Những “nạn nhân” tiếp theo trong vụ “Hồ sơ Panama”

Cập nhật 09/4/2016, 20:04:36

Tổng thống Argentina Mauricio Macri và Thủ tướng Anh David Cameron đang phải đối mặt với nhiều sức ép sau khi có tên trong “Hồ sơ Panama”.

Vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama” tiếp tục gây chấn động thế giới khi không loại trừ bất kỳ ai, kể cả những người đứng đầu Nhà nước và Chính phủ.

Hai nhà lãnh đạo mới nhất có tên trong hồ sơ này là Tổng thống Argentina Mauricio Macri, đang là mục tiêu của các cuộc điều tra ở trong nước và Thủ tướng Anh David Cameron, người mới đây đã buộc phải thừa nhận được hưởng lợi từ một công ty “bình phong”.

nhung "nan nhan" tiep theo trong vu "ho so panama" hinh 0
Người biểu tình phản đối Tổng thống Argentina Mauricio Macri. (Ảnh: AFP)

 

Tổng thống Argentina Mauricio Macri đang đứng trước sức ép chưa từng có khi trở thành mục tiêu của cuộc điều tra về trốn thuế và rửa tiền dù lâu nay vẫn được xem là người đi đầu trong cuộc chiến chống tham nhũng ở trong nước.

Thẩm phán liên bang Argentina Sebastian Casanello hôm qua (8/4) đã bắt đầu tiến hành những thủ tục cần thiết để xem xét khả năng điều tra đối với Tổng thống Mauricio Macri khi ông này có tên trong danh sách “Hồ sơ Panama".

Những người có liên quan cũng đã được triệu tập để phục vụ công tác điều tra, trong đó có cả những nhà báo tham gia vào mạng lưới điều tra của Hiệp hội phóng viên điều tra quốc tế, tổ chức phanh phụ vụ “Hồ sơ Panama” và những chuyên gia về luật pháp.

Đây là những biện pháp đầu tiên được cơ quan tư pháp Argentina đưa ra để điều tra liệu Tổng thống Macri có vi phạm pháp luật hay không khi không khai báo về các hoạt động trong 2 công ty gia đình được mở tại Bahamas và Panama.

Tuy nhiên, tới nay, Tổng thống Macri vẫn khẳng định trong sạch: “Một lần nữa tôi xin khẳng định rằng, tôi luôn tuân thủ pháp luật và không có bất cứ điều gì phải che giấu. Tôi cũng đã gửi những tài liệu cần thiết đến văn phòng chống tham nhũng để phục vụ công tác điều tra và yêu cầu tòa án xác thực kê khai tài sản của mình”.

“Rõ ràng, chúng ta cần phải đấu tranh đến cùng với tham nhũng. Điều này đang gây tổn hại cho cho chúng ta. Và như một đóng góp của mình, tôi đã quyết định đưa toàn bộ tài sản của mình vào một quỹ ủy thác độc lập nhằm tạo sự minh bạch trong việc quản lý các lợi nhuận kinh doanh”, ông Macri nói thêm

Trước đó 1 ngày, ở phía bên kia bờ Đại Tây Dương, do những sức ép ngày càng tăng ở trong nước, Thủ tướng Anh David Cameron đã phải thừa nhận cho tới năm 2010 vẫn nhận được lợi tức từ một quỹ đầu tư do người cha quá cố của ông lập ra tại Bahamas. Tuy nhiên, trong cuộc gặp với kênh truyền hình ITV, ông cũng khẳng định đã bán cổ phẩn vài tháng trước khi trở thành Thủ tướng Anh.

Dù tới nay vẫn còn nhiều câu hỏi xung quanh vụ rò rỉ “Hồ sơ Panama”, song một thực tế không thể phủ nhận là vụ việc đã cho thấy một góc khác của hoạt động tài chính thế giới. Bởi, bản thân việc thành lập hay sở hữu một công ty bình phong không phải là hành vi bất hợp pháp, mà vấn đề nằm ở chỗ, từ những công ty này, người ta phát hiện ra một loạt hành vi trốn thuế và rửa tiền, thậm chí là tham nhũng.

Các hãng truyền thông lớn trên thế giới tham gia vào quá trình điều tra và phanh phui vụ rò rỉ này vẫn đang tiếp tục công bố danh tính những khách hàng của công ty luật Mossack Fonseca tại Panama, với hơn 11,5 triệu tài liệu có trong tay./.

VOV


Lượt xem: 24

Trả lời