Châu Âu “nín thở” sợ ly khai sau khi thỏa thuận EU–Ukraine bị từ chối

Cập nhật 14/4/2016, 13:04:06

 Việc thỏa thuận EU-Ukraine bị cử tri Hà Lan bị từ chối khiến châu Âu đang phải “nín thở” lo ngại xu hướng ly khai có thể lan rộng trong khối.

Giới chức Hà Lan đã chính thức xác nhận tính hợp pháp của cuộc trưng cầu ý dân ở nước này về Thỏa thuận Liên kết giữa Liên minh châu Âu (EU) với Ukraine ngày 6/4, trong đó đa số cử tri Hà Lan đã nói "không" với thỏa thuận này.

 

chau au "nin tho" so ly khai sau khi thoa thuan eu–ukraine bi tu choi hinh 0
Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về thỏa thuận EU-Ukraine. Ảnh BBC

 

Theo kết quả kiểm trên 4,1 triệu phiếu, chiếm trên 32% trong tổng số 12,8 triệu cử tri được quyền tham gia bỏ phiếu, có tới 61% số phiếu phản đối thỏa thuận, gần gấp đôi số người ủng hộ. 

“Đòn chí mạng” từ cử tri Hà Lan

Sự kiện rất đáng chú ý với nội bộ EU bởi nó diễn ra trước cuộc trưng cầu ý dân ở Anh về tư cách thành viên của Xứ sở sương mù trong EU. Một kết quả, bất cứ nghiêng về hướng nào cũng sẽ tác động tới xu hướng li khai hay hội nhập trong khối.

 
 

 

Mặt khác, mặc dù kết quả cuộc trưng cầu không mang tính ràng buộc, song với việc tỷ lệ tham gia bỏ phiếu cao và đa số phản đối thoả thuận, Chính phủ Hà Lan sẽ phải thận trọng cân nhắc các động thái tiếp theo trong bối cảnh nước này đang giữ chức Chủ tịch luân phiên EU.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte đã tuyên bố cuộc trưng cầu ý dân ở Hà Lan đã được tổ chức đúng luật, và ngày 7/4, Ông cho biết nước này sẽ không thể tiếp tục quá trình phê chuẩn thỏa thuận về việc Ukraine gia nhập EU. Theo nguyên tắc của EU thì một trong số 28 quốc gia thành viên EU từ chối phê chuẩn hiệp ước này thì điều đó có nghĩa là tất cả thành viên EU đều từ chối.

Trên thực tế, trước cuộc trưng cầu ý dân thì người dân Hà Lan đã thể hiện thái độ của mình với những tuyên bố: “Tôi sẽ bỏ phiếu phản đối” hoặc “Tôi phản đối những quyết định của EU. Họ đang hủy hoại những giá trị của đất nước chúng tôi”…

Có thể nói, kết quả này phần nào đã phản ánh tâm trạng hoài nghi của người dân Hà Lan về những ảnh hưởng của dòng người nhập cư đồ ạt đổ vào EU làm cho tình hình kinh tế của đất nước họ nhiều năm qua phát triển chậm chạp, và họ coi đây là cơ hội hiếm hoi để gián tiếp bỏ phiếu phản đối những quyết định của EU.

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân này không đơn thuần là lời nói không của người dân Hà Lan dành cho Ukraine trên con đường hội nhập vào EU mà thực sự là đòn đánh mạnh vào uy tín chính trị của EU vì nó cho thấy sự không hài lòng của người dân Hà Lan với các chính sách của EU. 

Thỏa thuận về sự liên kết với EU của Ukraine là hậu quả chán ghét hội nhập của cử tri châu Âu, chứ thất bại này không chỉ là do tình hình chính trị rối ren tại Ukraine. Kết quả này cũng phản ánh bản chất cuộc trưng cầu ý dân mà Anh đang chuẩn bị tiến hành nhằm xem xét tư cách thành viên trong EU.

Vấn đề Ukraine là một trong những thách thức mà EU đang phải đối mặt, bên cạnh khủng hoảng di dân, kinh tế phát triển chậm chạp, nước Anh bỏ phiếu lấy ý kiến về việc tiếp tục làm thành viên EU hay không và quan hệ không tốt với Nga.

Bài học khi vội vã tiếp nhận Romania và Bulgaria

Có thể nói, việc hấp tấp tiếp nhận Romania và Bulgaria vào EU năm 2007 đã trở thành những lý do đầu tiên dẫn tới tình cảnh nước Anh phải tổ chức trưng cầu ý dân về việc ra khỏi EU.

Thực tế này, đã được Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thừa nhận là EU đã mở rộng quá nhanh trong quá khứ, đồng thời khẳng định Brussels "sẽ không mắc sai lầm đó một lần nữa".

Mặt khác, động thái của lãnh đạo Anh cũng tương đối khó hiểu. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Phillip Hammond thúc đẩy Ukraine tham gia EU thì lại thừa nhận đã bỏ phiếu ủng hộ nước mình rời khỏi quỹ đạo của Brussels. Thực tế này, đã phản ánh tính thống nhất của EU đang bị đe dọa do không thể đồng thời đáp ứng được các quyền lợi của các nước thành viên.

Như tờ "Le Figaro" của Pháp bình luận: "kết quả trưng cầu ý dân ở Hà Lan đang làm tê liệt các chính sách khác của EU. Điều này nhạy cảm hơn cả đối với Anh vì chỉ còn 76 ngày nữa là đến thời điểm bỏ phiếu về việc ở lại EU hay không".

Dù Thủ tướng Anh Cameron bày tỏ quan điểm của Anh trong việc ủng hộ thực hiện Hiệp ước liên minh giữa Ukraine với EU mà không cần tính đến kết quả trưng cầu ý dân ở Hà Lan, ông Cameron cũng lo ngại về khả năng kết quả trưng cầu ý dân ở Hà Lan sẽ có “các tác động tiêu cực” đến cuộc trưng cầu ý dân sẽ được tổ chức vào ngày 23/6 tới tại Anh về việc “ra khỏi hay ở lại EU”. 

“Nhân tố” Nga trong tam giác Nga-EU-Ukraine

Mối quan hệ tay ba giữa Nga-EU-Ukraine đã được tờ “Der Spiegel” của Đức bình luận với tiêu đề “Tiếng không của Hà Lan: người Ukraine tức giận, Điện Kremlin sung sướng, châu Âu bị tê liệt”. Theo bài báo, cuộc trưng cầu ý dân ở Hà Lan “đem lại niềm vui sướng cho Moscow”.

Còn báo Volkskrant của Hà Lan lại viết: “Việc bỏ phiếu phản đối hiệp ước hợp tác với Ukraine cũng đồng nghĩa với việc ủng hộ Kremlin và quân nổi dậy thân Nga ở miền Đông”.

Tuy nhiên, Ông Dmitry Peskov, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, không liên tưởng kết quả bỏ phiếu nói trên như là “thắng lợi của Putin”. Ông nói: “Đây hoàn toàn là việc nội bộ của Hà Lan. Kết quả cuộc trưng cầu ý dân thể hiện thái độ của người dân Hà Lan đối với một vấn đề cụ thể: có nghĩa là người dân Hà Lan có thắc mắc, có sự thiếu tin tưởng. Họ phát tín hiệu về sự thiếu niềm tin của mình”.

Nhiều khả năng Mỹ sẽ không khoanh tay ngồi nhìn và điều này thể hiện qua tuyên bố của nhiều chính trị gia Mỹ là, Hiệp định liên minh giữa Ukraine và EU “dù sao vẫn phải hoạt động”.

Nhưng nếu thừa nhận kết quả này, Liên minh Châu Âu (EU) sẽ rơi vào khủng hoảng khi đang muốn giảm căng thẳng với Nga. Điều này, cũng đồng nghĩa với việc tiếng nói của Nga trong giải quyết bất ổn hiện nay ở Ukraine sