Khủng hoảng năng lượng đe dọa sự hồi phục mong manh kinh tế toàn cầu

Cập nhật 10/10/2021, 07:10:32

Đợt khủng hoảng năng lượng toàn cầu diễn ra vào thời điểm đầy thách thức với các nước trong bối cảnh khôi phục kinh tế sau đại dịch.

Giá khí đốt tại châu Âu liên tục lập kỷ lục mới.

Giá năng lượng, giá khí đốt, giá điện đồng loạt tăng mạnh ở khắp các châu lục, từ châu Âu, châu Á tới Nam Mỹ. Mất điện diện rộng ở Trung Quốc, thiếu hụt xăng dầu, khí đốt tại châu Âu. Cụm từ “khủng hoảng năng lượng” đã bắt đầu được sử dụng ở nhiều nơi, với dự báo nhiều nguy cơ tiềm ẩn khác, đe dọa sự hồi phục còn mong manh của kinh tế toàn cầu. Thiếu hụt năng lượng trên quy mô rộng – kéo theo những nguy cơ, thách thức mới nào với kinh tế thế giới, đặc biệt phải để đến các nhà sản xuất châu Á, trong giai đoạn mở cửa, nối lại sản xuất và hồi phục kinh tế sau đại dịch.

Cùng với bài toán mở cửa trở lại, khôi phục sản xuất, nối lại các hoạt động kinh tế, sau một thời gian dài thực hiện nghiêm các biện pháp chống dịch COVID-19, hiện tại câu chuyện năng lượng, cụ thể là vấn đề thiếu hụt năng lượng ở phạm vi toàn cầu cũng đang là điều thu hút sự chú ý và quan tâm lớn. Do đây là vấn đề có thể tác động trực tiếp đến giai đoạn khôi phục kinh tế của các quốc gia.

Châu Âu thiếu nguồn cung dầu lửa và khí đốt, Trung Quốc thiếu than

Tại châu Âu, giá khí đốt tăng chóng mặt trong lúc mùa đông đang đến gần và các hoạt động kinh tế đã gần như nối lại bình thường. Tại Trung Quốc, thiếu điện gây đảo lộn cuộc sống của người dân, khiến các nhà máy phải cắt giảm hoạt động. Nguyên nhân của hai câu chuyện này có thể khác nhau, đó là châu Âu thiếu nguồn cung dầu lửa và khí đốt, còn Trung Quốc thiếu than. Nhưng có một điểm chung, là các nguồn cung năng lượng, như dầu lửa, khí đốt, than đá, đều đang tăng không kịp trở lại so với tốc độ phục hồi của nhu cầu. Các vấn đề này đang dẫn tới một hậu quả chung ở phạm vi toàn cầu là chi phí nhiên liệu tăng cao, tác động đến sản xuất, giá cả và nhiều mặt của đời sống.

Nước Anh đang trải qua một đợt khan hiếm nghiêm trọng xăng và dầu diesel. Nhiều công ty ở nước này gián đoạn hoạt động vì không có nhiên liệu, nhiều trạm xăng phải đóng cửa, các công ty bán lẻ xăng dầu suy sụp, giá năng lượng tăng chóng mặt, người tiêu dùng hoảng sợ. Tình trạng khan hiếm xăng dầu ở Anh xuất phát từ một số nguyên nhân đặc thù, bao gồm thiếu tài xế lái xe chở xăng dầu sau Brexit, nhưng câu chuyện tương tự cũng đang xảy ra ở nhiều nước châu Âu và châu Á.

Khủng hoảng năng lượng đe dọa sự hồi phục mong manh kinh tế toàn cầu - Ảnh 1.

Một nhà máy nhiệt điện than tại TP Thẩm Dương, tỉnh Liêu Ninh – Trung Quốc. Ảnh: Reuters

Tại Liên minh châu Âu, giá điện và giá khí đốt cũng tăng cao kỷ lục. Giá khí đốt giao tháng 11/2021 tại châu Âu đã tăng lên 117 euro/MWh, so với chỉ 15 euro cách đây 6 tháng. Giá khí đốt tăng cao do nhu cầu tăng mạnh khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch COVID-19. Nhu cầu tăng vào đúng thời điểm lượng dự trữ khí đốt của châu Âu thấp hơn bình thường khi bước vào mùa Đông – thời kỳ nhu cầu đạt mức đỉnh. Thêm vào đó, Nga, nhà cung cấp khí đốt tự nhiên lớn nhất châu lục, đã hạn chế nguồn cung sang châu Âu. Vì nước này cũng có vấn đề của riêng mình là lượng khí đốt tồn kho thấp hơn thường lệ, cũng đang phải cố gắng làm đầy dự trữ khí đốt trước khi mùa đông bắt đầu.

Bà Kadri Simson – Ủy viên châu Âu về năng lượng lo ngại: “Sự tăng giá này không thể bị xem nhẹ. Nhiều người dân sẽ bị ảnh hưởng, khả năng cạnh tranh bị suy yếu và tăng thêm áp lực lạm phát, nếu không được kiểm soát, nó có nguy cơ ảnh hưởng đến sự phục hồi của châu Âu”.

