Hai năm cầm quyền của Tổng thống Trump: Dấu ấn riêng và sự xáo trộn

Cập nhật 02/1/2019, 08:01:55

Có lẽ chưa Tổng thống nào của Mỹ để lại nhiều dấu ấn riêng nhưng cũng đầy sự xáo trộn như Donald Trump chỉ trong 2 năm cầm quyền.

Năm cầm quyền thứ 2 của Tổng thống Mỹ Donald Trump còn được đánh giá là “thảm kịch” hơn cả năm thứ nhất. Khi đã bắt đầu quen hơn với vai trò của một Tổng thống, Trump quyết đoán hơn, các quyết định về chính sách kinh tế và ngoại giao mang màu sắc cá nhân ông nhiều hơn.

Trong nội bộ chính quyền, ông bổ nhiệm những quan chức ít phản kháng mình, và “thẳng tay” loại bỏ những người “trái ý”. Một loạt quan chức cấp cao trong chính quyền Trump rời bỏ chính quyền. Quyết định bất ngờ Mỹ rút khỏi Syria đã khiến các đồng minh “ngớ người”. Chính phủ Mỹ đóng cửa, một số nhân vật thân cận trước đây của ông có khả năng phải ngồi tù khiến ông không tránh khỏi những sóng gió pháp lý bủa vây.

Trong suốt năm đầu tiên cầm quyền, các cố vấn kinh tế đã cố gắng kiềm chế Tổng thống Trump thực hiện các chính sách bảo hộ mà ông cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016. Tuy nhiên, năm 2018, ông đã tuyên bố kế hoạch áp thuế mới để ngăn nước Mỹ bị “xé toạc” bởi các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Hai năm cầm quyền của Tổng thống Trump có những thành công mang đậm dấu ấn riêng của Trump, nhưng vẫn đầy sự hỗn loạn.

Chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và 90 ngày “đình chiến”

Trong suốt năm đầu tiên cầm quyền, các cố vấn kinh tế đã cố gắng kiềm chế Tổng thống Trump thực hiện các chính sách bảo hộ mà ông cam kết trong chiến dịch vận động tranh cử năm 2016. Tuy nhiên, năm 2018, ông đã tuyên bố kế hoạch áp thuế mới để ngăn nước Mỹ bị “xé toạc” bởi các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc.

Cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 1/12/2018 tại Buenos Aires, Argentina. Ảnh: Toronto Star

Tháng 3, ông Trump tuyên bố áp thuế 25% với các sản phẩm thép và 10% với nhôm nhập khẩu từ nước ngoài. Quyết định được đưa ra trên cơ sở an ninh quốc gia, điều cho phép Trump không cần sự phê duyệt của Quốc hội. Chỉ có Australia và Argentina là 2 nước được miễn trừ dài hạn đối với chính sách thuế quan mới. Chính sách này đã dấy lên sự đáp trả thuế quan từ Canada, EU và Trung Quốc đối với hàng hóa Mỹ như đậu nành, thịt lợn, whiskey và xe motor.

Thuế nhập khẩu thép và nhôm mới chỉ là sự bắt đầu cho một cuộc chiến thương mại, nhằm chủ yếu vào Trung Quốc. Tháng 7, ông Trump tuyên bố áp thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc; tháng 8, ông tiếp tục tuyên bố áp thuế đối với 16 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc nữa. Đến tháng 9, ông tuyên bố sẽ áp 10% thuế với 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào năm tới và dọa sẽ gấp đôi con số này nếu Bắc Kinh “dám” đáp trả.

Trung Quốc xuất khẩu sang Mỹ nhiều hơn là nhập khẩu từ xứ cờ hoa và về cơ bản là “không đủ vốn” để đáp trả “từng xu”. Đó có lẽ là một trong những lý do Bắc Kinh muốn tìm cách hạ nhiệt những căng thẳng thương mại gây nhiều tổn hại.

Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G20 đầu tháng 12 tại Buenos Aires, Argentina, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đồng ý đình chiến thương mại 90 ngày, để 2 bên tiếp tục thảo luận về thỏa thuận thương mại toàn diện trước tháng 3/2019.

Tổng thống Trump dường như rất muốn tuyên bố chiến thắng và phóng đại danh tiếng của mình như một nhà đàm phán đã làm nên thỏa thuận.

Những thành tựu kinh tế và sự bất ổn những ngày cuối năm

Tháng 7/2018, Tổng thống Trump nói rằng: “Chúng ta đã đạt được bước ngoặt kinh tế với những tỷ lệ lịch sử”. Tuyên bố có thể là hơi ngoa, nhưng không thể phủ nhận nền kinh tế Mỹ có chuyển biến tốt. Tỷ lệ thất nghiệp hiện nay ở mức 3,7%, thấp kỷ lục trong 49 năm qua (kể từ năm 1969).

Tính đến tháng 11/2018, tỷ lệ thất nghiệp 3,7% là thấp nhất ở Mỹ kể từ năm 1969. Ảnh: Industrial Distribution

Trong quý 3, tăng trưởng kinh tế Mỹ ở mức 3,5% sau con số ấn tượng 4,2% trong quý 2. Những con số này cho thấy nền kinh tế Mỹ đang hướng đến mục tiêu tăng trưởng 3%/năm như những gì ông Trump đã cam kết khi tranh cử. Lương tăng 2,9% từ tháng 9/2017 tới tháng 9/2018, mặc dù đối với nhiều người lao động, thì mức tăng này vẫn chưa đủ bù lại so với sự gia tăng của giá cả.

Báo cáo hồi tháng 10 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới cho thấy Mỹ lần đầu trở lại vị trí nền kinh tế cạnh tranh nhất toàn cầu trong 10 năm qua, khẳng định thêm thành tựu của Mỹ kể từ khi ông Trump lên nắm quyền.

Tuy nhiên, khi năm 2018 sắp kết thúc, tình hình kinh tế Mỹ lại ít “màu hồng” hơn so với vài tháng trước. Thị trường chứng khoán Mỹ ban đầu tăng sau chiến thắng của ông Trump cuối năm 2016, chứng minh những lo ngại ông có thể hủy hoại nền kinh tế Mỹ khi lên nắm quyền là sai. Nhưng sự bất ổn kinh tế có một phần nguyên nhân từ cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung khiến các chỉ số Dow Jones và S&P 500 xuống mức thấp kỷ lục trong tháng 12 kể từ thời kỳ Đại Suy thoái.

Và dù việc làm trong lĩnh vực sản xuất bùng nổ dưới thời Tổng thống Trump thì vẫn có những thông tin ảm đạm khi cuối tháng 11, hãng sản xuất ô tô biểu tượng General Motors đã tuyên bố cắt giảm 15.000 việc làm. Rất nhiều trong số đó là ở Trung Tây nước Mỹ – khu vực chính giúp mang lại chiến thắng của ông Trump trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016.

Những dấu ấn ngoại giao và cuộc gặp Thượng đỉnh lịch sử

Tháng 5/2018, ông Trump thực hiện một trong những cam kết tranh cử của mình là rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran mà người tiền nhiệm Barack Obama đã đạt được năm 2015. Quyết định này vấp phải sự phản đối của các cố vấn cấp cao nhất và lãnh đạo một số đồng minh của Mỹ như Thủ tướng Đức Angela Merkel hay Tổng thống Pháp Emmanuel Macron.

Tháng 5/1208, Tổng thống Donald Trump tuyên bố Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran. Ảnh: Vox

Dù những người ủng hộ thỏa thuận này lên tiếng bảo vệ rằng, đó là một thỏa thuận thực tế, có thể làm giảm nguy cơ Iran đạt được vũ khí hạt nhân, nhưng ông Trump lại tuyên bố thỏa thuận này là một phía và tồi tệ nhất trong lịch sử.

