Bước tiến của ngành Du lịch Gia Lai

Cập nhật 01/2/2018, 14:02:39

Thiên nhiên ưu ái cho Gia Lai nhiều tài nguyên du lịch. Phát huy lợi thế đó, thời gian qua, tỉnh đã quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng, từng bước đổi mới và nâng cao chất lượng dịch vụ du lịch; nhờ vậy, hoạt động du lịch của tỉnh đã có những bước phát triển mới cả về số lượng và chất lượng, tạo được ấn tượng tốt đẹp trong lòng du khách trong và ngoài nước, từng bước khẳng định vị trí của Gia Lai trên bản đồ du lịch Việt Nam.

Có thể nói, năm 2017, du lịch Gia Lai đã có bước chuyển mình mạnh mẽ. Hoạt động du lịch có nhiều đổi mới, sáng tạo, phương thức hoạt động ngày càng phong phú, đa dạng thể hiện được tính chuyên nghiệp cao, thu hút được đông đảo lực lượng cùng tham gia, tạo tiền đề cơ bản để trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến, hợp tác du lịch bằng nhiều hình thức như tham gia các Hội nghị xúc tiến, Hội thảo và Hội chợ du lịch, tổ chức đoàn Famtrip khảo sát các điểm du lịch mới của tỉnh; công bố sự kiện du lịch tỉnh Gia Lai năm 2017. Tổ chức thành công các lễ hội giới thiệu tiềm năng du lịch ở địa phương, qua đó nhằm quảng bá hình ảnh, đất nước, con người Gia Lai đến với du khách trong và ngoài nước.

Ông Nguyễn Đức Hoàng – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Gia Lai cho biết: “Các địa phương đã phối hợp với Sở tổ chức một số sự kiện nổi bật như: Thứ nhất là Lễ hội Hát Cầu huê tại thị xã An Khê huyện Kbang tổ chức Ngày hội văn hóa cồng chiêng, đặc biệt trên cơ sở đồi cỏ hồng Tuần văn hóa đồi cỏ hồng Đak Đoa đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo du khách trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt nhất là huyện Chư Pah phối hợp với Sở VHTT&DL tổ chức Lễ hội Hoa dã quỳ – Núi lửa Chư Đăng Ya thu hút lượng lớn khách du lịch kể cả khách quốc tế. Tôi cho rằng chính vì những hoạt động này mà lượng khách du lịch của Gia Lai tăng đáng kể”.

Năm 2017, hơn 500.000 lượt khách đã đến với tỉnh Gia Lai, tăng 22% so với năm 2016. Trong đó, khách quốc tế hơn 9.600 lượt, còn lại là khách nội địa. Tổng doanh thu du lịch ước đạt 245 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2016. Kết quả này chính là bước đệm để Gia Lai phấn đấu đến năm 2020 trở thành tỉnh có cơ cấu dịch vụ, công nghiệp, doanh thu từ du lịch đạt 400 tỷ đồng, duy trì tốc độ tăng trưởng từ  15 – 18%/năm.  Đến năm 2030, du lịch trở thành kinh tế mũi nhọn của tỉnh có tính chuyên nghiệp cao, hệ thống cơ sở vật chất đồng bộ, sản phẩm du lịch đặc sắc.

Để đạt được những mục tiêu trên, Gia Lai đang tập trung triển khai các quy hoạch về phát triển du lịch của tỉnh gắn với tăng cường xúc tiến, quảng bá xây dựng một số điểm du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa, lịch sử, du lịch sinh thái gắn với các sản phẩm du lịch đặc trưng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Lịch – Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã An Khê cho biết: “Đặc biệt của An Khê vùng cửa ngõ phía Đông của Tây Nguyên, sự kết nối giao thông và kết nối giữa các vùng Tây Sơn (Bình Định), An Khê, Kbang, mở ra hướng đi mới trong du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái. Du lịch kết nối giữa vùng biển và vùng Tây Nguyên;kết nối văn hóa của người Kinh, người Banah, người Jrai ở vùng Tây Nguyên này. Hiện nay chúng tôi đang ra sức bảo tồn, gắn với việc bảo tồn là phát huy giá trị văn hóa vật thể gắn liền với phát huy giá trị văn hóa phi vật thể”.

Tin tưởng rằng với những định hướng phát triển đúng đắn, sự đầu tư đồng bộ cùng sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành, địa phương và người dân, du lịch Gia Lai sẽ tiếp tục có bước tiến mới, góp phần  thúc đẩy  kinh tế – xã hội địa phương phát triển bền vững trong thời gian tới./.

Bích Thủy,  Đặng Trà


Lượt xem: 53

Trả lời