EU lộ “gót chân Asin” trước chiến lược ngoại giao Covid-19 với Trung Quốc

Cập nhật 21/5/2020, 07:05:55

uộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra vào thời điểm các cuộc tranh luận về sự cần thiết phải áp dụng chiến lược rõ ràng hơn với Trung Quốc đang nổi lên trên khắp châu Âu và đã trở thành chất xúc tác cho một số xu hướng đang định hình quan hệ châu Âu-Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát cho rằng, Covid-19 có thể đẩy EU và Trung Quốc ra xa nhau hơn khi xoáy sâu vào những rạn nứt tồn tại bên trong khối này về cách tiếp cận với Bắc Kinh, trái lại một số ý kiến nhận định nó sẽ giúp 2 bên hợp tác bền chặt hơn.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 diễn ra vào thời điểm các cuộc tranh luận về sự cần thiết phải áp dụng chiến lược rõ ràng hơn với Trung Quốc đang nổi lên trên khắp châu Âu và đã trở thành chất xúc tác cho một số xu hướng đang định hình quan hệ châu Âu-Trung Quốc. Nhiều nhà quan sát cho rằng, Covid-19 có thể đẩy EU và Trung Quốc ra xa nhau hơn khi xoáy sâu vào những rạn nứt tồn tại bên trong khối này về cách tiếp cận với Bắc Kinh, trái lại một số ý kiến nhận định nó sẽ giúp 2 bên hợp tác bền chặt hơn.

Quan hệ giữa EU và Trung Quốc vốn có nhiều biến động trước cuộc khủng hoảng, giờ đây lại càng trở nên phức tạp hơn khi lợi ích của Trung Quốc tại khu vực gia tăng đáng kể và hoài bão của Bắc Kinh mong muốn mở rộng vị thế trên toàn cầu ngày càng mạnh mẽ hơn.

Ngay sau khi kiểm soát được dịch bệnh vào tháng 3 vừa qua, Trung Quốc đã thực hiện chiến lược “ngoại giao khẩu trang” để làm thay đổi hình ảnh của nước này trong con mắt thế giới, qua việc cung cấp khẩu trang, đồ bảo hộ và bộ kit xét nghiệm Covid-19 cho nhiều nước EU, như một động thái thể hiện sự “hào phóng và tinh thần đoàn kết” với các quốc gia đang phải vật lộn trong cuộc chiến chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng tổ chức một số lượng lớn hội thảo trực tuyến với các chính phủ và chuyên gia y tế trên khắp châu Âu để chia sẻ thông tin về kinh nghiệm chống Covid-19, đặc biệt là trong lĩnh vực y tế và khoa học.

Những tuyên bố về thiện chí của Trung Quốc cùng các hoạt động hỗ trợ được đưa rầm rộ trên phương tiện truyền thông.

“Không có điều gì sai trái trong việc Trung Quốc giúp đỡ châu Âu và các nước khác, đặc biệt khi Bắc Kinh đã giành được kết quả ban đầu trong cuộc chiến chống Covid-19. Nhưng cũng có khả năng Trung Quốc đang biến sự giúp đỡ của nước này thành một công cụ tuyên truyền”, ông Noah Barkin, chuyên gia tại Quỹ Marshall của Đức nhận định.

Có thể nói, Trung Quốc gần như đạt được mục đích khi các nhà cung cấp thiết bị y tế của nước này được hưởng đặc quyền tại châu Âu, vốn là hệ quả của sự tiếp xúc chính trị cấp cao hay quan hệ đối tác chiến lược giữa Trung Quốc với một số nước trong khu vực.

Trước chiến lược “ngoại giao khẩu trang” của Trung Quốc, một số nhà quan sát đã nhìn thấy rõ sự thiếu hành động và thiếu thống nhất trong Liên minh châu Âu. Nhiều quốc gia như Italy hay Tây Ban Nha đã hoan nghênh sự giúp đỡ của Bắc Kinh, trong khi Đức và Pháp tiếp nhận với thái độ dè dặt, có phần “cẩn trọng”.

Sự đánh giá tích cực đối với Trung Quốc kéo dài không lâu khi nhiều nhà chính trị tại EU cảnh báo về động cơ thực sự của Bắc Kinh sau những chuyến hàng viện trợ, đi kèm với đó là những lời than phiền về trang thiết bị y tế của Trung Quốc.

Hồi đầu tháng 5, tờ Bill dẫn thông tin từ Bộ Y tế Đức cho biết, khoảng trong số 100 triệu khẩu trang mua từ Trung Quốc được đưa đến các bệnh viện và phòng khám kể từ khi dịch bệnh hoành hành, có 20% không đạt tiêu chuẩn.

Ông Josep Borrell – đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) đã cáo buộc Bắc Kinh cố gắng “chia rẽ để cai trị châu Âu” trong một bài bình luận vào tuần trước. Ông Borrell nhấn mạnh, giống như việc tuân thủ các quy tắc giãn cách xã hội để ngăn chặn mầm bệnh, 27 nước thành viên EU nên duy trì “nguyên tắc tập thể cần thiết” khi Trung Quốc tìm cách khai thác khác biệt quan điểm giữa các nước trong nhiều vấn đề từ thương mại đến Covid-19 để trục lợi.

Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi một số nhà lãnh đạo EU hợp tác trong cuộc chiến chống Covid-19. Ảnh: Tân Hoa Xã.

