Đề án vị trí việc làm còn “đẽo chân cho vừa giày”

Cập nhật 20/7/2023, 08:07:11

Không ít đơn vị trong khi xây dựng đề án mô tả vị trí việc làm có tâm lý muốn tăng thêm, hoặc giữ nguyên biên chế nên chưa mô tả hết thực chất tính chất công việc của từng vị trí việc làm.

Tính đến thời điểm này, hầu hết các Bộ, ngành, địa phương đều đã xây dựng đề án vị trí việc làm. Tuy nhiên, thực tế, nhiều nơi xây dựng theo kiểu “đẽo chân cho vừa giày”, chủ yếu căn cứ vào biên chế hiện có để mô tả, hợp thức hóa các công việc đang thực hiện và căn cứ vào khối lượng công việc để đề xuất bảo toàn số lượng biên chế. Thậm chí có những nơi còn vẽ thêm vị trí để tăng biên chế.

Cũng như nhiều cơ quan, đơn vị khác trong cả nước, tỉnh Vĩnh Phúc đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng Đề án vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập năm 2023. Theo chị Nguyễn Thị Huyền, cán bộ hành chính ở tỉnh Vĩnh Phúc, xác định vị trí việc làm mang lại nhiều lợi ích trong công tác cán bộ nhưng để thực hiện đúng và trúng thì không dễ bởi công việc này đòi hỏi tính chuyên môn cao.

“Nói chung đa số cán bộ và ngay cả bản thân tôi cũng chưa có đủ kiến thức và kinh nghiệm về vấn đề này, nên chúng tôi còn gặp khó khăn trong việc xác định vị trí công việc của mình”, chị Huyền thừa nhận.

Biên chế dự kiến theo Đề án xác định vị trí việc làm chính là căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xem xét, giao số lượng biên chế cho phù hợp với từng đơn vị. Chính vì vậy, không ít đơn vị trong khi xây dựng đề án mô tả vị trí việc làm có tâm lý muốn tăng thêm, hoặc giữ nguyên biên chế nên chưa mô tả hết thực chất tính chất công việc của từng vị trí việc làm. Công chức kê khai không đúng tỷ lệ thời gian thực hiện công việc của mình do lo sợ bị giảm biên chế.

Bà Nguyễn Thị Liễu, Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP Hà Nội nêu thực tế, không riêng gì ở Hà Nội, các tỉnh, thành đều có tình trạng xây dựng vị trí việc làm “đẽo chân cho vừa giày”. “Xây dựng vị trí việc làm theo số biên chế để bảo tồn số biên chế được giao. Việc bố trí đúng, đủ số lượng người làm việc theo vị trí việc làm chưa thực sự hiệu quả”, bà Liễu nói.

Là người nhiều năm nghiên cứu lĩnh vực này, PGS.TS. Ngô Thành Can, nguyên Phó Trưởng khoa Tổ chức và Quản lý nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia đánh giá, việc xác định vị trí việc làm tại các cơ quan, đơn vị, địa phương hiện nay không thực chất.

“Kết quả xác định vị trí việc làm không như mong muốn. Trên có chính sách nhưng bên dưới vẫn “kê bàn, kê ghế”. Nhiều năm thực hiện, nhưng quá trình này vẫn chưa đưa ra ngoài được những người không đáp ứng được công việc. Đồng thời cũng không phát triển được người có năng lực và mong muốn đóng góp, đây là vấn đề mà tất cả các cơ quan có thẩm quyền phải suy nghĩ”, PGS.TS. Ngô Thành Can lưu ý.

Mới đây, tại cuộc họp Ban Chỉ đạo xây dựng và quản lý vị trí việc làm trong các cơ quan, tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, việc xây dựng danh mục vị trí việc làm cán bộ, công chức, viên chức và cán bộ, công chức cấp xã giai đoạn từ năm 2019 đến nay có sự thay đổi về cách tiếp cận.

Qua quá trình tổng hợp, rà soát, hoàn thiện danh mục xây dựng vị trí việc làm, đến nay danh mục vị trí việc làm cán bộ công chức là 861 vị trí, giảm 5 vị trí so với số liệu tổng hợp trước đó; vị trí việc làm viên chức là 619 vị trí tăng 4 vị trí; riêng vị trí việc làm cán bộ, công chức cấp xã không thay đổi giữ nguyên 17 vị trí việc làm. Tuy nhiên vẫn còn bất cập trong việc việc xây dựng đề án vị trí việc làm tại một số Bộ, ngành và địa phương.

“Thời gian qua một số Bộ quản lý ngành, lĩnh vực chậm ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức, viên chức nghiệp vụ chuyên ngành. Một số Bộ, ngành xác định danh mục vị trí việc làm chưa đảm bảo nguyên tắc chung; chưa bao quát theo chức năng nhiệm vụ nên ảnh hưởng đến các Bộ, ngành, địa phương trong việc rà soát, phê duyệt, điều chỉnh vị trí việc làm công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý”, Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà đánh giá.


Lượt xem: 3

Trả lời