Chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc làm tăng nguy cơ xung đột ở Biển Đông

Cập nhật 07/11/2019, 15:11:32

Theo ông Sebastian, thông qua việc triển khai chiến thuật vùng xám, Trung Quốc muốn giành quyền kiểm soát đối với cái gọi là lãnh thổ trên biển của họ.

Trong khi Trung Quốc không ngừng tìm mọi cách để gia tăng ảnh hưởng và khẳng định yêu sách chủ quyền phi lý đối với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông – tuyến đường vận tải hàng hải huyết mạch của thế giới, Bắc Kinh đã và đang tăng cường thực thi chiến thuật “vùng xám” hòng thực hiện mưu đồ thâm sâu.

chien thuat "vung xam" cua trung quoc lam tang nguy co xung dot o bien dong hinh 1
Trung Quốc có thực sự trỗi dậy hòa bình như tuyên bố của họ?. Ảnh minh họa: Reuters.

Mưu đồ của Trung Quốc với chiến thuật vùng xám

“Việc theo đuổi các nguồn tài nguyên biển đã khiến Trung Quốc trở nên hung hăng hơn, họ thúc đẩy các hoạt động nằm giữa ranh giới giữa hòa bình và chiến tranh mà vốn vẫn được biết đến là ‘vùng xám’”, Đại úy Martin A. Sebastian, lãnh đạo Trung tâm Ngoại giao và an ninh hàng hải thuộc Học viện Hàng hải Malaysia viết trong một tham luận tại Hội thảo Khoa học Quốc tế về Biển Đông lần thứ 11 diễn ra tại Hà Nội, ngày 6-7/11.

Theo ông Sebastian, Trung Quốc tiếp tục sử dụng các tàu thực thi pháp luật cỡ lớn, tàu dân quân biển và sử dụng lực lượng ngư dân được huấn luyện quân sự để cùng phối hợp gây rối cho các quốc gia có tuyên bố chủ quyền khác ở Biển Đông.

Trên thực địa, chiến thuật “vùng xám” liên tục được Trung Quốc thử nghiệm và điều chỉnh qua những cuộc đối đầu với lực lượng chấp pháp của các nước, đặc biệt ở Biển Đông từ năm 2006. Mục đích của chiến thuật này là nhằm thay đổi hiện trạng, biến vùng biển không tranh chấp thành có tranh chấp và gây lúng túng cho các nước trong việc phản ứng.

Dù Trung Quốc luôn che giấu thì sự tồn tại của lực lượng dân quân biển nước này đã không còn là điều bí mật. Năm 2013, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khi tới thăm một làng chài ở đảo Hải Nam đã ca ngợi mô hình dân quân biển tại đây, yêu cầu nhân rộng ra toàn quốc.

Về mặt lý thuyết, chiến thuật vùng xám được một quốc gia sử dụng để đạt được một lợi ích nào đó, thường là về lãnh thổ, nhưng không muốn dùng vũ lực một cách quy mô và trực tiếp. Chiến thuật này có 2 đặc trưng căn bản. Thứ nhất là không để xung đột vượt ngưỡng thành chiến tranh nóng. Thứ hai là từ từ tịnh tiến.

Ông Sebastian cho rằng: “Thông qua việc triển khai chiến thuật vùng xám, Trung Quốc muốn che giấu ý định thực sự đó là giành quyền kiểm soát đối với cái gọi là lãnh thổ trên biển của họ và độc chiếm nguồn tài nguyên để thu về lợi ích kinh tế”.

Theo ông Sebastian, việc chỉ có 4/10 nước thành viên ASEAN có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong khi Hiệp hội đưa ra các quyết định dựa trên cơ chế đồng thuận đã và đang gây ra không ít khó khăn trong giải quyết vấn đề Biển Đông với Trung Quốc. Sau phán quyết lịch sử của Tòa trọng tài Quốc tế trong vụ kiện Biển Đông của Philippnes, chính quyền Tổng thống Duterte công khai lựa chọn việc tạm gác sang một bên phán quyết của Tòa để hợp tác với Trung Quốc.