Tân Hoa xã đưa tin, Chủ tịch Tập Cận Bình đã thảo luận với một số nhà lãnh đạo châu Âu trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron về việc thực hiện nỗ lực chung nhằm ngăn chặn Covid-19, song ông lại không thảo luận vấn đề với toàn bộ EU. Hành động này của Trung Quốc khiến một số nhân vật có quan điểm cứng rắn trong EU nghĩ rằng Bắc Kinh đang chia rẽ khối này khi tương tác với từng quốc gia thành viên trên khắp châu lục.

Trong khi đó, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây dịch Covid-19 bùng phát đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc vào cuối năm 2019. Bà Ursula von der Leyen cho rằng thế giới cần phải học hỏi sau những gì đã xảy ra để từ đó thiết lập hệ thống cảnh báo sớm. Trung Quốc nhiều lần phản đối việc tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc dịch bệnh, cáo buộc đây là “trò đổ lỗi” nhắm vào họ, dù nhiều lần lặp lại cam kết ủng hộ WHO.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra quốc tế về nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 ngày 1/5. Ảnh: Getty.

Lo ngại về nguy cơ Trung Quốc thâu tóm các doanh nghiệp yếu trong EU, ông Manfred Weber, lãnh đạo liên minh chính trị Đảng Nhân dân châu Âu (EPP) trong Nghị viện châu Âu, đã đề xuất lệnh cấm kéo dài 1 năm đối với nhà đầu tư Trung Quốc muốn mua lại công ty châu Âu khi giá trị và cổ phiếu của họ giảm do dịch Covid-19. Chính phủ Đức tháng 4 vừa qua cũng thắt chặt quy định bảo vệ các doanh nghiệp trong nước tránh khỏi sự tiếp quản không mong muốn từ những quốc gia không phải thành viên EU.

Cuộc khủng hoảng Covid-19 trên toàn cầu đã làm tăng thêm sự phức tạp và thiếu chắc chắn trong quan hệ giữa Trung Quốc và EU. Dù còn tồn tại những mâu thuẫn và hoài nghi nhưng hai bên vẫn có tiềm năng thúc đẩy hợp tác, các chuyên gia của cả 2 phía nhận định.

Với chính phủ các nước châu Âu, giải pháp trước mắt cho cuộc khủng hoảng Covid-19 là phải thiết lập một cơ chế hành động đa phương, trong đó Trung Quốc vẫn là đối tác quan trọng và mức độ hợp tác cần phải được đẩy lên một tầm cao mới bất chấp những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong các tổ chức quốc tế.

Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại của EU Josep Borrell trong 1 cuộc gặp tháng 12/2019. Ảnh: SCMP.

Hơn nữa, EU cũng cần Bắc Kinh để làm đòn bẩy trong quan hệ với Mỹ. Nhiều nước châu Âu đã chỉ trích quyết định và lập trường của Tổng thống Trump, đặc biệt trong cách xử lý dịch bệnh Covid-19. Căng thẳng giữa Mỹ và EU leo thang sau khi Tổng thống Trump quyết định cấm công dân EU nhập cảnh vào nước này hồi tháng 3 vừa qua, do lo ngại ảnh hưởng của Covid-19. Ngoài ra, hai bên cũng bất đồng về mọt loạt vấn đề thương mại như trợ cấp máy bay, thuế ô tô…

Giáo sư Zhao Huaipu, thuộc Đại học Ngoại giao Trung Quốc cho biết, để bảo vệ lợi ích của mình, châu Âu sẽ hạn chế khả năng “tiếp bước” Mỹ trên các mặt trận trong tương lai và có thể đưa ra lập trường mềm mỏng hơn với Bắc Kinh. Cùng chung quan điểm này, nhà phân tích Yan Shaohua đánh giá: “EU sẽ có cách tiếp cận hợp lý hơn với Trung Quốc sau đại dịch: Một mặt xem Trung Quốc như một đối thủ cạnh tranh, mặt khác các quốc gia lớn trong khối như Đức sẽ không bao giờ để mất sự hợp tác về những lĩnh vực cơ bản như thương mại và đầu tư, vốn bao trùm lợi ích chung của họ”.

Cờ của Trung Quốc và EU bên trong Đại lễ đường Nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Asia Times dẫn lời Yan Shaohua – nhà nghiên cứu tại Đại học Quảng Đông nhận định, Covid-10 có thể khiến các cuộc đàm phán thương mại giữa EU và Trung Quốc bị trì hoãn. Tuy nhiên, không giống như thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung, dịch bệnh sẽ không ảnh hưởng tiêu cực đến các cuộc đàm phán này. Trung Quốc và EU đã tiến hành đàm phán về một hiệp định đầu tư toàn diện vào năm 2013 và đã tổ chức nhiều vòng đàm phán trong những năm qua. Các điểm tranh luận chính bao gồm tiếp cận thị trường đối ứng và sân chơi bình đẳng.

Tờ Thời báo Hoàn cầu cho biết, dịch bệnh Covid-19 đã khiến thế giới đối mặt nguy cơ suy thoái kinh tế chưa từng có, gây ảnh hưởng đến nền kinh tế của cả Trung Quốc và châu Âu. Để phục hồi kinh tế, hai bên chắc chắc sẽ cần phải hợp tác với nhau. Theo tờ báo này, bất chấp mâu thuẫn, việc tìm kiếm hợp tác thay vì cạnh tranh sẽ là nguyên tắc trong quan hệ giữa Trung Quốc và EU thời kỳ hậu Covid-19./.

Theo VOV


Lượt xem: 30

Trả lời