Nga chuyển hướng kinh tế, đề cao chủ quyền và thế giới công bằng

Cập nhật 18/6/2023, 08:06:33

Trước sức ép mọi mặt từ phương Tây, Nga đang tích cực điều chỉnh và chuyển hướng nền kinh tế để thích ứng. Chủ đề chính của Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg năm nay (2023) là “phát triển có chủ quyền”.

Yếu tố chủ quyền và thế giới công bằng

Năm nay, chủ đề chính của Diễn đàn kinh tế quốc tế Saint Petersburg sẽ là “Phát triển có chủ quyền là nền tảng của một thế giới công bằng. Chúng ta hợp lực vì lợi ích của các thế hệ tương lai”. Nó tiếp tục một cách logic khẩu hiệu của năm ngoái: “Thế giới mới – Cơ hội mới”.

Tổng cộng, chương trình diễn đàn bao gồm hơn 150 sự kiện được chia thành bốn khối chuyên đề. Trong số đó: “Nền kinh tế thế giới trong kỷ nguyên thay đổi toàn cầu”, “Nền kinh tế Nga: Từ thích ứng đến tăng trưởng”, “Xây dựng chủ quyền công nghệ” và “Tiết kiệm của người dân và chất lượng cuộc sống là ưu tiên hàng đầu”. Nền kinh tế chịu lệnh trừng phạt là một trong những chủ đề chính của diễn đàn. Tuy nhiên, không giống như diễn đàn năm ngoái, nơi những người tham gia chỉ nêu thực tế mới, năm nay Nga đã có thể tổng hợp những kết quả đầu tiên của cuộc sống trong những điều kiện như vậy.

Theo tờ Vedomosti của Nga, từ “chủ quyền” (độc lập của nhà nước trong các vấn đề đối ngoại và sự lãnh đạo của chính quyền nhà nước trong các vấn đề nội bộ) đã trở thành từ khóa trong chương trình nghị sự của toàn bộ chương trình kinh doanh: nó được nhắc đến 105 lần. Những người tham gia sẽ nói về cách đạt được chủ quyền trong hầu hết các lĩnh vực của cuộc sống – từ công nghệ và tài sản tài chính đến chủ quyền văn hóa, dưới áp lực của các lệnh trừng phạt. Các sự kiện riêng biệt bàn về chủ quyền là trong khu liên hợp nông-công nghiệp, nhân sự và thậm chí cả trong thể thao.

Trong lời chào mừng tới những người tham gia diễn đàn, Tổng thống Nga Vladimir Putin lưu ý rằng GDP của Nga có thể tăng 1-2% trong năm nay, ngay cả khi kinh tế toàn cầu suy thoái. Đồng thời, theo ông, điều quan trọng đối với Nga là tận dụng tối đa các cơ hội mở ra và tập trung vào việc đạt được chủ quyền về công nghệ và tài chính, xây dựng hợp tác và hậu cần tối ưu, cải thiện cơ sở hạ tầng, giảm bất bình đẳng và nghèo đói.

Bất chấp các trừng phạt, Nga là một trong những quốc gia trên thế giới vẫn giữ được chủ quyền, khả năng thực hiện các mục tiêu quốc gia, theo đuổi chính sách phù hợp với lợi ích quốc gia, không loại trừ tương tác với các nước khác. Thậm chí, chính áp lực trừng phạt càng khiến Nga nỗ lực hơn để sớm đạt được các mục tiêu. Đồng thời, như Tổng thống Nga Putin nhiều lần tuyên bố, Moscow không tự cô lập mình với thế giới, không từ chối tiếp cận các công nghệ tiên tiến của thế giới.

