Quan hệ chiến lược Mỹ – Ấn giữa “ngã tư đường”

Cập nhật 27/6/2019, 07:06:46

Liệu mối quan hệ đối tác đang ngày càng phát triển giữa Mỹ và Ấn Độ có thể tồn tại trước chính sách “Nước Mỹ trước tiên” hay không?

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi dự kiến có cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Donald Trump khi ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm các nước công nghiệp phát triển và mới nổi G20 tại Osaka, Nhật Bản vào cuối tuần này.

Những bất đồng về thương mại trong đó bao gồm cả thương mại điện tử, cùng vấn đề chống khủng bố dự kiến sẽ là những nội dung trọng tâm trong cuộc thảo luận giữa 2 nhà lãnh đạo.

Nhiều người đặt câu hỏi: nếu những căng thẳng thương mại hiện nay vẫn tiếp diễn thì mối quan hệ đối tác chiến lược Mỹ-Ấn sẽ đi tới đâu? Chính sách của Ấn Độ sẽ thay đổi như thế nào khi chính quyền của Tổng thống Donald Trump đặt “Nước Mỹ trước tiên”?

Quan hệ Mỹ-Ấn tốt đẹp hơn dưới thời Donald Trump

Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi bắt đầu nhiệm kỳ thứ 2 khi mà sự “bốc đồng” đơn phương của chính quyền Mỹ đang mất kiểm soát, trong khi chiến dịch tái tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 của ông Trump nhiều khả năng sẽ tiếp tục tập trung vào chủ nghĩa dân tộc thì quan hệ giữa Ấn Độ với Mỹ đang bị đặt ở giữa ngã tư đường. Dù có nhiều bước tiến tích cực, nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đang đe dọa mối quan hệ Mỹ-Ấn.

Ở mặt tích cực, quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ đã được xem là cải thiện đáng kể trong 2 thập kỷ qua với sự hội tụ quan điểm trong nhiều vấn đề. Các thời Tổng thống Mỹ từ Bill Clinton tới Donald Trump hiện nay đều đảm bảo rằng, các dự án thắt chặt quan hệ giữa Ấn Độ và Mỹ vẫn đi đúng hướng. Ngau sau khi đắc cử, ông Trump đã bắt đầu “lôi kéo” Thủ tướng Modi và ông Modi cũng không bỏ lỡ cơ hội để làm nồng ấm thêm mối quan hệ cá nhân với Tổng thống Mỹ.

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Ấn Độ Narenda Modi ôm nhau trong cuộc gặp trực tiếp đầu tiên tháng 6/2017. Tổng thống Trump đã mô tả cuộc gặp giữa ông và Thủ tướng Ấn Độ khi đó là một thành công và mối quan hệ giữa Mỹ và Ấn Độ là chưa bao giờ mạnh mẽ và tốt đẹp hơn thế. Nguồn: Wochit News

Chính quyền Trump đã trao cho Ấn Độ các công nghệ liên quan đến quân sự theo “cơ chế thương mại chiến lược”, một bước tiến xa hơn so với thời chính quyền Obama – mới chỉ dừng lại ở việc coi Ấn Độ là “đối tác quân sự lớn”.

Có một sự thừa nhận ngày càng gia tăng ở Mỹ rằng, mối quan hệ chặt chẽ hơn với Ấn Độ có thể giúp Mỹ trở nên mạnh mẽ hơn ở châu Á, nơi mà Trung Quốc đã bắt đầu phô trương sức mạnh quân sự.

“Ấn Độ-Thái Bình Dương” giờ đã thay thế cho “Châu Á-Thái Bình Dương” trong thuật ngữ ngoại giao của Mỹ. Chính quyền Trump đã mô tả Ấn Độ là một trong những đồng minh quan trọng ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương. Mỹ thậm chí còn đổi tên Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương trước đây thành Bộ Tư lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương, nhấn mạnh sự liên kết chiến lược giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

“Ấn Độ-Thái Bình Dương” giờ đã thay thế cho “Châu Á-Thái Bình Dương”. Nguồn: Chinausfocus

Mỹ-Ấn “bắt tay” để cùng kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc

Lo ngại về dự án địa chính trị tham vọng nhất của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình – Vành đai và Con đường (BRI), Mỹ đã tìm thấy sự “đồng cảm” ở Ấn Độ, nước cũng coi sáng kiến này là không có lợi cho lợi ích an ninh của mình.

Ấn Độ và Mỹ “bắt tay” nhau để kiềm chế sự bành trướng hàng hải của Trung Quốc, điều vốn được xem là mối đe dọa đối với các tuyến giao thương ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương.

Dự kiến, cuối năm nay, Ấn Độ và Mỹ sẽ tiến hành cuộc tập trận song phương mới, như đã tuyên bố ở cuộc đối thoại 2+2. Tháng 5/2019, 2 tàu hải quân Ấn Độ là INS Kolkata, INS Shakti đã tham gia một cuộc tập trận hải quân với Mỹ, Philippines và Nhật Bản. Sự kiện quan trọng này được xem là Ấn Độ ủng hộ Philippines trong các tuyên bố chủ quyền của nước này đối với một số khu vực tranh chấp ở Biển Đông.

Tàu Ấn Độ, Mỹ, Philippines và Nhật Bản trong cuộc tập trận trên Biển Đông tháng 5/2019. Nguồn: Naval Today

Chính quyền Trump có tiếng nói mạnh mẽ hơn so với các chính quyền tiền nhiệm khi xét ở khía cạnh ủng hộ Ấn Độ chống chủ nghĩa khủng bố. Việc đưa lãnh đạo của Jaish-e-Mohammed – Masood Azhar – vào danh sách khủng bố quốc tế của Liên Hợp Quốc là bằng chứng về sự ủng hộ không thể bàn cãi của Mỹ đối với Ấn Độ. Quan điểm cứng rắn của Mỹ với Pakistan trong một số vấn đề cũng được cho là sự ưu ái đối với Ấn Độ.