Cũng trong tháng 5/2018, Mỹ quyết định chuyển Đại sứ quán tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem sau khi công nhận thành phố thánh địa này là thủ đô của Israel.

Từ những năm 1990, các ứng viên Tổng thống Mỹ của cả 2 đảng Dân Chủ và Cộng hòa đều cam kết sẽ chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel về Jerusalem, nhưng sau khi lên nắm quyền thì hầu hết lại “lẳng lặng phớt lờ” cam kết này. Quyết định của Tổng thống Trump được một số nước “theo gót”.

Tuy nhiên, các nhà phê bình cho rằng, quyết định chuyển Đại sứ quán không khác gì trao cho chính quyền của Thủ tướng Israel Netanyahu một chiến thắng biểu tượng mà không dành lại một chút lợi ích nào cho người Palestine.

Nếu như năm 2017, nước Mỹ dường như đứng bên bờ vực chiến tranh với Triều Tiên khi Tổng thống Trump cảnh báo Nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ gặp phải “lửa và giận giữ” nếu còn tiếp tục đe dọa Mỹ. Lãnh đạo hai bên cũng không ngừng khẩu chiến với nhau, đặc biệt là cuối năm 2017.

Thế nhưng mọi sự gây hấn, chẳng ai ngờ đến, lại mở đường cho một dấu ấn ngoại giao trong năm 2018 khi ông Trump đồng ý gặp ông Kim vào tháng 6/2018 tại Singapore – cuộc gặp chưa từng diễn ra trong lịch sử giữa lãnh đạo đương nhiệm của Mỹ và Triều Tiên. Cả 2 nhà lãnh đạo đều đánh giá cao cuộc gặp thượng đỉnh này là bước đột phá lớn dù các chuyên gia vẫn hoài nghi về những gì thực sự đạt được.

 6 tháng trước cuộc gặp Thượng đỉnh và cả 6 tháng sau đó, Triều Tiên không hề có 1 vụ thử tên lửa hay hạt nhân nào, căng thẳng cũng ở mức rất thấp, nhưng một Triều Tiên “phi hạt nhân hóa hoàn toàn” như Mỹ mong muốn thì vẫn còn xa vời.

Các cuộc điều tra và những sóng gió pháp lý bủa vây

Năm 2018 bắt đầu với 2 câu hỏi lớn về ông Trump. Liệu có sự “cấu kết” nào giữa chiến dịch tranh cử của ông với phía Nga trong năm 2016 hay không. Liệu ông Trump có tìm cách cản trở các cuộc điều tra của FBI về sự can thiệp của Nga hay không? Đến cuối năm 2018, những câu hỏi này vẫn còn bỏ ngỏ khi cuộc điều tra của Công tố viên đặc biệt Robert Mueller vẫn chưa đi đến hồi kết. Trong khi đó, ông Trump gọi cuộc điều tra này là “cuộc săn phù thủy”.

Những “lùm xùm” pháp lý đồng loạt tấn công Trump những ngày cuối năm. Bên cạnh các cuộc điều tra về sự liên quan tới Nga, ông Trump còn vướng phải những rắc rối khác như các khoản tiền “bịt miệng” với những phụ nữ có quan hệ tình cảm với ông, hay những vấn đề pháp lý mà ông có thể bị “dính líu” từ những nhân vật thân cận trước đây.

Tổng thống Trunp đang phải đối mặt với không ít sóng gió pháp lý.

Ngày 21/8, cựu Chủ tịch chiến dịch tranh cử của Tổng thống Trump Paul Manafort đã bị toà án Virginia kết 8 tội danh liên quan đến gian lận thuế, gian lận ngân hàng và không báo cáo một tài khoản ngân hàng nước ngoài. Ông Manafort cũng trở thành một nhân chứng hợp tác với văn phòng công tố viên đặc biệt Robert Mueller trong quá trình điều tra về việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016.