 Mặc dù vậy, ông Sebastian dự đoán: “Với những gì Trung Quốc đang làm để thực hiện chiến thuật vùng xám thì chúng sẽ không biến mất mà thậm chí có thể loang ra nhiều hơn nữa, đẫn đến nguy cơ va chạm ngày càng lớn hơn”.

Các nước cần phải lên tiếng

chien thuat "vung xam" cua trung quoc lam tang nguy co xung dot o bien dong hinh 2
Tiến sĩ Stanley Weeks.

Thừa nhận sự tồn tại của “vùng xám” ở Biển Đông, Tiến sĩ Stanley Weeks, chuyên gia cao cấp tại Tập đoàn Ứng dụng Khoa học Quốc tế (SAIC) chuyên cung cấp thông tin và hỗ trợ công nghệ cho Chính phủ Mỹ trong tham luận tại Hội thảo cho rằng hiểu được những thách thức đặt ra trong vùng xám là điều cần thiết để đối phó với những khó khăn và thách thức mà chiến thuật này đặt ra đối với hợp tác hàng hải ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

“Có một số ý nghĩa, chiến lược và chiến thuật của các hoạt động mới nổi lên làm tăng nguy cơ xung đột quân sự và làm phức tạp hoạt động hợp tác. Ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, chiến thuật vùng xám trên biển là yếu tố nghiêm trọng”, ông Weeks viết.

Phân tích kỹ hơn về chiến thuật “vùng xám” của Trung Quốc ở Biển Đông, Đô đốc Yoji Koda của Lực lượng phòng vệ Biển Nhật Bản nói: “Trong chiến thuật ‘vùng xám’ của mình, Trung Quốc triển khai các ‘tàu trắng’ [các tàu của lực lượng Hải cảnh-ND] tới các khu vực ở Biển Đông và thực thi cái gọi là ‘luật pháp Trung Quốc tại những khu vực mà nước này có chủ quyền’.

Nếu Trung Quốc thành công trong việc áp đặt luật pháp của mình tại các khu vực này, điều đó đồng nghĩa với việc họ áp đặt được luật pháp của mình lên các nước khác cũng như những vùng biển đó sẽ trở thành vùng biển của họ. Chính vì thế, các nước trong khu vực cần hết sức thận trọng trước mưu đồ của Trung Quốc và cần có thái độ quyết liệt trước bất kỳ hành động vi phạm luật pháp quốc tế nào của Trung Quốc và cần hiểu rõ ‘thông điệp ngầm ẩn’ của Trung Quốc thông qua chiến thuật ‘vùng xám’ để đạt được mục đích của họ”.

Theo ông Weeks, nhìn chung, chiến thuật “vùng xám” mà Trung Quốc triển khai đã phát huy tác dụng trong việc “dọa dẫm và bắt nạt” các nước trong khu vực, ngoại trừ Việt Nam.

“Điều quan trọng là các quốc gia trong khu vực và trên thế giới như Mỹ, Anh, Pháp, Ấn Độ… cần phải lên tiếng chỉ trích những hành động sai trái của Trung Quốc. Các nước trong khu vực, đặc biệt là các nước ASEAN, cũng cần hợp tác chặt chẽ với nhau để có thể thách thức tuyên bố chủ quyền phi lý của Trung Quốc dù điều này có thể chưa đạt được hiệu quả như mong muốn trong ngắn hạn”, ông Weeks nói.

“Đối phó với các thách thức đặt ra, cần phải thừa nhận thực tế có sự tồn tại của ‘vùng xám’ để có đánh giá khách quan và nhận diện được thách thức. Các phản ứng đối phó với thách thức đặt ra từ ‘vùng xám’ cũng sẽ đòi hỏi các hành động mang tính nguyên tắc, phổ quát và cần đến sự hợp tác của các quốc gia bị ảnh hưởng ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương và trên cả bình diện rộng lớn hơn”, ông Weeks kết luận./.

Theo VOV


Lượt xem: 43

Trả lời