Liên minh châu Âu nới lỏng các quy tắc ngân sách

Cập nhật 22/12/2023, 08:12:54

Sau hai năm đàm phán, Liên minh Châu Âu đã đạt được thỏa thuận vào tối thứ Tư (theo giờ địa phương), ngày 20/12, về việc nới lỏng các quy tắc ngân sách của Châu Âu. Các thỏa thuận mới nhằm đảm bảo việc phục hồi tài chính công mà không gây ảnh hưởng đến các khoản đầu tư khác.

Các cải cách được thảo luận tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính của EU nhằm mục đích hiện đại hóa Hiệp ước Ổn định và Tăng trưởng, một quy tắc kinh tế được tạo ra vào cuối những năm 1990 với mục tiêu hạn chế tối đa thâm hụt hành chính công của mỗi quốc gia thành viên khối 27 ở mức 3% GDP và nợ công ở mức 60%. Tuy nhiên biện pháp này đã bị tạm dừng vào năm 2020 do cuộc khủng hoảng Y tế Covid-19.

Bà Nadia Calvino, Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha, quốc gia đang đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên EU cho biết: “Các quy tắc mới này đáng tin cậy và thực tế hơn vì chúng đáp ứng tình hình kinh tế hậu đại dịch cũng như tình hình thâm hụt ngân sách và gia tăng nợ công của các quốc gia trên thế giới”.

Các thỏa thuận mới này là kết quả của sự đồng thuận giữa Pháp và Đức đạt được hôm thứ 3 (19/12), đại diện cho 2 luồng ý kiến chủ đạo ở Châu Âu. Các quốc gia có khoản nợ công lớn ở Nam Âu, như Pháp, nhấn mạnh vào sự linh hoạt của quy tắc mới để bảo vệ các khoản đầu tư cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh cũng như các chi tiêu quân sự. Ngược lại, các quốc gia được gọi là “thắt lưng buộc bụng” ở phía Bắc, đồng quan điểm với Đức, lại yêu cầu những hạn chế để đạt được mục tiêu giảm nợ hiệu quả trên toàn EU.

Ông Bruno Le Maire, Bộ trưởng Bộ tài chính Pháp nhấn mạnh đây là một “thỏa thuận lịch sử”: “Thỏa thuận này là một tin tuyệt vời đối với Pháp và Châu Âu. Lần đầu tiên từ 30 năm qua, hiệp ước này sẽ ghi nhận những nỗ lực đầu tư của các quốc gia vào việc chống phát thải cacbon và quốc phòng, những điều cần thiết trong những thập kỷ tới để bảo vệ vị thế của Châu Âu; và cải cách cơ cấu, chẳng hạn như cải cách về bảo hiểm thất nghiệp hoặc lương hưu”.

Cụ thể, các quy tắc ngân sách mới sẽ yêu cầu các quốc gia thành viên EU phải trình bày kế hoạch sửa đổi ngân sách của từng nước trong khoảng thời gian ít nhất là bốn năm để đảm bảo không gia tăng các khoản nợ công. Các quốc gia đang nỗ lực cải cách và đầu tư vào các ưu tiên của Liên minh Châu Âu sẽ được ưu ái với khoảng thời gian điều chỉnh ngân sách lên tới 7 năm. Điều này sẽ giúp giảm thiểu những hệ lụy kinh tế liên quan đến việc điều chỉnh và giúp các chính phủ có thời gian để “giảm xóc”.

Ngoài ra, các quốc gia thành viên có mức thâm hụt hành chính công quá 3% GDP sẽ phải nỗ lực để giảm tỷ lệ thâm hụt (ở mức tối thiểu) 0,5% GDP mỗi năm. Theo các chuyên gia, so với các quy định cũ, các quy định mới sẽ có ít hạn chế với một lộ trình dễ chấp nhận hơn và quan trọng là nó  mang lại lợi ích cho đầu tư. Các quy tắc ngân sách mới của EU sẽ được áp dụng bắt đầu từ ngày 1/1/2024.


Lượt xem: 1

Trả lời