Mỹ dùng đòn kinh tế đưa Pakistan vào đường cùng

Cập nhật 28/2/2018, 14:02:36

Với cáo buộc Pakistan không hành động đủ để ngăn chặn nguồn tài chính khủng bố, Mỹ đã đề nghị đưa nước này vào “danh sách xám” của FATF.

Quan hệ Mỹ-Pakistan tiếp tục căng thẳng rối ren cho dù Pakistan có hay không nương tay với các nhóm khủng bố Hồi giáo hoạt động tại khu vực biên giới nước này với Afghanistan. Trong khi đó, đồng minh hữu hảo của Pakistan là Trung Quốc lại luôn bảo vệ và dùng những lời lẽ có cánh để ca ngợi nỗ lực chống khủng bố của Pakistan.

my dung don kinh te dua pakistan vao duong cung hinh 1
Binh sĩ Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố tại Afghanistan. Ảnh: theasianpost

“Danh sách xám”

Động thái mới nhất của Mỹ nhằm vào Pakistan là thuyết phục Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế (FATF)- một cơ quan liên chính phủ được thành lập để chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đưa Pakistan trở lại “danh sách xám”. Danh sách xám này bao gồm các nước không có đủ hành động để ngăn chặn nguồn tài chính của các nhóm khủng bố có được thông qua việc rửa tiền bằng chính hệ thống tài chính của nước đó. Năm 2012, Pakitan đã bị liệt vào “danh sách xám” này của FATF, nhưng sau đó đã được xóa tên vào năm 2015.

Bộ trưởng Tài chính Pakistan Miftah Ismail bày tỏ quan ngại trước sức ép tài chính mới từ Mỹ.

“Ý định của Washington không phải là chống lại chủ nghĩa khủng bố, mà thay vào đó Mỹ muốn phá hoại Islamabad hơn”, Bộ trưởng Miftah Ismail nói.

Theo quan chức tài chính Pakistan, ông đã đề nghị Mỹ trì hoãn quyết định này cho tới tháng 6 để Pakistan có thời gian thực hiện theo các tiêu chuẩn về chống khủng bố, song với Washington những nỗ lực này của Islamabad là vô nghĩa.

“Nếu Mỹ muốn làm việc với chúng tôi để cải thiện các quy định CTF- về ngăn chặn nguồn tài chính khủng bố, thì họ đã quan tâm tới đề xuất của tôi. Nhưng những gì họ làm đều nhằm phá hoại Pakistan”, ông Miftah Ismail nói thêm.

Một đồng minh của Pakistan là Trung Quốc đã lên tiếng chỉ trích động thái của Mỹ tại FATF. Trong cuộc họp báo ngày 27/2 tại Bắc Kinh, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng (Lu Kang) đã khẳng định, Trung Quốc hoan nghênh những nỗ lực chống khủng bố của Pakistan.

“Chính phủ và người dân Pakistan đã đóng góp và có rất nhiều hành động trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố. Pakistan cũng có những nỗ lực to lớn trong các chiến dịch quân sự và cả ngăn chặn các nguồn tài chính của khủng bố”, ông Lục Khảng khẳng định quan điểm của Trung Quốc.

Pakistan không dễ bị đe dọa

Tháng 8 năm ngoái, ông Trump đã công bố chiến lược mới về Afghanistan nói riêng và khu vực Nam Á nói chung. Mục tiêu rõ ràng của chiến lược này là ngăn chặn việc các tay súng Hồi giáo cực đoan biến quốc gia Nam Á này thành “thiên đường an toàn”, làm bàn đạp cho các cuộc tấn công nhằm vào Mỹ.

Tổng thống Trump nhấn mạnh “cách tiếp cận mới” để giải quyết khủng hoảng an ninh tại Afghanistan. Song dù là cách gì thì vai trò chiến lược của nước láng giềng Pakistan là không thể bỏ qua.

Trong tuyên bố vào thời điểm tháng 8 năm ngoái, Tổng thống Mỹ nhấn mạnh: “Chúng ta không thể mãi im lặng trước việc Pakistan là “thiên đường an toàn” cho các nhóm khủng bố, trong đó có Taliban và các nhóm khủng bố, vốn đang đe dọa an ninh trong và cả ngoài khu vực. Pakistan đã kiếm bộn từ những nỗ lực chống khủng bố của Mỹ tại Afghanistan”.

Từ thời điểm đó đến nay, Mỹ vẫn tiếp tục những sức ép to lớn nhằm buộc Pakistan chấm dứt các nguồn tài chính và dung túng cho các nhóm khủng bố lộng hành. Mỹ thậm chí còn cáo buộc Cơ quan tình báo Pakistan  (ISI) đã che giấu và thậm chí huấn luyện các tay súng khủng bố. Trước đó, các tài liệu quân sự Vịnh Guantanamo 2011 do WikiLeaks công bố đã mô tả ISI là một “tổ chức khủng bố không chính thức”.

Việc bị liệt vào “danh sách xám” của FATF có thể làm “suy kiệt” nền kinh tế Pakistan, vốn đang trong tình trạng khốn khó. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IFM) mới đây cảnh báo tình hình kinh tế vĩ mô của Pakistan đã chạm đáy. Cả thâm hụt tài chính và tiền tệ của Pakistan đang không ngừng tăng lên.

Dù vậy Bộ trưởng Tài chính Pakistan Miftah Ismail vẫn giữ tinh thần lạc quan rằng, Pakistan không muốn bị đưa vào “danh sách xám”, nhưng điều này có xảy ra cũng không ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế của Pakistan.

“Pakistan đang duy trì tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ nhất trong những năm qua, với khoảng 5% trong năm 2017”, Bộ trưởng Miftah Ismail nhấn mạnh.

Bộ trưởng Tài chính Pakistan cũng kêu gọi các nhà đầu tư không nên lo ngại trước những thông tin này. Pakistan vẫn đang tập trung cải thiện nền kinh tế và vượt qua giai đoạn “nấc cụt” này để tiếp tục lộ trình tăng trưởng phía trước.

Căng thẳng Mỹ-Pakistan dâng cao đỉnh điểm khi Mỹ tuyên bố chính thức dừng viện trợ an ninh, trong khi, Pakistan tuyên bố không cần viện trợ và đáp trả bằng việc cắt đứt quan hệ quốc phòng và tình báo với Mỹ.

Pakistan vẫn đang nắm lá bài chiến lược trong tay là các tuyến tiếp vận từ Pakistan tới Afghanistan. Các tuyến tiếp vận nếu bị đóng lại sẽ là “đường cùng” với lực lượng Mỹ và NATO tại Afghanistan.

Đầu năm 2018, Pakistan đã đe dọa phong tỏa tuyến tiếp tế hậu cận này với Mỹ khi căng thẳng giữa 2 bên bắt đầu leo thang. Đe dọa này sẽ không chỉ là nói suông vì Pakistan đã từng làm thật, song sau đó đã mở lại các tuyến đường này.

Thực tế, hợp tác với Pakistan trong cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố cũng như hoạt động hợp tác trong tương lai Mỹ-Afghanistan-Pakistan, đều là lợi ích cho các bên và cho nỗ lực chống khủng bố quốc tế./.

Theo VOV


Lượt xem: 26

Trả lời