Giải pháp nào giúp tăng tốc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn?

Cập nhật 25/1/2024, 08:01:39

Theo Bộ GD-ĐT, hiện có trên 50 doanh nghiệp FDI lớn đã đầu tư vào Việt Nam về công nghiệp vi điện tử và bán dẫn mà trong đó lĩnh vực thiết kế vi mạch đòi hỏi nhiều nhất nguồn nhân lực chất lượng cao. Tổng nhu cầu nhân lực trong lĩnh vực này theo dự báo trong vòng 5 năm tới sẽ cần khoảng 20.000 người và 10 năm khoảng 50.000 người từ trình độ đại học trở lên.

Bộ GD-ĐT cho biết, trong những năm qua Việt Nam đã có chính sách, truyền thông khuyến khích các cơ sở giáo dục đại học mở rộng, phát triển các ngành đào tạo STEM, trong đó tập trung vào các ngành thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin – truyền thông (ICT), các ngành phục vụ nhân lực Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 – AI, Bigdata,… Trong giai đoạn 2019-2022, số tuyển mới sinh viên đại học khối STEM tăng trung bình 10% mỗi năm, cao hơn so với mức tăng trưởng chung 6,5%. 3 lĩnh vực có mức tăng trưởng trung bình hàng năm mạnh nhất là máy tính và công nghệ thông tin (17,1%), Công nghệ kỹ thuật (10,6%).

Theo Bộ GD-ĐT, các trường đại học kỹ thuật công nghệ hàng đầu của Việt Nam đã tương đối sẵn sàng về năng lực đào tạo đáp ứng yêu cầu về nhân lực trong lĩnh vực bán dẫn – vi mạch.

Cụ thể, nhân lực về nghiên cứu, phát triển và sản xuất vật liệu bán dẫn có các ngành đào tạo về hóa học, vật lý, vật liệu… Nhân lực về thiết kế và sản xuất vi mạch có các ngành đào tạo phù hợp nhất là kỹ thuật điện tử, điện tử-viễn thông; các ngành gần bao gồm kỹ thuật điện, điều khiển và tự động hóa, cơ điện tử…

Việc đào tạo có thể tuyển mới đào tạo từ đầu, hoặc sinh viên học các ngành gần có thể chuyển đổi để học chuyên sâu trong 1-2 năm cuối; hoặc kỹ sư đã tốt nghiệp các ngành gần có thể học bổ sung các khóa đào tạo từ vài tháng tới 1-2 năm để đáp ứng được yêu cầu của lĩnh vực bán dẫn – vi mạch. Tuy nhiên do thị trường lao động về lĩnh vực bán dẫn – vi mạch mới manh nha hình thành, chủ yếu ở dạng tiềm năng, thách thức lớn nhất là làm sao thu hút được sinh viên theo học các chuyên ngành này và nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu khắt khe của các doanh nghiệp.

Bộ GD-ĐT cho biết, Bộ đang chủ trì xây dựng để trình Thủ tướng vào cuối năm nay 2 đề án quan trọng: Đề án đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công nghệ cao, trong đó đề xuất các chính sách hỗ trợ khuyến khích chung cho phát triển nguồn nhân lực các lĩnh vực STEM và công nghệ cao nói chung, trong đó có lĩnh vực điện tử, bán dẫn, vi mạch; Đề án xây dựng một số trung tâm nghiên cứu, đào tạo xuất sắc về công nghệ 4.0, trong đó sẽ đề xuất các cơ chế, chính sách và dự án đầu tư để để chuẩn bị hình thành các nhóm nghiên cứu về công nghệ cao, gắn với đào tạo sau đại học ở các lĩnh vực công nghệ cao.

Nói về việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP HCM cho rằng, đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đòi hỏi cơ sở hạ tầng hiện đại, công nghệ cao, nhưng hầu hết các trường đại học trong nước còn hạn chế về cơ sở vật chất và hệ thống trang thiết bị, không đáp ứng được yêu cầu đào tạo ngành bán dẫn.

Bên cạnh đó, ngành bán dẫn cũng đòi hỏi một lượng giảng viên, chuyên gia có kiến thức và kinh nghiệm sâu sắc. Trong khi đó, hiện nay số lượng giảng viên, chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành này còn hạn chế. Việc kết nối giữa doanh nghiệp, nhà trường và nhà nước chưa đủ chặt chẽ dẫn đến việc hợp tác, hướng dẫn, đào tạo nhân lực còn sơ sài.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng cho rằng, để giải bài toán thiếu nguồn nhân lực ngành bán dẫn, trước hết cần nâng cao chất lượng giảng viên, định hướng giảng viên học lên trình độ tiến sĩ, ngoài ra cũng cần thu hút các chuyên gia Việt Nam đã được đào tạo bài bản, đang làm việc tại các công ty nước ngoài về giảng dạy và đưa ra mức lương phù hợp.

Không chỉ khối đại học, theo PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ-TB-XH), các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cũng đang rấp rút chuẩn bị, chuyển đổi đào tạo đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động. Việc đào tạo nhân lực ngành bán dẫn đã được thể hiện trong đề án về đào tạo nhân lực cho thời kỳ 4.0. Đề án này đã được Chính phủ phê duyệt từ năm 2021, trong đó tập trung vào phát triển những ngành nghề mới, thậm chí chưa từng có trong danh mục nghề đào tạo hiện nay.

PGS.TS Nguyễn Thị Việt Hương cũng cho rằng phát triển nhân lực ngành bán dẫn là một trong những định hướng lớn của Chính phủ, ngay lúc này, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp cần nhanh chóng tập trung chuẩn bị nguồn lực đào tạo, đáp ứng yêu cầu rất đặc biệt của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.


Lượt xem: 1

Trả lời