Dịch COVID-19 ngày 21/3: Số người chết tăng vọt ở châu Âu, 1/5 dân số Mỹ được yêu cầu ở nhà

Cập nhật 22/3/2020, 06:03:51

Tính đến 6h ngày 21/3, dịch COVID-19 đã xuất hiện ở 185 quốc gia và vùng lãnh thổ với gần 11.400 người chết và hơn 274.000 ca mắc.

Châu Âu tiếp tục căng thẳng vì dịch bệnh COVID-19

Italy hiện là quốc gia có số ca tử vong cao nhất thế giới. Trong 24 giờ qua, Italy ghi nhận thêm 627 ca tử vong, mức tăng cao nhất trong ngày kể từ khi quốc gia này xuất hiện dịch COVID-19. Số ca nhiễm mới tại đây cũng tăng vọt gần 6.000 người, nâng tổng số ca mắc là 47.021 trường hợp. Tổng số ca tử vong là 4.032, cao nhất thế giới.

Hiện tại, Thống đốc vùng Lombardy (nơi là ổ dịch lớn nhất tại Italy) Attilio Fontana đã đồng ý huy động quân đội hỗ trợ lệnh phong tỏa. Daniela Confalnieri, một y tá tại Milan, cho biết: “Chúng tôi không thể kiểm soát được tình hình ở Lombardy, tỷ lệ lây nhiễm rất cao, chúng tôi thậm chí không đếm được người chết nữa“. Trong lúc này, nguồn lực y tế của Italy đang bị thiếu thốn nghiêm trọng, có tới 2.600 nhân viên y tế nước này đã lây nhiễm bệnh và 13 y, bác sỹ đã tử vong vì COVID-19.

Dịch COVID-19 ngày 21/3: Số người chết tăng vọt ở châu Âu, 1/5 dân số Mỹ được yêu cầu ở nhà - Ảnh 1.

Cảnh sát kiểm tra xe tải tại Fondi, gần Rome, Italy.

Tại Tây Ban Nha, vào cuối ngày 20/3, giới chức y tế thông báo đã ghi nhận thêm 235 ca tử vong trong 24 giờ qua, nâng tổng số người thiệt mạng vì COVID-19 lên 1.002, cao thứ 4 trên thế giới sau Trung Quốc, Italy và Iran. Đây cũng là mức tăng cao nhất trong một ngày tại Tây Ban Nha kể từ khi dịch bệnh bùng phát.

Trong khi đó, số người nhiễm COVID-19 tại Tây Ban Nha đã lên tới gần 20.000 ca với hơn 30% tại khu vực thủ đô Madrid. Nhà chức trách y tế Tây Ban Nha cảnh báo, tình hình dịch bệnh tại nước này vẫn chưa lên tới đỉnh điểm. Các nhân viên y tế tại tuyến đầu mô tả hệ thống y tế đang hoạt động hết công suất trong bối cảnh thiếu thốn trầm trọng thiết bị bảo hộ như khẩu trang và găng tay.

Dịch COVID-19 ngày 21/3: Số người chết tăng vọt ở châu Âu, 1/5 dân số Mỹ được yêu cầu ở nhà - Ảnh 2.

Một thành viên của Đơn vị Khẩn cấp quân sự khử trùng tàu điện ngầm tại Madrid, Tây Ban Nha.

Số ca nhiễm bệnh tại Đức hiện đứng thứ ba châu Âu với 19.848 trường hợp và 68 bệnh nhân đã tử vong. Pháp cũng công bố thêm 78 ca tử vong, nâng tổng số người tử vong vì dịch bệnh tại quốc gia này lên 450 trường hợp và 12.612 người nhiễm bệnh, tăng 1.617 trường hợp chỉ trong một ngày. Ngày 20/3, Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly cho biết, nước này sẽ triển khai tàu sân bay chở trực thăng để đưa những bệnh nhân COVID-19 từ đảo Corsica tới các bệnh viện ở miền Đông Nam nước này.

Dịch COVID-19 ngày 21/3: Số người chết tăng vọt ở châu Âu, 1/5 dân số Mỹ được yêu cầu ở nhà - Ảnh 3.