Tại Trung Quốc, nhiều thành phố lớn phải cắt điện liên miên, gây đảo lộn cuộc sống của người dân, khiến các nhà máy phải cắt giảm sản lượng. Trên sàn giao dịch, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ trong tuần qua đã tăng kỷ lục lên 78,93 USD/thùng, mức cao nhất trong 7 năm qua; giá dầu Brent Biển Bắc cũng lên đến 82,56 USD/thùng, cao nhất trong 3 năm.

Đợt thiếu hụt năng lượng này có thể dẫn tới nhiều hệ lụy khó lường đối với kinh tế thế giới. Giá khí đốt và xăng dầu tăng cao có thể kéo theo lạm phát. Thiếu điện khiến sản xuất đình trệ, đặt ra rủi ro mới đối với chuỗi cung ứng toàn cầu vốn dĩ đã có nhiều nút thắt do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.

Châu Á đang phải trả tiền nhiều nhất cho các loại nhiên liệu

Tại một trạm xăng dầu tại Ấn Độ, giá xăng đã tăng lên mức kỷ lục, hệ quả từ lạm phát và giá nhiên liệu quốc tế tăng cao. Tính riêng trong năm 2021, giá nhiên liệu tại Ấn Độ đã tăng 25%, giá điện được dự báo tăng mạnh do nguồn cung than thiếu hụt và giá than tăng chóng mặt.

Khủng hoảng năng lượng đe dọa sự hồi phục mong manh kinh tế toàn cầu - Ảnh 2.

Xe xếp hàng chờ bơm xăng tại thủ đô London – Anh hôm 27/9. Ảnh: Reuters

Còn tại Thành phố Thẩm Dương, Liêu Ninh, Trung Quốc, đường phố tối om do điện bị cắt giảm. Thiếu điện do thiếu nguồn cung than đá đã gây ra những xáo trộn trong đời sống người dân.

Anh Li Yufeng – Chủ nhà hàng cho biết: “Tôi đã phải mua 1 bộ biến tần để có thể sử dụng ắc quy từ xe đạp điện đun sôi nước và mua thêm đèn sạc. Mất điện chắc chắn có tác động rồi, nhưng tôi không nghĩ là tác động quá lớn”.

Theo nhiều chuyên gia, châu Á đang phải trả tiền nhiều nhất cho nhiều loại nhiên liệu trong khi tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên ngày càng đắt đỏ. Giá propan, nguồn cung khí hóa lỏng tại châu Á đã tăng lên mức cao nhất từ 2016, dầu nhiên liệu cũng tăng gấp đôi so với 1 năm trước.

Bà Serena Huang – Chuyên gia phân tích thị trường nhận định: “Nguyên nhân tăng giá một phần do nguồn cung khí hóa lỏng thắt chặt hơn. Các lô hàng từ Mỹ tới châu Á giảm hơn 30% trong tháng 9 so với 1 tháng trước đó và ở mức thấp nhất kể từ tháng 2”.

Thiếu hút năng lượng trên toàn cầu nói chung và châu Á nói riêng có thể thúc đẩy tiêu thụ dầu thô lớn vào cuối năm. Theo ước tính của Tập đoàn dầu khí Saudi Aramco, nhu cầu dầu sẽ tăng khoảng 500.000 thùng/ngày. Giá khí đốt tăng, giá dầu chạm đỉnh cũng thổi bùng lo ngại về lạm phát toàn cầu tăng mạnh, dẫn đến hệ lụy lớn tới kinh tế thế giới, nhất là nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng kinh tế tiếp theo.

Một hệ lụy tiềm ẩn khác là tác động tới chuỗi cung ứng toàn cầu do gián đoạn sản xuất tại các địa phương đầu tàu tại Trung Quốc bởi thiếu hụt điện năng. Do thiếu điện, hoạt động sản xuất tại Trung Quốc trong tháng 9 vừa qua lần đầu giảm kể từ đầu năm 2021, nhiều nhà máy tại Giang Tô, Chiết Giang phải đóng cửa.

Khủng hoảng năng lượng đe dọa sự hồi phục mong manh kinh tế toàn cầu - Ảnh 3.

Các công nhân tại địa điểm xây dựng Dòng chảy phương Bắc 2 ở thị trấn Kingisepp, vùng Leningrad, Nga ngày 5/6/2019. Ảnh: Reuters

Khủng hoảng năng lượng diễn ra vào thời điểm nhạy cảm khi các quốc gia đang triển khai các kế hoạch phục hồi sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh; đối mặt tình trạng lạm phát tăng cao; trong khi lại phải thúc đẩy chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang nhiên liệu bền vững để ứng phó biến đổi khí hậu. Tình trạng thiếu hụt năng lượng như lời cảnh báo về việc thế giới vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch và sẽ đối mặt nhiều thách thức khi giải bài toán ổn định năng lượng và phát triển bền vững.