Chuyển hướng của kinh tế Nga khi phương Tây siết chặt trừng phạt

Theo ban tổ chức, hơn 17.000 người từ 130 quốc gia và vùng lãnh thổ đã xác nhận tham gia SPIEF 2023. Danh sách các quốc gia mà khách đến dự không tăng so với năm ngoái, nhưng số lượng diễn giả và khách mời đã tăng hơn 3.000 người. (năm ngoái là 14.000 người). Từ ngày 14 đến 17/6, SPIEF 2023 dự kiến ​​tổ chức hơn 150 sự kiện với sự tham gia của đại diện các quốc gia SNG, Trung Quốc, Ấn Độ, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất, Qatar, Myanmar và các quốc gia khác.

Các phiên riêng biệt sẽ dành cho sự phát triển của ngành công nghiệp thực phẩm, thu hút đầu tư thông qua ngân hàng Hồi giáo, ngành công nghiệp hệ thống thanh toán ở châu Á, cũng như sự tương tác của Nga với EAEU và các quốc gia ASEAN. Đặc điểm nổi bật của SPIEF-2023 sẽ là sự thể hiện tái định hướng kinh tế của Nga sang phương Đông và tổng kết những kết quả đầu tiên của cuộc sống dưới các lệnh trừng phạt. Các phái đoàn từ các quốc gia Trung Đông sẽ được đại diện rộng rãi trong số các khách mời, trong đó đông đảo nhất là từ Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất. Tổng cộng, sáu cuộc gặp kinh doanh song phương đã được lên kế hoạch với các đối tác từ các nước Arab, Trung Quốc, Ấn Độ, Mỹ Latin, ASEAN.

Các chuyên gia ước tính, số lượng hợp đồng được ký kết tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế Saint Petersburg năm nay, bắt đầu từ ngày 14/6, có thể lên tới 6.000 tỷ rúp. Theo họ, năm nay đầu tư chủ yếu sẽ vào các công ty Nga có khả năng thay thế các công ty nước ngoài đã rời đi. Điều này phù hợp với chủ đề chính của diễn đàn, dành riêng về chủ quyền trong các ngành công nghiệp trọng điểm.

Ngoài ra, một đặc điểm quan trọng của diễn đàn kinh tế năm nay là sự vắng mặt của đại diện báo chí từ các quốc gia không thân thiện. Ban tổ chức không cấp đăng ký cho các nhà báo từ Mỹ, Canada, Anh, EU, Nhật Bản và các nước khác. Quyết định này, theo Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov, được đưa ra lần đầu tiên trong lịch sử của SPIEF kể từ năm 1997.

Dự kiến nội dung thảo luận của Tổng thống Putin với châu Phi

Ngày 13/6, trong cuộc gặp với các phóng viên chiến trường, Tổng thống Nga Putin đã thông báo rằng, ông dự định thảo luận một số vấn đề với đại diện các nước châu Phi, trong đó có thỏa thuận về ngũ cốc. Nhà lãnh đạo Nga tuyên bố, Moscow sẵn sàng cung cấp ngũ cốc miễn phí cho các nước nghèo nhất. Điều này cũng sẽ được thảo luận với các nhà lãnh đạo châu Phi.

Được biết, Tổng thống Algeria Abdelmajid Tebboun sẽ tham gia SPIEF trong chuyến thăm 3 ngày tới Nga. Nhưng liệu ông có phát biểu tại phiên họp toàn thể theo kế hoạch là vào ngày 16/6, do Tổng thống Putin chủ trì, thì ban tổ chức không nói rõ.

Ngoài ra, các phương tiện truyền thông Nga đưa tin, phái đoàn của 7 quốc gia châu Phi gồm Congo, Nam Phi, Senegal, Uganda, Zambia, Ai Cập và Comoros trong tuần này sẽ đến Kiev để gặp Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ngày hôm sau, họ sẽ tới Moscow để hội đàm với Tổng thống Nga Putin. Các cuộc đàm phán sắp tới sẽ tập trung thảo luận về việc xuất khẩu phân bón của Nga và ngũ cốc của Ukraine, đồng thời lãnh đạo của các quốc gia châu Phi mong muốn thúc đẩy Moscow và Kiev sớm tìm được thỏa hiệp để giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay./.


Lượt xem: 2

Trả lời