Đàm phán trần nợ đạt tiến triển, Tổng thống Joe Biden rút ngắn chuyến thăm châu Á

Cập nhật 18/5/2023, 13:05:50

Sau các cuộc đàm phán kéo dài gần 1 giờ đồng hồ, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nghị sĩ đảng Cộng hoà hôm 16/5 đều bày tỏ lạc quan về khả năng đạt thoả thuận nâng trần nợ công.

Nỗi lo về kịch bản vỡ nợ chưa từng có tiền lệ đang bao trùm nước Mỹ, khiến Tổng thống Biden phải quyết định cắt ngắn chuyến công du châu Á sắp tới.

Tiến triển lớn nhất là việc các bên nhất trí biến các cuộc đàm phán đa phương thành các cuộc thảo luận trực tiếp 1:1 giữa một đồng minh thân cận của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy và hai cố vấn Nhà Trắng, thay mặt Tổng thống Joe Biden.

Phát biểu với báo chí sau các cuộc thảo luận, Tổng thống Joe Biden cho biết, ông cảm thấy tự tin rằng các cuộc đàm phán sẽ tiến triển ngay cả trong thời gian ông tham dự Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 7 nền công nghiệp phát triển hàng đầu (G7) tại Nhật Bản.

Trong khi đó Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy thuộc đảng Cộng hoà cho biết, dù lập trường còn cách xa nhau, song hai bên có thể đạt được một thoả thuận vào cuối tuần: “Tôi nghĩ cuộc gặp này hiệu quả hơn một chút. Dù lập trường của các bên vẫn còn cách xa nhau, nhưng tiến triển là Tổng thống đã chọn hai người trong chính quyền của mình để đàm phán trực tiếp với chúng tôi. Và chúng ta có một khung thời gian ngắn ở đây để cố gắng tìm ra cách để có thể đi đến một thỏa thuận”.

Trong một nỗ lực nhằm được thỏa thuận trước ngày 1/6, Tổng thống Joe Biden đã quyết định cắt ngắn chuyến công du châu Á vào cuối tuần này để ưu tiên cho các cuộc đàm phán về trần nợ công.

Mỹ đã đạt mức trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD vào tháng 1 và Bộ Tài chính đã phải hết sức cố gắng duy trì các khoản thanh toán kể từ đó.

Hạ viện do đảng Cộng hòa lãnh đạo chỉ đồng ý nâng trần nợ khi chính quyền của Tổng thống Joe Biden loại bỏ hầu hết các chương trình quan trọng, trong đó có Bảo hiểm chăm sóc sức khoẻ cho người có thu nhập thấp Medicaid, xóa nợ cho sinh viên hay Đạo luật giảm lạm phát. Tuy nhiên đối với một số nghị sĩ đảng Dân chủ, đây là một lằn ranh đỏ và chỉ trích đảng Cộng hoà sử dụng các chiến thuật cực đoan để thúc đẩy chương trình nghị sự của họ trước cái gọi là “Ngày X” mà tại đó Mỹ bắt đầu vỡ nợ.

Đây không phải là lần đầu tiên chính phủ Mỹ tranh cãi về trần nợ. Thực tế là đã 78 lần kể từ năm 1960 và phần lớn xảy ra dưới thời các tổng thống của đảng Cộng hòa. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã cảnh báo về những hậu quả nghiệt ngã nếu quốc gia hết tiền mặt để thanh toán các hoá đơn, với tác động dây chuyền đối với các doanh nghiệp và thị trường toàn cầu.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nói: “Việc vỡ nợ sẽ đe dọa những lợi ích mà chúng ta đã nỗ lực đạt được trong vài năm qua nhằm khắc phục hậu quả đại dịch, châm ngòi cho một cuộc suy thoái toàn cầu khiến chúng ta bị tụt lùi xa hơn nữa. Điều này cũng có nguy cơ làm suy yếu vai trò lãnh đạo kinh tế toàn cầu của Mỹ và đặt câu hỏi về khả năng của chúng ta trong việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia”.

Trong một dấu hiệu cho thấy sự lo lắng ngày càng tăng, hơn 140 giám đốc điều hành hàng đầu của Mỹ đã gửi thư tới Tổng thống Joe Biden và các lãnh đạo Quốc hội nhấn mạnh sự cần thiết của một thoả thuận. Khi thời điểm “bờ vực” ngày một tới gần, các nghị sĩ đảng Dân chủ đã bắt đầu xem xét một loạt các lựa chọn thay thế, bao gồm cả việc sử dụng một thủ tục quốc hội phức tạp để loại bỏ tiếng nói của Lãnh đạo Thượng viện Kevin McCarthy hay yêu cầu Tổng thống viện dẫn Tu chính án thứ 14 để đơn phương tăng trần nợ./.


Lượt xem: 1

Trả lời