Chuyến thăm Kiev của ông Joe Biden được giữ kín đến phút chót

Cập nhật 22/2/2023, 06:02:36

Chuyến công du Đông Âu của Tổng thống Mỹ Joe Biden vào thời điểm sắp tròn 1 năm Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine đã gây nhiều bất ngờ.

Bởi lẽ, chuyến đi ban đầu chỉ có điểm dừng chân là Ba Lan thì đã có thêm 1 chặng ở Thủ đô của Ukraine.

Tổng thống Mỹ được cho là đã cân nhắc về chuyến đi này trong nhiều tháng, nhất là sau khi các đối tác ở châu Âu, bao gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu, các nhà lãnh đạo Pháp, Đức, Anh, Canada… đều đã tới Kiev để bày tỏ sự ủng hộ với gói trừng phạt.

Chuyến thăm Kiev của ông Biden được giữ kín đến phút chót, nhưng các quan chức cấp cao Nhà Trắng và cơ quan an ninh quốc gia Mỹ đã phải làm việc trong nhiều tháng để chuẩn bị. Tổng thống Mỹ cũng mới đưa ra quyết định cuối cùng về chuyến đi này hôm thứ Sáu tuần trước. Đây là chuyến đi có yêu cầu an ninh nghiêm ngặt và mức độ bí mật cao đến mức nhóm phóng viên tháp tùng, vốn thường có 13 người từ nhiều hãng truyền thông khác nhau, bị giảm xuống chỉ còn 1 phóng viên viết và 1 phóng viên ảnh.

Ông Biden đã mất gần 20 tiếng di chuyển trên máy bay Air Force C-32 và tàu hỏa để tới Kiev. Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, chuyến thăm Ukraine của Tổng thống Biden đòi hỏi nỗ lực của nhiều chuyên gia chính phủ để biến một nhiệm vụ vốn đã rủi ro thành “rủi ro có thể kiểm soát được”.

Chuyến thăm Kiev của ông Joe Biden được giữ kín đến phút chót - Ảnh 1.

Trong chuyến thăm này, ông Biden tuyên bố về gói viện trợ quân sự mới của Mỹ dành cho Ukraine trị giá gần nửa tỉ USD, tuy nhiên không đề cập đến việc cung cấp loại vũ khí tiên tiến hơn nào cho Kiev, chẳng hạn như máy bay chiến đấu F-16 mà ông Zelensky có lần đã yêu cầu.

Sau 5 giờ có mặt tại Kiev, chủ yếu dành thời gian thảo luận với Tổng thống Ukraine Zelensky, ông Biden đã lên tàu hỏa di chuyển tới Ba Lan.

Hình ảnh Tổng thống Biden đến Kiev tràn ngập truyền thông quốc tế

Truyền thông và dư luận Mỹ đều gọi đây là chuyến thăm chưa từng có tiền lệ. Không được báo trước cho tới tận khi ông Biden đã đến Kiev, và đây cũng là chuyến đi hiếm hoi của một nhà lãnh đạo Mỹ tới vùng chiến sự mà không có sự hiện diện lớn của quân đội Mỹ.

Có nhiều đánh giá cho rằng, đây là quyết định rủi ro mang tính chiến lược. Vì chỉ còn vài ngày nữa là tròn 1 năm chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine. Do đó, chuyến đi tới Thủ đô Kiev của ông Biden mang tính biểu tượng lớn, khẳng định cam kết của Mỹ với Ukraine, qua đó hối thúc các đồng minh khác của Mỹ tiếp tục có những cam kết mới, viện trợ thêm tài chính, vũ khí cho Ukraine.

Chuyến thăm Kiev của ông Joe Biden được giữ kín đến phút chót - Ảnh 2.

Tuy nhiên, cũng phải nhắc đến việc Washington không giữ bí mật hoàn toàn với Moscow. Vài tiếng trước khi Tổng thống Biden rời Mỹ, giới chức nước này đã thông báo cho phía Nga về chuyến công du với “mục đích giảm xung đột”. Quyết định này nhằm “tránh những tính toán sai lầm” có thể đẩy hai cường quốc hạt nhân vào xung đột trực tiếp.

Nước Mỹ liệu có tạo ra bước ngoặt mới khi xung đột Nga – Ukraine bước sang năm thứ hai?

Khi Tổng thống Mỹ bay sang Đông Âu để gặp hai người đồng cấp Ukraine và Ba Lan, thì quan chức ngoại giao hàng đầu Trung Quốc, ông Vương Nghị, lại có chuyến bay theo hướng ngược lại, tới Nga.

Thông điệp liên bang của Tổng thống Putin diễn ra trong bối cảnh hết sức đặc biệt, khi mà chỉ còn 3 ngày nữa là tròn một năm Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Trong Thông điệp này, người đứng đầu nước Nga mạnh mẽ chỉ trích phương Tây đã khơi mào cuộc xung đột ở Ukraine, đồng thời khẳng định sẽ có biện pháp đáp trả đối với việc hỗ trợ vũ khí cho Ukraine. Cùng với đó là tuyên bố xuống cấp quan hệ Nga – Mỹ và Nga đình chỉ việc tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí chiến lược START.

Chuyến thăm Kiev của ông Joe Biden được giữ kín đến phút chót - Ảnh 3.

Có thể thấy mối quan hệ của Nga với Mỹ và phương Tây ở thời điểm này đang có nguy cơ leo thang căng thẳng với những động thái cứng rắn từ Nga. Trong khi đó, mối quan hệ song phương Nga – Trung Quốc lại đang được cho là “tốt đẹp nhất trong lịch sử”. Giới chuyên gia nhận định, chính những thách thức từ Mỹ và phương Tây đã đẩy Nga và Trung Quốc xích lại gần nhau. “Chuyến đi ngược chiều” của Tổng thống Mỹ đến Ukraine và nhà ngoại giao Trung Quốc đến Nga đã cho thấy điều này. Mặc dù Trung Quốc hứa hẹn một giải pháp chính trị cho vấn đề Ukraine, thì như tuyên bố của Tổng thống Nga trong Thông điệp liên bang “Nga sẽ từng bước giải quyết vấn đề một cách thận trọng và nhất quán”.

Các chuyển động ngoại giao liên tục từ Ukraine, Mỹ, Nga, hay Trung Quốc, chỉ 3 ngày trước dấu mốc 1 năm căng thẳng chiến sự giữa Moscow và Kiev đã phần nào cho thấy sự phân cực sâu sắc hơn trên bản đồ địa chính trị thế giới.

Xung đột Nga – Ukraine đã gây ra nhiều xáo trộn trong trật tự thế giới, góp phần tạo nên động lực chưa từng thấy cho các liên minh kể từ Chiến tranh Lạnh. Xung đột có leo thang tiếp trong năm thứ hai tới đây hay không sẽ phụ thuộc rất lớn vào các quyết định của Nga, cũng như sự ủng hộ của Mỹ và đồng minh phương Tây dành cho Ukraine tới đâu. Sau gần 1 năm, chiến sự đã không còn là chuyện có thể giải quyết chỉ từ hai nước.

Theo VTV

Lượt xem: 2

Trả lời