Cảnh sát cưỡi ngựa tuần tra trên một con phố yên tĩnh ở London, Anh.

Trong khi đó, tại Anh đang xuất hiện lo ngại nước này trở thành một “Italy thứ hai” về số ca tử vong do COVID-19 trong những ngày tới. Chỉ trong vòng một ngày, vùng England ghi nhận thêm 39 ca tử vong, mức tăng lớn nhất trong một ngày, nâng tổng ca tử vong lên 177 người. Như vậy, Anh đang chứng kiến tỷ lệ tử vong có mức tăng tới 50 %/ngày, trong khi mức tăng số ca tử vong tại Italy đã giảm xuống dưới 20%. Ngoài ra, trong tuần này, số ca nhiễm COVID-19 tại Anh tăng 480%, tại Pháp là 300% và tại Đức là 550%.

Trước diễn biến phức tạp của COVID-19, Chính phủ Anh đã tung ra gói giải cứu không giới hạn “chưa từng có trong lịch sử” và cam kết trả 80% tiền lương cho những người không thể làm việc vì COVID-19, tối đa 2.930 USD/tháng.

1/5 dân số Mỹ được yêu cầu ở yên trong nhà

Trong 24 giờ qua, nước Mỹ ghi nhận thêm 5.056 ca nhiễm mới, một kỷ lục mới, nâng tổng số người mắc COVID-19 lên 18.845 ca và 237 bệnh nhân đã tử vong.

Thống đốc bang New York, tiểu bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất tại Mỹ, vào ngày 20/3 đã ra chỉ thị yêu cầu toàn bộ doanh nghiệp không thiết yếu phải đóng cửa, tất cả lực lượng lao động không thiết yếu phải ở yên trong nhà. Thống đốc New York Andrew Cuomo đề nghị, bất cứ ai đang sở hữu máy thở có thể bán hoặc cho bang mượn. “Chúng tôi cần những máy thở này. Máy thở trong cuộc chiến này giống như tên lửa trong Thế chiến II“, ông Cuomo nhấn mạnh. Tiểu bang Illinois với 13 triệu dân, bang Connecticut và một loạt thành phố ở Mỹ như: New Orleans, Chicago, Los Angeles cũng ra yêu cầu tương tự.

Dịch COVID-19 ngày 21/3: Số người chết tăng vọt ở châu Âu, 1/5 dân số Mỹ được yêu cầu ở nhà - Ảnh 4.

Nhân viên y tế khử trùng tại nhà vệ sinh trường Trung học Central Campus, Mỹ.

Chỉ thị nói trên được đưa một ngày sau khi Thống đốc bang California tuyên bố phong tỏa toàn tiểu bang với gần 40 triệu dân này. Các biện pháp mà những bang đông dân bậc nhất Mỹ tiến hành đồng nghĩa với việc 1/5 dân số Mỹ hiện đang bị cách ly tự nguyện tại nhà do dịch COVID-19.

Trong một diễn biến khác, một nhân viên trong văn phòng Phó Tổng thống Mike Pence, người đứng đầu công tác đối phó COVID-19, đã được xác nhận dương tính với dịch bệnh này. Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết, cả ông và Tổng thống Donald Trump không tiếp xúc với người này.

Malaysia là ổ dịch lớn nhất Đông Nam Á

Ngày 20/3, Malaysia ghi nhận thêm 1 ca tử vong vì COVID-19 và số người nhiễm bệnh đã vượt qua ngưỡng 1.000, lên mức 1.030 trường hợp, cao nhất ở Đông Nam Á. Trường hợp tử vong mới nhất là một người đàn ông 58 tuổi đã tham dự buổi lễ Hồi giáo lớn do giáo phái Tabligh tổ chức từ cuối tháng 2 tại một thánh đường ở ngoại ô Kuala Lumpur. Trong số 130 ca nhiễm mới trong ngày 20/3, có 48 trường hợp liên quan đến lễ hội Hồi giáo này, sự kiện đã thu hút 16.000 người tham gia, bao gồm cả người Singapore, Brunei, Campuchia.

