Xếp hạng đổi mới sáng tạo địa phương, thêm căn cứ ra quyết sách

Cập nhật 14/3/2024, 09:03:01

Phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo là định hướng lâu dài và bền vững. Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) góp thêm căn cứ khoa học để các địa phương ra quyết sách.

Theo kết quả Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) năm 2023 vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) công bố ngày 12/3, Hà Nội, TP.HCM là hai địa phương đứng đầu cả nước trong bảng xếp hạng chỉ số PII năm 2023.

Hà Nội, TP.HCM dẫn đầu cả nước

Cụ thể, Hà Nội đạt 62,86 điểm, xếp thứ nhất trong bảng xếp hạng chỉ số PII năm 2023. Hà Nội đứng đầu ở cả xếp hạng đầu ra và đầu vào đổi mới sáng tạo nhờ dẫn đầu 14/52 chỉ số thành phần. Trong số này có các chỉ số về nghiên cứu và phát triển, đổi mới sáng tạo như nhân lực, chi cho nghiên cứu phát triển, số lượng tổ chức khoa học công nghệ, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và các đầu ra về tài sản trí tuệ như sáng chế, giải pháp hữu ích, giống cây trồng, kiểu dáng công nghiệp hay các tác động đến kinh tế, xã hội như chỉ số phát triển con người.

TP.HCM đạt 55,85 điểm, xếp thứ 2. TP.HCM là địa phương dẫn đầu 12/52 chỉ số thành phần. Trong đó gồm các chỉ số như chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, hạ tầng số, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động nghiên cứu phát triển, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo và một số sản phẩm về tài sản trí tuệ, đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích.

TP.HCM cũng có các điểm mạnh vượt trội đều đạt 100 điểm về hạ tầng số, tỷ lệ doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, số doanh nghiệp mới thành lập và mật độ doanh nghiệp cùng đóng góp GDP cả nước. Tuy nhiên, một số chỉ số được chỉ ra là điểm yếu gồm chính sách, quản trị môi trường, đơn đăng ký nhãn hiệu tập thể và tính năng động của chính quyền địa phương.

8 địa phương xếp ở các vị trí tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, Bắc Ninh, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Dương, Quảng Ninh, Thái Nguyên.

Ở chiều ngược lại, Cao Bằng là địa phương xếp cuối bảng (thứ 63) với điểm trung bình là 22,18. Lai Châu xếp vị trí thứ 62 với 22,78 điểm. 8 địa phương ở các vị trí từ 53 – 61 là Kiên Giang, Đắk Nông, Quảng Trị, Bắc Kạn, Sơn La, Yên Bái, Điện Biên, Hà Giang, Gia Lai.

Bộ chỉ số PII năm 2023 có 52 chỉ số, chia làm 7 trụ cột (theo nguyên lý của Bộ chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu GII), gồm 5 trụ cột đầu vào phản ánh những yếu tố tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, bao gồm: thể chế; vốn con người và nghiên cứu, phát triển; cơ sở hạ tầng; trình độ phát triển của thị trường; trình độ phát triển của doanh nghiệp. Hai trụ cột đầu ra phản ánh kết quả tác động của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo vào phát triển kinh tế xã hội, bao gồm: sản phẩm tri thức, sáng tạo và công nghệ; tác động.

Dữ liệu phục vụ xây dựng Bộ chỉ số PII 2023 được lấy từ hai nguồn chính: nguồn từ số liệu thống kê, quản lý nhà nước được công bố chính thức từ các bộ, cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức ở Trung ương (có 39/52 chỉ số) và nguồn do các địa phương thu thập và cung cấp – kèm theo các tài liệu minh chứng (có 13/52 chỉ số).

Thêm căn cứ để địa phương đưa ra quyết sách

Thực tế, một nửa trong số top 10 địa phương đứng đầu chỉ số PII 2023 là thành phố trực thuộc trung ương (Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ) – khu vực quan trọng về quân sự, chính trị, văn hóa, kinh tế. Số còn lại là địa phương có công nghiệp phát triển – nơi thu hút, tập trung các khu công nghiệp lớn của cả nước. Vì thế, các chính sách hỗ trợ thông thoáng, môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo.

Song, theo giới chuyên gia, một bộ đo đếm mới sẽ giúp các địa phương có động lực lớn hơn cho hành động. Điều này đặt trong bối cảnh Việt Nam đang đối mặt với đòi hỏi cấp bách về đổi mới sáng tạo, còn quỹ thời gian tận dụng những lợi thế sẵn có (như dân số vàng) ngày càng ngắn.

“Bộ chỉ số PII này rất khác so với các bộ chỉ số như năng lực cạnh tranh hay cải cách hành chính… bởi nếu các bộ chỉ số kia là theo ngành thì Bộ chỉ số PII mang tính bao trùm và gắn với mô hình phát triển của địa phương. Bộ chỉ số xét các tiêu chí theo như quy định của quốc tế đánh giá về tiềm năng, tiềm lực của một quốc gia gắn với mô hình phát triển dựa vào khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo nhưng áp dụng cho địa phương”, TS Vũ Văn Tích, Giám đốc Học viện Khoa học công nghệ và Đổi mới sáng tạo đánh giá.

“Dựa vào các chỉ số cụ thể, địa phương có thể điều chỉnh để thúc đẩy phát triển đổi mới sáng tạo. Từ đó, chỉ số đổi mới sáng tạo của Việt Nam trên trường quốc tế sẽ gia tăng. Điều này tạo niềm tin quan trọng đối với các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài, các thể chế tài chính quốc tế, các quốc gia có thể đầu tư, tài trợ vào Việt Nam”, TS Vũ Văn Tích phân tích.

TS Vũ Văn Tích cho rằng, bộ chỉ số PII quan trọng vì nó sẽ điều chỉnh một số bộ chỉ số khác. Tương ứng là các bộ chỉ số có thể căn cứ vào chỉ số PII để tích hợp để từ đó điều chỉnh chung các quyết sách phát triển kinh tế xã hội trong kế hoạch dài hạn.

Chia sẻ tại buổi họp báo, Bộ trưởng KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, tại Nghị quyết 10 ngày 3/2/2022, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN chính thức triển khai Bộ chỉ số PII trên phạm vi toàn quốc từ năm 2023.

“Đây là tài liệu hữu ích, cung cấp các căn cứ khoa học, thực tiễn để các cơ quan, tổ chức, cá nhân và trực tiếp là lãnh đạo các địa phương sử dụng trong xây dựng, thực thi các chính sách để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội ở địa phương dựa trên khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ KH&CN cũng tin tưởng rằng, đây sẽ là tài liệu tham khảo hữu ích cho các nhà đầu tư về môi trường đầu tư và điều kiện nguồn lực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh ở các địa phương”, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt nêu rõ.

Theo lãnh đạo Bộ KH&CN, muốn có các quyết sách thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội dựa trên khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thì phải có định lượng, chứ không thể chung chung.

“Kết quả cho thấy sự phù hợp giữa kết quả PII 2023 với thực trạng phát triển kinh tế xã hội của các địa phương. Các địa phương thuộc nhóm dẫn đầu là các địa phương có điều kiện tự nhiên và địa lý thuận lợi (tập trung ở các vùng đồng bằng sông Hồng, Đông Nam bộ), có ngành công nghiệp, xây dựng, dịch vụ chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu kinh tế, tập trung nhiều khu công nghiệp, có cơ sở hạ tầng phát triển và có hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo mạnh mẽ”, lãnh đạo Bộ KH&CN cho hay.

Ngược lại, các địa phương thuộc nhóm cuối là các địa phương còn hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội, có vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên chưa thuận lợi cho phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới vào phát triển kinh tế xã hội (tập trung ở các vùng Tây nguyên, trung du và miền núi phía bắc).

Bộ chỉ số PII cung cấp căn cứ khoa học và các minh chứng về điểm mạnh, điểm yếu, về các yếu tố tiềm năng và các điều kiện cần thiết để phát triển kinh tế xã hội dựa trên khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo của từng địa phương. Trong thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ địa phương trong việc sử dụng chỉ số PII.


Lượt xem: 11

Trả lời