Vì thế, Thủ tướng Modi cảm thấy dễ dàng hơn nhiều trong việc thắt chặt quan hệ với Mỹ, đặc biệt là khi sự ủng hộ chính sách thân Mỹ đang gia tăng trong giới chóp bu chiến lược của Ấn Độ.

Sau chiến thắng bầu cử, ông Modi đang tìm kiếm thêm nhiều ủng hộ đối với nỗ lực kiềm chế Trung Quốc, trong khi tiếp tục thắt chặt quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là mối quan hệ Mỹ-Ấn sẽ được xuôi chèo mát mái, bởi tham vọng và thực tế là hai điều hoàn toàn khác biệt. Bất chấp bước ngoặt tích cực thấy rõ trong quan hệ Mỹ-Ấn, ông Modi cũng nhận thấy rõ rằng Mỹ đang gia tăng áp lực đối với Ấn Độ trên nhiều lĩnh vực.

Quan hệ chiến lược trước sóng gió vì “Nước Mỹ trước tiên”?

Cuộc chiến thương mại và công nghệ Mỹ-Trung đang gia tăng và nền kinh tế toàn cầu đã đang phải chịu các áp lực theo nhiều hướng. Trong khi đó, Mỹ dường như lại đang ra sức “ức hiếp” các đồng minh truyền thống của mình trong hơn 2 năm qua.

Chính sách “Nước Mỹ trước tiên” đang khiến mối quan hệ Mỹ-Ấn đứng trước sóng gió. Nguồn: The Atlantic

Hạ thấp giá trị của NATO, đe dọa áp thuế đối với hàng hóa EU, đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran hay những bất đồng với các đồng minh Nhật Bản và Hàn Quốc là những ví dụ về việc thực thi chính sách “nước Mỹ trước tiên” của chính quyền Trump.

Ấn Độ cũng đã cảm thấy sự “khó chịu” từ “gọng kìm” kinh tế mà Mỹ đang siết chặt với mình, đặc biệt là khi New Delhi buộc phải dừng nhập khẩu dầu mỏ từ Iran và Venezuela, một chiến thuật “mang nặng dấu tay của Mỹ”.

Hơn thế, những nỗ lực của Mỹ nhằm kiềm chế các quan hệ chiến lược của Ấn Độ với Iran đang dấy lên những thách thức nghiêm trọng đối với chính sách ngoại giao của Ấn Độ. Những lo ngại chung của Ấn Độ và Iran về mối đe dọa khủng bố từ lãnh thổ Pakistan đã khiến Iran trở thành một đối tác địa chính trị quan trọng của Ấn Độ.

Những nỗ lực của Ấn Độ nhằm gia tăng ảnh hưởng ở Trung Á sẽ bị tác động nếu mối quan hệ của Ấn Độ với Iran có chiều hướng đi xuống. Từ trước tới nay, Mỹ vẫn miễn trừ trừng phạt đối với cảng Chabahar của Iran – nơi cho phép Ấn Độ thiết lập hành lang vận tải tới Afghanistan mà không cần qua Pakistan. Tuy nhiên, căng thẳng giữa Mỹ và Iran hiện nay khiến nhiều người nghi ngờ về ý định tương lai của Mỹ đối với Chabahar.

Mỹ cũng chỉ trích kế hoạch mua hệ thống phòng không S-400 do Nga sản xuất của Ấn Độ, thậm chí dọa sẽ trừng phạt Ấn Độ theo đạo luật CAATSA nếu New Delhi không hủy kế hoạch mua S-400.

Mỹ dọa sẽ trừng phạt Ấn Độ theo đạo luật CAATSA nếu không hủy thương vụ mua S-400 của Nga. Nguồn: Live Mirror

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ trước đây, James Mattis, là người ủng hộ lớn nhất cho việc miễn trừ trừng phạt đối với Ấn Độ, nhưng việc ông rời khỏi bộ máy chính quyền Trump đã khiến cho mối đe dọa trừng phạt Ấn Độ theo đạo luật CAATSA ngày càng trở nên hiện hữu hơn.

Thách thức lớn nhất mà Ấn Độ phải đối mặt là nếu họ “coi thường mệnh lệnh” của Mỹ, họ sẽ phải chịu các lệnh trừng phạt kinh tế cũng như những hạn chế trong hợp tác quân sự công nghệ cao với Mỹ. Nhưng nếu hủy thương vụ S-400, quan hệ truyền thống với Nga cũng sẽ chịu những tổn hại.

Ấn Độ lâu nay hưởng lợi khá lớn từ Hệ thống ưu đãi phổ cập (GSP), nhưng chính quyền Trump lại muốn chấm dứt chương trình này. GPS là chương trình thương mại ưu tiên, cho phép các nước đang phát triển như Ấn Độ tiếp cận thị trường Mỹ dễ dàng hơn nhờ việc giảm thuế hàng hóa mà họ xuất sang Mỹ.

Khi chính quyền Trump có quan điểm cứng rắn hơn với Ấn Độ trong vấn đề thương mại, mối quan hệ song phương sẽ trở nên căng thẳng hơn, nhiều vấn đề bất đồng khác sẽ bị khoét sâu thêm. Điều đó có thể khiến chính quyền Modi phải tìm cách cân bằng lại các mối quan hệ nhiều mặt, đặc biệt là với Iran và Nga./.

Theo VOV


Lượt xem: 41

Trả lời