Mỹ gia tăng sức ép trước thềm Hội nghị Ngoại trưởng NATO

Cập nhật 03/4/2019, 14:04:44

Tổng thống Mỹ tiếp tục gia tăng sức ép lên NATO, yêu cầu các nước thành viên khối quân sự này tiếp tục tăng mức đóng góp ngân sách.

Cuộc gặp khó khăn

Tại cuộc gặp với Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg tại Nhà Trắng ngày 2/4, Tổng thống Donald Trump cho biết hầu hết các nước thành viên NATO chưa đạt được mục tiêu chi ngân sách cho quốc phòng mặc dù đã có những tiến triển trong thời gian qua. Ông Trump cũng hy vọng mức đóng góp sẽ tiếp tục tăng lên trong tương lai đồng thời chỉ trích Đức đã không thực hiện cam kết 2% GDP cho quốc phòng và hiện nay mới chỉ dành ra 1% GDP cho mục đích này. Ông Trump cho rằng Mỹ đang bảo vệ châu Âu, nhưng những nước này lại đang lợi dụng Mỹ, chính vì vậy, Mỹ muốn công bằng trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính trong NATO.

my gia tang suc ep truoc them hoi nghi ngoai truong nato hinh 1
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Tổng thư ký NATO Jen Stoltenberg. Ảnh: CNN.

Tổng thống Donald Trump đồng thời bày tỏ hy vọng Nga sẽ không trở thành một mối đe dọa an ninh đối với NATO và cho rằng Mỹ sẽ hợp tác với Nga để giải quyết những trở ngại trong quan hệ song phương, cũng như các điểm nóng trên thế giới. Ông Trump cũng khẳng định rằng phương Tây đã có những bước tiến lớn tại Afghanistan mặc dù ông cho rằng cuộc chiến 18 năm qua tại đây là điều đáng tiếc và nực cười.

Trong thông báo ngày 2/4, Nhà Trắng cho biết Tổng thống Trump và Tổng thư ký NATO Stoltenberg đã gặp nhau nhân kỷ niệm 70 năm thành lập NATO cũng như tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với khối này. Thông báo của Nhà Trắng cũng cho biết hai bên đã thảo luận các nỗ lực hiện nay trong viêc chống khủng bố và xem xét các hoạt động khiêu khích của Nga. Nga dự kiến sẽ là chủ đề chính tại hội nghị ngoại trưởng các nước NATO tại thủ đô Washington ngày 3/4.

Bất đồng chưa được thu hẹp

Tổng thống Donald Trump luôn chỉ trích các thành viên NATO vì không thực hiện cam kết 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng. Đây là cam kết mà các quốc gia thành viên NATO đưa ra tại Hội nghị thượng đỉnh Wales năm 2014, theo đó, tất cả 29 quốc gia thành viên đạt mục tiêu ngân sách dành 2% GDP cho chi tiêu quốc phòng trong một thập kỷ đến năm 2024. Ông Trump đã liên tục có các thông báo trên Twitter với những lời lẽ chỉ trích NATO như “Cực kỳ thiếu công bằng!” hay “Không thể chấp nhận được!”, đồng thời công kích mạnh mẽ Đức, nước đầu tàu trong Liên minh châu Âu.

Trên thực tế, các chỉ trích của Tổng thống Trump không phải là không có cơ sở khi tới năm 2014 chỉ có 3 trên tổng số 29 thành viên NATO thực hiện cam kết dành 2% GDP cho quốc phòng và con số này mới chỉ tăng lên 7 trong năm 2018, và 16 thành viên đang nỗ lực để đạt được mục tiêu như hạn định.

Chính vì vậy mà Tổng thống Trump liên tục gia tăng sức ép và tới thượng đỉnh NATO tháng 11/2018, các thành viên NATO đã phải ra một tuyên bố chung, tái khẳng định cam kết chi 2% GDP cho quốc phòng, như một cử chỉ nhượng bộ trước các đòi hỏi của Tổng thống Mỹ. Mặc dù NATO đã phải nhượng bộ nhưng ngay sau đó, ông Trump lại đề nghị các đồng minh ngay lập tức tăng mức đóng góp lên 4% nếu không Mỹ sẽ rút khỏi NATO, dẫn tới các bất đồng giữa Mỹ và các nước đồng minh khó có thể được thu hẹp.

