Việt Nam đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của đại dịch AIDS

Cập nhật 30/11/2015, 06:11:24

Qua 25 năm, phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của đại dịch.

Sáng 29/11, tại Bắc Ninh, Bộ Y tế và Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức mít tinh hưởng ứng Tháng hành động quốc gia phòng chống HIV/AIDS và Ngày Thế giới phòng, chống AIDS (1/12). 

Tại đây, Bộ Y tế khẳng định, năm nay là năm thứ 8 liên tiếp, Việt Nam đều giảm được số ca nhiễm mới HIV, giảm số người chuyển sang giai đoạn AIDS và giảm số ca tử vong do căn bệnh này.

 
viet nam da kiem che duoc toc do gia tang cua dai dich aids hinh 0
Một điểm phát thuốc kháng virus ẢV

Qua 25 năm, phòng, chống HIV/AIDS, Việt Nam đã kiềm chế được tốc độ gia tăng của đại dịch này, tiến hành điều trị thuốc kháng virus ARV cho khoảng 100.000 bệnh nhân và là quốc gia đầu tiên của Khu vực Châu Á Thái Bình Dương hưởng ứng mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc. 

Cụ thể là phấn đấu đến năm 2020, Việt Nam có 90% số người biết được tình trạng nhiễm HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị liên tục bằng thuốc kháng virus ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng virus ở mức thấp và ổn định, nhằm tiến tới kết thúc đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030.

Với thông điệp: hãy tự bảo vệ chính mình và có ý thức trách nhiệm, tình yêu thương trong việc bảo vệ sức khỏe cho những người xung quanh, Bộ Y tế kêu gọi mọi người hãy hành động ngay hôm nay để tạo sức mạnh của cả cộng đồng, đẩy lùi đại dịch HIV/AIDS ra khỏi cuộc sống. Bởi lẽ, hiện nay công cuộc phòng chống căn bệnh này còn nhiều khó khăn, thách thức. Để đạt được các mục tiêu do Liên Hợp Quốc đề ra, cần sự tập trung nguồn lực, tăng cường đầu tư của Nhà nước và sự chung tay tích cực hơn nữa của toàn xã hội.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) cho biết: “Chúng ta đều biết rất rõ, hiện nay các nguồn viện trợ cho Việt Nam phòng chống HIV/AIDS đang bị cắt giảm nhanh. Đến hết năm 2017 chưa có cam kết mới. Trong khi đó, mặc dù chúng ta đã nỗ lực huy động các nguồn lực tài chính trong nước nhưng e rằng vẫn có một khoảng trống rất lớn xảy ra. Bên cạnh đó, hiện nay mới chỉ có khoảng 30% số người điều trị ARV có thẻ bảo hiểm y tế. Chúng tôi mong rằng tỷ lệ này phải tăng lên để gánh vác chi phí điều trị ARV”.

Cũng tại lễ mít tinh, đại diện các tổ chức quốc tế và bộ ngành trung ương cũng cho biết, 27 năm qua, kể từ ngày Thế giới phòng, chống AIDS lần đầu tiên được tổ chức, đại dịch HIV/AIDS đã có nhiều thay đổi, hơn 16,8 triệu người trên toàn thế giới đã được cứu sống do được tiếp cận điều trị bằng thuốc ARV, số ca nhiễm mới HIV đã giảm 35% từ năm 2000, số trường hợp tử vong do AIDS cũng đã giảm 42% kể từ cao điểm năm 2004. Nhưng HIV/AIDS vẫn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây gánh nặng bệnh tật đối với mỗi quốc gia. 

Đến nay, toàn thế giới đã có 36,9 triệu người đang nhiễm HIV và gần 40 triệu người đã tử vong do AIDS. Sau 10 năm phát hiện bệnh nhân trên thế giới, từ năm 1990 đến nay, Việt Nam phát hiện khoảng 230.000 người nhiễm HIV và khoảng 85.000 người đã chết vì bệnh AIDS./.

Theo VOV


Lượt xem: 28

Trả lời