Gian nan tìm lời giải bài toán năng lượng

Vấn đề thiếu năng lượng đặt ra trong bối cảnh đặc biệt, khi thế giới đang khôi phục lại nhiều hoạt động bình thường, từ sản xuất, dịch vụ, đời sống xã hội sau đại dịch. Lý do chính đằng sau sự thiếu hụt năng lượng ở Trung Quốc, Anh và EU cũng là nhu cầu năng lượng đã hồi phục sau khi xuống thấp trong giai đoạn đại dịch COVID-19, mà các nguồn cung còn hạn chế và hoạt động phân phối còn nhiều khó khăn. Các giải pháp cho đến lúc này vẫn mới đang ở giai đoạn đầu và còn nhiều khó khăn.

Trước tình hình thiếu điện diện rộng, Cục quản lý Năng lượng Nội Mông, tỉnh khai thác than đá lớn thứ hai Trung Quốc, yêu cầu 72 mỏ than trong tỉnh tăng sản lượng lên tổng cộng 98,4 triệu tấn, tương đương 30% tổng sản lượng than đá khai thác hàng tháng của nước này. Lệnh này được đưa ra ngày 7/10 và ngay lập tức có hiệu lực.

Lệnh tăng sản lượng khai thác than của giới chức Nội Mông được đưa ra vài ngày sau khi cơ quan kế hoạch kinh tế hàng đầu của Trung Quốc yêu cầu ba tỉnh khai thác than nhiều nhất là Nội Mông, Sơn Tây và Thiểm Tây cung cấp 145 triệu tấn than trong quý 4, nhằm ngăn gián đoạn sinh kế của dân chúng. Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng đẩy mạnh nhập khẩu than từ nước ngoài để giải quyết nhu cầu trong nước.

Bà Shirley Zhang – Chuyên gia phân tích của Wood Mackenzie cho biết: “Trung Quốc đã tăng mạnh hoạt động nhập khẩu than từ Kazakhstan trong vài năm qua, chủ yếu là than cốc. Họ cũng bắt đầu mua than nhiệt để sử dụng cho các nhà máy nhiệt điện trong năm nay. Điều này không có gì bất ngờ, nếu xét đến tình trạng thiếu hụt nguồn cung hiện nay”.

Khủng hoảng năng lượng đe dọa sự hồi phục mong manh kinh tế toàn cầu - Ảnh 4.

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong chuyến thăm Phòng thí nghiệm Năng lượng tái tạo quốc gia (NREL) ở TP Arvada – Mỹ hôm 14/9 Ảnh: Reuters

Tương tự như Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang phải đối mặt với hai thách thức chính: nhu cầu điện tăng cao khi hoạt động công nghiệp phục hồi hậu đại dịch COVID-19 và sản lượng than địa phương sụt giảm đáng kể.

Trước tình hình này, Ấn Độ đã yêu cầu Coal India – công ty than nhà nước tại Ấn Độ tăng nguồn cung để bù đắp tình trạng thâm hụt tại các nhà máy phát nhiệt điện trên khắp cả nước. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, việc này sẽ khá khó khăn do tình trạng mưa lớn trong tháng 9 đã làm ngập các mỏ than và gây cản trở hoạt động giao thông vận chuyển.

Trong khi đó tại châu Âu, sau chuỗi đà tăng liên tục của giá điện tại các nước châu Âu khiến tỷ lệ lạm phát tăng cao và nền kinh tế châu Âu có nguy cơ giảm đà phục hồi sau đại dịch, mới đây, Bộ trưởng Tài chính 27 nước thành viên Liên minh châu Âu đã có buổi nhóm họp nhằm tìm kiếm các giải pháp sớm đưa kinh tế châu lục quay trở lại đà phục hồi. Một đề xuất được đưa ra đó là khối này sẽ ký kết các hợp đồng chung mua khí đốt và lập kho dự trữ.

Ông Paschal Donohoe – Chủ tịch Eurogroup cho rằng: “Các biện pháp chung để kìm hãm đà tăng giá năng lượng châu Âu cần sự thống nhất của tất cả các thành viên EU và cần có thời gian để thực hiện điều này”.

Tuy nhiên, giới quan sát nhận định để đạt được sự đồng thuận về vấn đề này là rất khó, do sự khác biệt trên tình hình thực tế tại các nước châu Âu. Cùng với đó là mâu thuẫn giữa bức tranh năng lượng hiện tại của châu Âu với tham vọng về chống biến đổi khí hậu của khối này.

Vừa phải đương đầu với lạm phát cao trong bối cảnh khôi phục kinh tế sau dịch COVID-19, vừa phải quan tâm đến sự dịch chuyển khỏi các nhiên liệu hóa thạch, hướng đến bảo vệ môi trường. Việc giá khí đốt và giá dầu tăng cao, kèm với các thách thức đặt ra cho kinh tế thế giới và khu vực, tiếp tục là một sự nhắc nhở rằng chúng ta vẫn còn phụ thuộc nhiều vào nhiên liệu hóa thạch, và để tiến tới độc lập với nguồn nhiên liệu truyền thống này, sẽ còn rất nhiều việc phải làm.

Theo VTV


Lượt xem: 16

Trả lời