Cựu luật sư riêng của ông Trump, Michael Cohen bị tuyên án 3 năm tù giam vì nhiều tội bao gồm vi phạm các quy định tài chính trong chiến dịch tranh cử, trốn thuế và nói dối Quốc hội. Ông Cohen cũng ngậm ngùi thừa nhận rằng điểm yếu của ông chính là “lòng trung thành mù quáng với Donald Trump”.

Cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn cũng đã nhận tội nói dối FBI về mối liên hệ với giới chức Nga trong quá trình chuyển giao quyền lực sau khi ông Trump đắc cử. Ngày 18/12, Thẩm phán liên bang Emmet Sullivan kết luận ông Michael Flynn, đã có hành vi mang tính “phản quốc” vì đã bí mật liên lạc với nhiều quan chức chính phủ Nga khi còn làm việc tại Nhà Trắng vào đầu năm 2017.

Sa thải và thay thế – Sự xáo trộn trong chính quyền

Năm đầu tiên của Trump ở Nhà Trắng đã chứng kiện sự ra đi của các quan chức cấp cao nhiều hơn bất cứ chính quyền nào khác trong ít nhất 40 năm qua. Các quan chức cấp cao thậm chí tại vị không đầy năm như: Chiến lược gia Steve Bannon, Chánh văn phòng Nhà Trắng Reince Priebus, Thư ký báo chí Sean Spicer và Cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn.

Những quan chức rời khỏi chính quyền Tổng thống Trump tính đến tháng 7/2018. Ảnh: Vox

Danh sách ra đi lại tiếp tục được nối dài trong năm 2018. Đáng chú ý đầu tiên phải kể đến vụ sa thải Ngoại trưởng Rex Tillerson hồi tháng 3. Ông Tillerson “nổi tiếng” vì đã gọi ông Trump là “trẻ con” và cũng là người phản đối chính sách ngoại giao của ông Trump như việc chuyển Đại sứ quán Mỹ tại Israel từ Tel Aviv về Jerusalem hay rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran.

Tiếp theo Ngoại trưởng Tillerson, Cố vấn an ninh quốc gia H.R McMaster cũng phải “ra đi” vì “không hòa hợp” với Trump. Ông bị thay thế bởi John Bolton – nhân vật “diều hâu” có nhiều quan điểm tương đồng với Tổng thống Trump hơn.

Cố vấn kinh tế Gary Cohn, người đã cố ngăn ông Trump “chơi” đòn thuế quan với Trung Quốc bị sa thải hồi tháng 3. Và một ngày sau cuộc bầu cử giữa kỳ, Bộ trưởng Tư Pháp Jeff Sessions cũng phải từ chức “theo yêu cầu” của Tổng thống.

Danh sách các quan chức rời khỏi chính quyền Trump cứ thế dài thêm khi những ngày cuối năm 2018, có thêm Chánh văn phòng Nhà Trắng John Kelly và một nhân vật quan trọng hơn cả, một nhân vật được coi là nhân tố ổn định trong chính quyền nhiều hỗn loạn của Tổng thống Trump: Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis. Ông Mattis tuyên bố “dứt áo ra đi” do bất đồng với quyết định bất ngờ của Tổng thống Trump về việc Mỹ rút khỏi Syria.

Khó ai có thể dự đoán một cách chính xác năm 2019, và xa hơn là nửa nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Trump sẽ như thế nào. Với một vị Tổng thống “thất thường” và “khó đoán”, đây sẽ là câu hỏi bỏ ngỏ. Một nửa nhiệm kỳ dù có sự xáo trộn nhưng vẫn mang màu sắc riêng, người ta có thể sẽ chờ đợi những điều thú vị và bất ngờ hoặc sẽ phải thận trọng về những toan tính “không giống ai” trong một nửa nhiệm kỳ còn lại của Tổng thống Trump./.

Theo VOV


Lượt xem: 25

Trả lời