Dịch COVID-19 ngày 21/3: Số người chết tăng vọt ở châu Âu, 1/5 dân số Mỹ được yêu cầu ở nhà - Ảnh 5.

Một cảnh sát giơ tờ thông báo tại một rào chắn ở Ipoh, bang Perak, Malaysia.

Indonesia đang đứng trước nguy cơ trở thành “điểm nóng” dịch bệnh tại Đông Nam Á khi nước này ghi nhận số ca mắc bệnh tăng nhanh chỉ trong một thời gian ngắn. Tổng thống Joko Widodo vào ngày 20/3 đã ra lệnh cho Lực lượng đặc nhiệm chống dịch COVID-19 và các cơ quan liên quan tiến hành xét nghiệm trên diện rộng, ban bố tình trạng khẩn cấp tại thủ đô Jakarta. Việc một sự kiện tôn giáo tập trung hàng nghìn người vẫn tiếp tục được tổ chức bất chấp yêu cầu hạn chế tụ tập đông người của chính phủ đang khiến tình hình trở nên phức tạp. Đến nay, Indonesia ghi nhận thêm 60 người nhiễm virus SARS-CoV-2 và 32 ca tử vong do virus này, nâng tổng số trường hợp nhiễm tại nước này lên 369 ca.

Ngày 20/3, Singapore đã ghi nhận thêm 40 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, chủ yếu là các ca lây nhiễm từ Anh. Đến nay, Singapore ghi nhận tổng cộng 385 ca nhiễm SARS-CoV-2 và chưa có trường hợp tử vong. Bộ Y tế Singapore yêu cầu hủy mọi sự kiện tập trung trên 250 người, những sự kiện ít người hơn phải đảm bảo khoảng cách ít nhất 1m giữa những người tham gia.

Dịch COVID-19 ngày 21/3: Số người chết tăng vọt ở châu Âu, 1/5 dân số Mỹ được yêu cầu ở nhà - Ảnh 6.

Người dân Thái Lan đeo khẩu trang chống dịch.

Tại Thái Lan, trong ngày 20/3 đã có thêm 50 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca COVID-19 lên 322 người và 1 trường hợp tử vong. Tại Campuchia, trong ngày 20/3 thêm 10 ca dương tính với virus SARS-CoV-2 được ghi nhận, nâng tổng số ca nhiễm lên 47. Philippines xác nhận có thêm 13 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp mắc COVID-19 lên 230 người, trong đó 18 ca đã tử vong.

Vũ Hán (Trung Quốc) 3 ngày liên tiếp không có ca nhiễm mới

Ngày 20/3, Trung Quốc đại lục ghi nhận 41 ca nhiễm mới (đều là người từ nước ngoài về). Đây là ngày thứ ba liên tiếp không có ca nhiễm mới nào ở Vũ Hán và tỉnh Hồ Bắc. Như vậy, tính đến sáng 21/3, Trung Quốc có 81.008 ca nhiễm, trong đó 6.013 người bệnh đang được điều trị, 71.740 trường hợp đã bình phục và 3.255 người tử vong.

Dịch COVID-19 ngày 21/3: Số người chết tăng vọt ở châu Âu, 1/5 dân số Mỹ được yêu cầu ở nhà - Ảnh 7.

Du khách đeo khẩu trang tại điểm tham quan ở một công viên của Bắc Kinh.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 20/3 cho biết, việc không còn ca nhiễm mới tại Vũ Hán, tâm điểm ban đầu của dịch COVID-19, đã đem lại hy vọng cho thế giới đang chật vật chống dịch.

Vũ Hán đem lại hy vọng cho thế giới rằng tình thế nghiêm trọng nhất cũng có thể “lội ngược dòng”. Tất nhiên chúng ta phải cẩn trọng, nhưng tình hình có thể thay đổi. Các ví dụ về thành phố và quốc gia đã đẩy lùi được dịch bệnh đem lại hy vọng và sự can đảm cho cả thế giới“, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói.

Theo VOV


Lượt xem: 24

Trả lời