức thấp nhất chỗ mạnh của địch là quân số đông, hỏa lực mạnh, công sự rất kiên cố; đồng thời khoét sâu chỗ yếu cơ bản nhất của địch là ở vào thế bị bao vây cô lập và gặp nhiều khó khăn về tiếp tế, tăng viện, tiến tới tập trung ưu thế binh hỏa lực để bước vào trận chiến đấu cuối cùng đập tan sở chỉ huy tập đoàn cứ điểm địch, giành thắng lợi trọn vẹn, góp phần quyết định kết thúc cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. ./.

Mỹ Tiến-Hà Đức


Lượt xem: 108

Trả lời