Ông Trump không phải Tổng thống Mỹ đầu tiên chỉ trích các đồng minh về vấn đề chi phí quốc phòng, tuy nhiên xét trên chính sách nước Mỹ trên hết, có thể thấy Tổng thống Trump muốn lợi dụng tâm lý cảm thấy có lỗi của châu Âu khi chưa chi tiêu cho quốc phòng một cách hợp lý, cũng như những lo ngại về việc Mỹ rút khỏi NATO, liên minh quân sự mà suốt 69 năm qua Washington vẫn được xem là trụ cột chiến lược quan trọng nhất để buộc các đối tác phải nhượng bộ trong vấn đề khác mà ông thực sự quan tâm đó là giảm thâm hụt ngân sách cho nước Mỹ.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đây có thể là nước cờ khi Tổng thống Mỹ đưa ra một giao kèo về việc tiếp tục đảm bảo an ninh cho châu Âu để đổi lấy những nhượng bộ kinh tế từ châu lục này. Thương mại là mối ưu tiên hàng đầu của Tổng thống Trump, đồng nghĩa với việc cam kết bảo đảm an ninh cho châu Âu phải đem lại những “lợi nhuận” thực sự cho Mỹ. Vì thế, những lời chỉ trích và phàn nàn về châu Âu mà ông chủ Nhà Trắng liên tục đưa ra sẽ chưa chấm dứt chừng nào Mỹ vẫn chịu thâm hụt thương mại với các đối tác bên kia Đại Tây Dương.

Khác biệt lợi ích ngày càng lớn giữa Mỹ và NATO

Ngoài vấn đề đóng góp tài chính, giữa Mỹ và các đồng minh NATO còn nhiều lợi ích chồng chéo trong một số lĩnh vực khác. Báo cáo thường niên năm 2018 của NATO khẳng định NATO đã trở thành một liên minh hiện đại, ứng phó với các mối đe dọa an ninh, thích ứng với những thách thức mới. Tuy nhiên, gần đây, các nước đồng minh NATO đang ngày càng rời xa các mục tiêu chính sách của Washington. Sự kiện minh chứng nổi bật nhất là việc Thổ Nhĩ Kỳ hoàn tất hợp đồng mua hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đã trao đổi với Chính phủ Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan rằng sẽ không chấp nhận việc Thổ Nhĩ Kỳ thực thi hợp đồng mua bán với Nga do điều này cho thấy quan hệ giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang có phần nồng ấm lên. Chính quyền Mỹ cảnh báo nước đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ sẽ gánh “hậu quả khôn lường” nếu tiếp tục thương vụ mua bán, tuy nhiên, Tổng thống Tayyip Erdogan dường như đã bỏ qua lời cảnh báo của Washington. Một số nước thành viên NATO bao gồm Italy, Hungary, Bỉ, Bulgaria và Hy Lạp cũng không hợp tác với Mỹ trong việc đối đầu và cô lập Nga và đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với chiến lược trừng phạt đối với Nga.

Các nước NATO cũng không đồng tình với một số chính sách khác của Mỹ. Khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ rút toàn bộ binh lính Mỹ tại Syria hồi tháng 12/2018, các nước NATO đã đồng loạt lên tiếng phản đối quyết định này và tuyên bố sẽ không ở lại Syria nếu Mỹ rút quân. Hầu hết các nước thành viên NATO đều không chấp nhận lời kêu gọi của Mỹ trong việc đóng góp lực lượng tham gia tham chiến tại các nước.

Trong quá khứ, Washington cũng đã từng bị các nước NATO phản đối chính sách. Trong những năm 1980, Đức và các nước châu Âu đã đồng ý mua nguồn cung cấp khí đốt thông qua đường ống do Nga kiểm soát bất chấp biện pháp trừng phạt của Mỹ. Mỹ và các đồng minh châu Âu còn bất đồng trong một số vấn đề khác như thỏa thuận hạt nhân Iran, Mỹ rút khỏi thỏa thuận biến đổi khí hậu Paris, vấn đề thuế nhập khẩu nhôm và thép gần đây, cũng như việc Mỹ rút khỏi Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung với Nga.

Những dấu hiệu gần đây cho thấy sự chồng chéo trong lợi ích của Mỹ và châu Âu từ những chính sách đối phó với Nga cho đến cách giải quyết vấn đề hạt nhân Iran. Thực tế này đặt ra những câu hỏi liên quan đến khả năng duy trì mối quan hệ trong NATO và tương lai hoạt động của tổ chức này trong bối cảnh NATO kỷ niệm 70 năm ngày thành lập khối./.

VOV.


Lượt xem: 15

Trả lời