Indonesia chưa nguôi nỗi đau 14 năm sau thảm họa sóng thần Ấn Độ Dương

Cập nhật 27/12/2018, 08:12:20

14 năm sau thảm họa kinh hoàng này, người dân Indonesia tiếp tục sống trong nỗi lo sợ của các đợt sóng thần mới có thể tấn công.

Ngày 26/12/2004, động đất 9,2 độ tại Ấn Độ Dương tạo ra sóng thần tràn vào 14 quốc gia và cướp sinh mạng của hơn 225.000 người, trong đó Indonesia là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất. 14 năm sau thảm họa kinh hoàng này, người dân Indonesia tiếp tục sống trong nỗi lo sợ của các đợt sóng thần mới có thể tấn công, trong bối cảnh nhiều người vẫn đang mòn mỏi ngóng chờ người thân vẫn mất tích sau trận sóng thần xảy ra tại eo biển Sunda cách đây 4 ngày.

indonesia chua nguoi noi dau 14 nam sau tham hoa song than an do duong hinh 1
Thành phố Banda, tỉnh Aceh, Indonesia sau khi bị sóng thần đánh. (Ảnh: Reuters).

Các đợt sóng cao kinh hoàng lên tới 30m của trận đại sóng thần năm 2004 đã tàn phá cộng đồng dân cư ven biển ở Indonesia, Sri Lanka, Ấn Độ, Thái Lan và các quốc gia lân cận khác. Indonesia là quốc gia chịu thiệt hại nặng nề nhất, với một nửa số người thiệt mạng là tại tỉnh Ache. Cho đến nay, thiên tai này vẫn là một trong những thảm họa thiên nhiên gây nhiều thương vong nhất trong lịch sử thế giới hiện đại. Hàng nghìn người dân Indonesia hôm 26/12 đã tham gia một buổi lễ cầu nguyện tại nơi chôn tập  thể các nạn nhân sóng thần trong tỉnh Ache.

14 năm sau, người dân quốc gia Đông Nam Á này vẫn đang tiếp tục phải hứng chịu hàng loạt các thảm họa thiên tai, mà mới nhất là trận sóng thần xảy ra hôm 22/12 cướp đi sinh mạng của ít nhất 430 người, với 1.500 người khác bị thương và gần 22.000 người phải đi sơ tán tại các ngôi làng ở bờ biển Sumatra và Java. Hơn 150 người vẫn đang mất tích. Hiện vẫn có nhiều lo ngại, đó là mực nước biển tăng và những rung lắc vẫn tiếp diễn tại sườn núi lửa Anak Krakatau có thể gây ra các đợt sóng thần mới.

Những ám ảnh của đợt sóng thần vừa qua khiến nhiều người dân đi sơ tán không dám trở về ngôi nhà của mình:

“Tôi sẽ ở đây vì tôi thực sự lo sợ. Tôi sẽ ở trung tâm sơ tán cho đến khi chính phủ tuyên bố tình hình đã  hoàn toàn an toàn cho chúng tôi”.

“Cháu đã ở đây từ chủ nhật. Cháu cảm thấy lo sợ khi trở về ngôi nhà của mình”.

Hội chữ thập đỏ Indonesia cho biết đang gửi hàng cứu trợ khẩn cấp đến khu vực bị ảnh hưởng với 400 nhân viên và người tình nguyện tham gia cứu hộ. Khó khăn cho hoạt động cứu trợ đó là các tỉnh ven biển trong khu vực đang phải đối mặt với mưa lớn và biển đang xuất hiện những đợt sóng lớn, ảnh hưởng đến hoạt động tìm kiếm, phân phát hàng cứu trợ. Cơ quan kiểm soát thảm họa thiên tai quốc gia đang triển khai trực thăng thả hàng cứu trợ đến các khu vực khó tiếp cận dọc bờ biển phía Tây Java và Nam Sumatra.

Lo ngại các đợt sóng thần mới có thể xảy ra, chính quyền địa phương kêu gọi người dân duy trì cảnh giác, tránh xa khu vực bờ biển ít nhất 500m tới 1km. Cơ quan này cũng sẽ cung cấp các ứng dụng di động để người dân có thể trực tiếp theo dõi các hoạt động của núi lửa Anak Krakatau cũng như tình hình khẩn cấp tại eo biển Sunda qua các thiết bị điện tử.

Dựa trên mức độ ảnh hưởng và thiệt hại thực tế của các khu vực chịu tác động nghiêm trọng nhất của sóng thần, Cơ quan kiểm soát thảm họa thiên tai quốc gia tuyên bố thiết lập thời gian ứng phó khẩn cấp ở tỉnh Banten là 14 ngày và ở Lampung là 7 ngày. Đây là 2 khu vực chịu tác động tồi tệ nhất của sóng thần./.

Theo VOV


Lượt xem: 23

Trả lời