Israel ký thỏa thuận thương mại lịch sử với quốc gia vùng Vịnh UAE

Cập nhật 01/6/2022, 07:06:38

Ngày 31/5, Israel đã ký thỏa thuận thương mại tự do với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên của nước này với một quốc gia Arab.

Israel và UAE đã bình thường hóa quan hệ vào tháng 9/2020, được gọi là Hiệp định Abraham.

Thỏa thuận thương mại tự do Israel – UAE được ký kết nhằm giảm hoặc loại dỡ thuế quan và đặt mục tiêu nâng giá trị thương mại song phương hàng năm lên hơn 10 tỷ USD theo các mốc thời gian.

Hiệp ước được ký kết tại Dubai giữa Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Công nghiệp Israel Orna Barbivai và Bộ trưởng Bộ Kinh tế UAE Abdulla bin Touq Al Marri sau nhiều tháng đàm phán.

Thuế quan sẽ được dỡ bỏ đối với 96% hàng hóa, trong đó UAE dự đoán, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực sẽ thúc đẩy thương mại song phương lên hơn 10 tỷ USD/năm trong vòng 5 năm tới.

Bộ trưởng Bộ Thương mại UAE Thani Al Zeyoudi cho biết, thỏa thuận thương mại này đã viết nên “một chương mới trong lịch sử của Trung Đông.”

Ông viết trên Twitter: “Thỏa thuận của chúng tôi sẽ thúc đẩy tăng trưởng, tạo việc làm và dẫn đến một kỷ nguyên hòa bình, ổn định và thịnh vượng mới trong khu vực”.

Thỏa thuận đã được ký kết trong bối cảnh bạo lực giữa Israel và Palestine đang leo thang.

Israel ký thỏa thuận thương mại lịch sử với quốc gia vùng Vịnh UAE - Ảnh 1.

Cờ UAE và Israel, tháng 9/2020, khi hai nước ký kết hiệp định bình thường hóa quan hệ. (Ảnh: Reuters)

Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh UAE – Israel Dorian Barak xác nhận, thỏa thuận thương mại xác định thuế suất, nhập khẩu và sở hữu trí tuệ, điều này sẽ khuyến khích nhiều công ty Israel thành lập văn phòng tại UAE, đặc biệt là ở Dubai.

Hội đồng dự đoán sẽ có gần 1.000 công ty Israel làm việc tại hoặc thông qua UAE vào cuối năm nay để kinh doanh với khu vực Nam Á, Viễn Đông và Trung Đông.

Thương mại giữa Israel – UAE đạt 1,2 tỷ USD vào năm 2021, theo dữ liệu chính thức của Israel.

Trước khi ký kết, Bộ Kinh tế Israel cho biết, hiệp định này sẽ xóa bỏ thuế quan đối với thực phẩm, sản phẩm nông nghiệp, mỹ phẩm, thiết bị y tế và thuốc.

Đối với UAE giàu dầu mỏ, thỏa thuận với Israel là thỏa thuận thương mại tự do song phương thứ hai sau khi nước này ký một thỏa thuận tương tự với Ấn Độ vào tháng 2. Hiện UAE đang trong các cuộc đàm phán thương mại song phương với một số quốc gia khác, bao gồm Indonesia và Hàn Quốc.

Israel và UAE đã thiết lập quan hệ ngoại giao vào tháng 9/2020 trong một thỏa thuận do Mỹ làm trung gian.

Bahrain và Marocco cũng thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Israel trong cùng năm.

Theo VTV


Lượt xem: 1

Trả lời