EU và Anh gian nan trong vấn đề Brexit ​

Cập nhật 18/9/2016, 23:09:59

Bốn nước Trung Âu tuyên bố rằng sẽ phủ quyết các thỏa thuận sau Brexit có thể gây ảnh hưởng quyền tự do sinh sống và làm việc tại Anh của các nước này.

Ngày 17/9, Thủ tướng Slovakia Robert Fico cho biết, 4 nước Trung Âu gồm Slovakia, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc sẽ phủ quyết bất cử thỏa thuận nào hậu Brexit (Anh rời khỏi Liên minh châu Âu) giữa Liên minh châu Âu (EU) và Anh có thể gây ảnh hưởng đến quyền tự do sinh sống và làm việc tại Anh của công dân các nước này.

eu va anh gian nan trong van de brexit hinh 0
Đàm phán về Brexit giữa Liên minh châu Âu và Anh sẽ còn gặp nhiều gian nan. (ảnh: PA).

Lời cảnh báo của nhóm Visegrad hay còn gọi là V4 đang cho thấy, cuộc đàm phán về vấn đề Brexit giữa Liên minh châu Âu và Anh sẽ còn gặp nhiều gian nan.

Phát biểu tại cuộc họp báo, Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói rằng, những tuyên bố của 4 nước trung Âu gồm Slovakia, Hungary, Ba Lan và Cộng hòa Séc thực sự là một thách thức lớn cho nước Anh khi bước vào đàm phán với Liên minh châu Âu.

Theo ông Robert Fico thì nước Anh cần phải biết rằng, đây là một vấn đề mà các nước thuộc Liên minh châu Âu sẽ không bao giờ chấp nhận nhân nhượng hay thỏa hiệp.

Trước đó, hôm 16/9, nhà lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (trừ Anh) đã có cuộc họp không chính thức tại Bratislava của Slovakia.

Tại cuộc họp này, ngoài việc thảo luận vấn nạn dân di cư Trung Đông, an ninh và phát triển kinh tế nội khối, hoạch định tương lai của châu Âu trong bối cảnh Anh chuẩn bị ra khỏi Liên minh châu Âu, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu cũng đã thảo luận vấn đề Brexit.

Theo đó, các nhà lãnh đạo EU đã thảo luận mục tiêu đưa ra một “lộ trình“ hợp lý để Liên minh châu Âu  đàm phán với Anh về “hợp đồng ly hôn” mà trong đó quyền lợi các bên liên quan đều được bảo đảm tốt nhất; ngăn chặn làn sóng “EXIT” có thể nổi lên ở những nước EU khác, lấy lại lòng tin của thế giới đối với EU và cuối cùng là xây dựng một EU 27 ổn định về chính trị và phồn vinh về kinh tế.

Các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu nhất trí rằng, người Anh đã quyết định rời Liên minh châu Âu thì họ phải sớm ra đi. Không có chuyện đàm phán để kéo dài hay xem EU có thể dành ưu đãi gì thêm cho Anh hay không và không có chuyện Anh có thể ở lại EU hoặc làm thành viên nửa vời trong EU.

Trong khi đó, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk sau cuộc họp thượng đỉnh không chính thức của khối tại thủ đô Bratislava của Slovakia cũng nhấn mạnh rằng, Liên minh châu Âu không thể nương nhẹ trong quá trình đàm phán với Anh và quyền tự do của EU phải được tôn trọng.

“Một điều hoàn toàn rõ ràng rằng, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu đều thống nhất rằng, trong quá trình đàm phán việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu thì lợi ích của khối phải được đặt lên hàng đầu. Điều đó có nghĩa là Anh mới là nước xin rời khỏi khối chứ không phải 27 nước thành viên phải ra đi khỏi khối”, ông Donald Tusk cho biết.

Ông Tusk cũng nói rằng, sau cuộc gặp với Thủ tướng Anh Theresa May hồi tuần trước, ông tin rằng Anh sẽ khởi động tiến trình rời khỏi Liên minh châu Âu vào tháng 1 hoặc tháng 2/2017.

Tuy nhiên hôm 17/9, Văn phòng Thủ tướng Anh cho biết, tại cuộc gặp, bà May không đề cập thời điểm cụ thể và đó chỉ là cách hiểu của ông Tusk. Theo đó, bất chấp sức ép từ EU để kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon – quy định việc một thành viên – hiện tại là Anh rời khỏi khối, Thủ tướng Anh Theresa May đã nói rằng bà không vội vàng để làm như vậy và có thể chờ cho đến đầu năm 2017.

Hiện Anh chưa tiết lộ hiệp định thương mại mà nước này muốn ký với Liên minh châu Âu hậu Brexit sẽ gồm những gì, nhưng quan điểm ưu tiên hàng đầu của Anh là kiểm soát dòng người nhập cư từ Liên minh châu Âu vào Anh, và tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi cho cả hai bên.

Trong khi đó, điều kiện tiên quyết của Liên minh châu Âu là Anh chỉ có quyền vào thị trường chung EU nếu như Anh chấp nhận quyền tự do đi lại, làm việc của công dân EU tại Anh./.

VOV.


Lượt xem: 35

Trả lời