Thế giới bước sang năm mới 2021 với nhiều kỳ vọng

Cập nhật 03/1/2021, 16:01:36

Năm 2021 được kỳ vọng sẽ giải quyết tiếp những gì còn dở dang của năm cũ với nhiều vấn đề đã ở trạng thái mới.

“Bình thường mới” là cụm từ được nhắc tới quá nhiều trong năm 2020. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành, các thành phố giới nghiêm, xã hội phải giãn cách, làm việc từ xa, con người nơm nớp lo lắng phòng dịch… và người dân trên thế giới phải dần quen, coi như một trạng thái bình thường.

COVID-19 chi phối sự chú ý của mọi người trong năm 2020, cục diện địa chính trị thế giới trở thành những vận động bên dưới so với dồn dập thông tin mỗi ngày về dịch bệnh. Tuy nhiên, không vì bớt sự chú ý mà thiếu những điểm nhấn. COVID-19 đã làm thay đổi rất nhiều thứ, chính trị thế giới cũng tự mình thay đổi rất nhiều điều và cũng lập nên trạng thái bình thường mới ở rất nhiều hồ sơ nóng.

Những “điểm nóng” của năm 2020

Nửa cuối năm 2020 là thời điểm thế giới chứng kiến 4 nước Arab gồm UAE, Bahrain, Sudan và Maroc nhất trí bình thường hóa quan hệ với Israel.

Những thỏa thuận bình thường hóa này được một số nhà quan sát cho rằng đã phản ánh sự thay đổi các ưu tiên hàng đầu của khu vực và những quan ngại chung của một số nước ở Trung Đông.

Thế giới bước sang năm mới 2021 với nhiều kỳ vọng - Ảnh 1.

Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì lễ ký kết thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel – Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) tại Nhà Trắng (Ảnh: AP)

Ưu tiên ở đây là đảm bảo sự ổn định của khu vực, tìm ra một giải pháp cho cuộc xung đột Israel – Palestine. Nhưng Palestine lại cho rằng, việc các nước Arab bình thường hóa quan hệ với Israel đã làm xói mòn nỗ lực thành lập nhà nước của người Palestine. Quan ngại ở đây là ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Iran. Do vậy, Israel tạo thành một động lực, thành lập một trục trong khu vực để kiềm chế. Iran tất nhiên cũng phản hồi không tích cực về động thái này.

Tất cả các bên đều cho rằng, động thái của Israel và các nước Arab là một bước ngoặt trong sự liên kết chiến lược của khu vực.

Liên tục những sự kiện leo thang căng thẳng trong những năm qua như sát hại tướng Soleimani, Mỹ liệt Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran vào danh sách khủng bố, tăng cường trừng phạt… đã khiến Iran buộc phải có động thái phản ứng mà nước này cho là cứng rắn nhất: tăng cường làm giàu Uranium. Tất cả thành tựu của Thỏa thuận hạt nhân Iran cùng nhóm P5+1 đạt được năm 2015 bị đảo ngược, tuy nhiên, các bên đều không tự khóa mình khỏi cơ hội đàm phán để duy trì thỏa thuận hoặc thậm chí là có một thỏa thuận mới.

Khi toàn thế giới đang bận rộn với làn sóng thứ 2 của COVID-19, Triều Tiên kỷ niệm 75 năm thành lập Đảng Lao động với 0 ca nhiễm. Bên cạnh thắng lợi trong kiểm soát dịch, phát triển kinh tế đất nước, Chủ tịch Kim Jong-un cũng nêu cao những thành quả trong việc tăng cường sức mạnh quân sự và quốc phòng với việc giới thiệu tên lửa liên lục địa lớn nhất toàn thế giới. Tuy nhiên, cũng như Iran, Triều Tiên đang tự kiềm chế, chờ đợi một chính sách đối ngoại rõ ràng từ chính quyền mới của Mỹ.

Nước Mỹ và quan hệ với thế giới

Câu hỏi lớn nhất về chính sách đối ngoại của ông Joe Biden trong nhiệm kỳ Tổng thống Mỹ đầu tiên sẽ là cách Mỹ tiếp cận Trung Quốc. Nước Mỹ dưới thời ông Joe Biden được cho là sẽ có một cách tiếp cận ôn hòa hơn trong sự cạnh tranh với Trung Quốc nhưng không phải là dấu chấm hết cho các tranh chấp trong khu vực.

Thế giới bước sang năm mới 2021 với nhiều kỳ vọng - Ảnh 2.

Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden được kỳ vọng sẽ giúp nước Mỹ phục hồi và trở lại vị trí dẫn đầu (Ảnh: AP)

Bên cạnh đó, củng cố lại các mối quan hệ đồng minh và đối tác là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Tổng thống đắc cử Joe Biden. Điều đó được thể hiện rõ khi 3 vị trí đối ngoại trong Nội các được ông Joe Biden lựa chọn, đó là bà Linda Thomas-Greenfield vào vị trí Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc, ông Jake Sullivan vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia và ông Anthony Blinken vào vị trí Ngoại trưởng Mỹ. Đây đều là những người có chính sách đối ngoại trung dung.

Đối với ông Joe Biden, việc tăng cường hợp tác và hành động tập thể với các đồng minh và đối tác không chỉ qua các mối quan hệ song phương và đa phương mà còn qua các thỏa thuận, tổ chức quốc tế. Điều này khác với quan điểm của Tổng thống Donald Trump khi cho rằng nước Mỹ bị mất nhiều hơn được khi tham gia vào các thỏa thuận, tổ chức quốc tế.

Vẫn cần thêm thời gian để đánh giá cách tiếp cận chính sách đối ngoại của ông Joe Biden trên cương vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ trong 3 tuần nữa. Tuy nhiên, điều có thể thấy ngay bây giờ là “Nước Mỹ trên hết”, “Nước Mỹ vĩ đại trở lại” của Tổng thống Donald Trump hay cách tiếp cận “Nước Mỹ quay lại dẫn đầu” của ông Joe Biden đều hướng tới cùng một mục đích là củng cố sức mạnh và vai trò lãnh đạo của nước Mỹ trên trường quốc tế.

Dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến khó lường

Đại lộ Champ Elysee, kinh đô ánh sáng Paris, Pháp vắng lặng trong đêm Giao thừa. Bước sang năm mới, nhiều nước châu Âu vẫn đang áp đặt các lệnh hạn chế nghiêm ngặt. Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 tại Anh với khả năng lây lan cao hơn đã đặt cả châu Âu trước một làn sóng dịch mới.

Thế giới bước sang năm mới 2021 với nhiều kỳ vọng - Ảnh 3.

Nước Pháp đón năm mới 2021 với các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt (Ảnh: AP)

Phía bên kia Đại Tây Dương, số ca nhiễm COVID-19 tại Mỹ cũng vượt mốc 20 triệu ca.

Tại châu Á, lần lượt Nhật Bản, Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm tăng cao trong những ngày cuối năm. Trong khi xuất hiện các ổ dịch lây nhiễm cộng đồng mới tại Thái Lan, Trung Quốc cũng buộc các nước phải tăng cường kiểm soát.

Tín hiệu tích cực là từ tháng 12/2020, nhiều nước đã triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine, bắt đầu từ Nga, Anh rồi đến Mỹ, sau đó là các nước châu Âu. Tại Trung Mỹ và Mỹ Latin thì có Mexico, Chile, Argentina, Costa Rica. Còn tại châu Á, Qatar, Bahrain, Israel cũng đã bắt đầu triển khai chương trình tiêm chủng. Trong khi đó, Singapore là quốc gia đầu tiên tại Đông Nam Á bắt đầu tiêm chủng đại trà.

Thế giới bước sang năm mới 2021 với nhiều kỳ vọng - Ảnh 4.

Nhiều quốc gia đã bắt đầu triển khai các chương trình tiêm chủng vaccine COVID-19 (Ảnh: AP)

Tuy nhiên, không phải cứ có vaccine thì đại dịch kết thúc. Vaccine cần được cung cấp cho tất cả những người có nguy cơ mắc bệnh trên toàn thế giới chứ không chỉ riêng ở những nước giàu có. Cơ chế COVAX – sáng kiến của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hiện đã đảm bảo quyền tiếp cận khoảng 2 tỷ liều vaccine cho các nước thu nhập thấp và trung bình từ nhiều nhà sản xuất khác nhau. Nhưng để đảm bảo đủ nguồn vaccine cho các nước này thì vẫn được xem là một thách thức trong thời gian tới.

Đến thời điểm hiện tại, chưa thể dự đoán thời điểm và khả năng dịch bệnh kết thúc trong năm 2021. Nhưng với những tín hiệu tích cực từ vaccine và sự nỗ lực toàn cầu, một số chuyên gia y tế nhận định, tới mùa thu năm nay, những hoạt động bình thường mới có thể sẽ bắt đầu quay trở lại.

Theo VTV


Lượt xem: 17

Trả lời