Loạn thông tin vaccine Quinvaxem?

Cập nhật 13/11/2015, 14:11:52

Trước tình trạng loạn thông tin về Quinvaxem, một số bác sĩ đã cho rằng chúng ta phải có biện pháp để hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong ở trẻ em.

Trong năm 2015, sau khi được tiêm chủng trở lại, vaccine Quinvaxem đã khiến người dân hoang mang lo lắng vì có đến 16 trường hợp có phản ứng nặng sau khi tiêm vaccine này, trong số đó có 8 trẻ tử vong nhưng chỉ có 1 trường hợp được ghi nhận là liên quan đến Quinvaxem. Tuy vậy, trên các trang mạng xã hội, đã xuất hiện nhiều thông tin lo lắng của phụ huynh về vaccine Quinvaxem, trong đó có nhiều thông tin thất thiệt đã khiến cho nhiều phụ huynh càng thêm lo lắng.

 

 

Mới đây nhất, chị Bùi Thị Thanh, ở Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh nhận được một tin nhắn trên facebook từ một đồng nghiệp trong công ty về một trường hợp cháu bé bị nôn ra máu sau khi tiêm vaccine Quinvaxem. Từ những thông tin chưa được kiểm chứng đã làm cho chị Thanh lo lắng.

 

loan thong tin vaccine quinvaxem? hinh 0
Tiêm vaccine Quinvaxem cho trẻ em tại TP HCM 

Chị nói: “Trước những thông tin đó, phụ huynh rất lo lắng. Bản thân tôi có 2 cháu đang trong độ tuổi cần tiêm chủng nhưng không biết tiêm dịch vụ hay đưa ra Trạm y tế. Chúng tôi rất mong Bộ Y tế có những hướng dẫn cụ thể để người dân có thể yên tâm”.

Những thông tin về vaccine Quinvaxem càng trở nên rối rắm khiến những phụ huynh có con nhỏ lo lắng quá mức và đổ xô đi tiêm vaccine dịch vụ. Và khi loại vaccine này không kịp cung cấp người dân vẫn tiếp tục chờ đợi hoặc ôm con sang nước ngoài để được tiêm phong.

Trước tình trạng loạn thông tin về Quinvaxem, Bộ Y tế đã phát đi những thông điệp chính thức bằng các thông cáo báo chí. Tuy nhiên, những thông tin này dường như vẫn chưa đủ sức thuyết phục người dân về độ an toàn của vaccine Quinvaxem. 

Trên facebook “Hỏi bác sĩ Nhi đồng của mình”, vào ngày 8/11, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 đã viết một bài để giải đáp về vaccine Quinvaxem và thu hút trên 400 bình luận.

Nhiều phụ huynh đã chia sẻ mỗi lần đưa con đi tiêm Quinvaxem là mỗi lần vô cùng căng thẳng vì không biết Quinvaxem có an toàn hay không.

Câu chuyện về tính an toàn của vaccine Quinvaxem ngày càng diễn biến phức tạp hơn khi đã có vài ý kiến phản đối sử dụng loại vaccine này của một số bác sĩ. Theo Bác sĩ Trần Song Hào, người từng nhiều năm làm việc trong lĩnh vực vaccine tại Viện Pasteur Nha Trang, Bộ Y tế nên ngưng sử dụng Quinvaxem vì không thể kiểm soát hết được tác dụng phụ gây ra từ các chất bảo quản vaccine, nhất là khi kết hợp tiêm Quinvaxem và uống vaccine ngừa bại liệt trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng Quốc gia.

Theo phân tích của bác sĩ Hào, chất phụ gia trong bảo quản vaccine bại liệt kết hợp với các chất bảo quản trong vaccine Quinvaxem chính là nguyên nhân tạo ra các phản ứng sau tiêm. Trong đó có phản ứng do cơ địa quá mẫn cảm với vaccine. Phản ứng này không chỉ xảy ra 30 phút mà có thể là 48 giờ hoặc cả 1 tuần sau đó.
Đây cũng là một trong các ý kiến phản biện cần được Bộ Y tế lưu ý. Thiết nghĩ người dân có quyền được Bộ Y tế trả lời cụ thể, thẳng thắn và trên tinh thần khoa học đối với những băn khoăn, thắc mắc về loại vaccine Quinvaxem. Chỉ có thể dựa trên những báo cáo điều tra rõ ràng, khách quan và các nghiên cứu khoa học mới có thể thuyết phục được người dân tin tưởng vào chính sách của ngành y tế.

Ở thời điểm hiện tại, ngoài việc chứng minh tính an toàn của Quinvaxem bằng các nghiên cứu khoa học, Bộ Y tế nên có những cảnh báo mạnh mẽ hơn cho người dân về tình trạng sốc phản vệ sau tiêm. Đây được xem là phản ứng nặng có thể dẫn đến tử vong sau khi  tiêm các loại vaccine, kể cả vaccine dịch vụ.

Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Trưởng khoa Hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho biết: “Chúng ta phải luôn luôn cảnh giác vấn đề sốc phản vệ. Sốc phản vệ có thể xảy ra vài giây, vài phút cho tới 30 phút thậm chí vài tiếng sau đó. Chúng ta nên theo dõi sát 24 giờ đầu sau khi tiêm vì trong thời gian này trẻ có thể có những phản ứng như giảm đáp ứng, giảm trương lực. Tự nhiên trẻ mềm oặt, rất yếu. Lúc đó, chỉ cần một động tác kích thích lòng bàn chân cho trẻ khóc thét sẽ giúp trẻ vượt qua cơn sốc. Nếu không phát hiện trẻ sẽ lịm dần và đột tử”.

Trước tình trạng loạn thông tin về Quinvaxem, một số bác sĩ đã cho rằng quan trọng nhất không phải là đi chứng minh vaccine Quinvaxem có liên quan đến tử vong ở trẻ em hay không mà vấn đề là làm sao để hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong ở trẻ em. Dịch sởi đã từng bùng phát do không tiêm đầy đủ vaccine phòng bệnh là bài học vô cùng đau xót.

Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 cho rằng: “Nếu tiêm 1 liều dịch vụ cũng không có giá trị. Lâu quá mới tiêm nhắc lại cũng không có giá trị. Và trong thời gian chờ như vậy, đã có những em bé đã bị mắc bệnh. Nếu cứ chờ vaccine dịch vụ có mới tiêm, con em của mình sẽ mắc bệnh”.

Có lẽ lời khuyên tốt nhất cho người dân trong thời điểm hiện tại đó là vẫn nên tiếp tục tiêm Quinvaxem và theo dõi thật kỹ trẻ sau khi tiêm, vì đây là lựa chọn tốt nhất có thể trong khi vaccine dịch vụ chắc chắn không đủ cho nhu cầu người dân, ít nhất cho đến hết năm nay./.

Theo VOV


Lượt xem: 37

Trả lời