Không khí náo nức trước thềm năm học mới

Cập nhật 05/9/2022, 06:09:45

Hôm nay (5/9), gần 23 triệu học sinh trên cả nước chính thức bước vào năm học mới 2022 – 2023.

Lễ khai giảng được tổ chức đồng loạt ở nhiều địa phương. Điều kiện cơ sở vật chất, trường lớp và công tác phòng chống dịch bệnh đều được các nhà trường chú trọng. Chủ đề năm học này là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới, củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Đây cũng là năm học được xác định là trọng tâm triển khai đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông.

Ghi nhận không khí trước giờ khai giảng tại trường Tiểu học Phan Chu Trinh, Hà Nội, phóng viên Bích Ngọc cho biết, không khí rộn ràng và sự háo hức đã có thể cảm nhận ngay lúc này, qua những khuôn mặt, ánh mắt của các em học sinh. Trường Tiểu học Phan Chu Trinh năm học này sẽ đón 157 học sinh lớp 1 và tổng số học sinh là 900 em. Sau thời gian nhiều biến động vì dịch COVID-19, năm nay các em bước vào năm học mới với lễ khai giảng tổ chức theo cách thức truyền thống. Lễ khai giảng sẽ diễn ra theo hướng gọn nhẹ, nhưng đảm bảo trang trọng, với tinh thần tươi vui rộn ràng để khích lệ các em học sinh bước vào năm học mới một cách hào hứng nhất.

Tại các tỉnh thành phía Nam, không khí chuẩn bị cho năm học mới cũng đang rất rộn ràng. Thời điểm này năm ngoái, TP Hồ Chí Minh đang trong đợt giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên không có lễ khai giảng, tựu trường tập trung. Bởi vậy, lễ khai giảng trực tiếp năm nay lại càng có ý nghĩa hơn với thầy và trò tại đây.

Không khí buổi lễ khai giảng năm nay hứa hẹn sẽ tràn đầy hứng khởi, các trường đều có sự chuẩn bị công phu, đặc biệt là phần văn nghệ cũng là điểm nhấn, một số trường mời các ca sĩ nổi tiếng tham dự lễ khai giảng như trường THPT Nguyễn Du. Quan trọng nhất vẫn là đảm bảo an toàn sức khỏe, công tác phòng chống dịch COVID-19 như xịt khử khuẩn, lau dọn vệ sinh, trang bị nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang, được các trường chuẩn bị đầy đủ.

Bắt đầu năm học 2022 – 2023, trong bối cảnh bình thường mới, ngành Giáo dục thành phố quyết tâm biến khó khăn, thách thức mà đại dịch gây ra thành động lực, thành cơ hội để thay đổi và phát triển. Trong đó, tập trung tháo gỡ khó khăn về tăng sĩ số cơ học, thiếu giáo viên, đảm bảo mục tiêu kép phòng chống dịch bệnh và triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Quan tâm hỗ trợ giáo dục mầm non và đẩy mạnh chuyển đổi số trong giáo dục.

Hòa chung niềm vui tựu trường cùng học sinh cả nước, học sinh các cấp của tại các tỉnh thành miền Trung hôm nay cũng dự lễ khai giảng năm học mới. Tại Đà Nẵng, năm học 2022-2023, ngoài xác định là năm trọng tâm triển khai nhiệm vụ đổi mới giáo dục ở bậc phổ thông, thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bằng việc triển khai chương trình mới đối với lớp 3, 7 và lớp 10, thành phố tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ 100% học phí cho tất cả cấp học từ mầm non đến Trung học phổ thông, đồng thời đã chi gần 5 tỷ đồng mua sách giáo khoa cho học sinh hộ nghèo, cận nghèo, học sinh mồ côi do COVID-19.

Lấy học sinh làm trung tâm; tập trung đổi mới, sáng tạo… là một trong những trọng tâm của ngành Giáo dục cả nước trong năm học mới. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: ”Cần tiếp tục triển khai những nội dung phổ cập giáo dục. Tự chủ đại học cần triển khai theo chiều sâu, đem lại những giá trị mới cho toàn bộ nền giáo dục. Trong tình hình như vậy, toàn ngành sẽ ra sức cố gắng, không ngừng đổi mới sáng tạo, vượt qua khó khăn thách thức để hoàn thành thật tốt các nhiệm vụ, các mục tiêu đổi mới, đảm bảo chất lượng tốt nhất cho năm học mới”.

Trong thư gửi tới các thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên cả nước, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, một năm học bắt đầu, khởi nguồn cho những hy vọng mới nên ngành Giáo dục hãy nỗ lực tận tụy, đoàn kết, sáng tạo, khắc phục khó khăn, làm tốt chức trách, phát huy tinh thần trách nhiệm với nghề, với học sinh thân yêu, vì sự nghiệp trồng người vĩ đại.

Chủ tịch nước cũng mong muốn, toàn xã hội hãy cùng chung tay với ngành Giáo dục, kiến tạo một xã hội văn minh, trật tự và mẫu mực, hình thành văn hóa, chuẩn mực xã hội tốt cho con em học tập và noi gương; xây dựng xã hội học tập, dễ tiếp cận đối với mọi trẻ em trong đó có trẻ em yếu thế.

Theo VTV


Lượt xem: 8

Trả lời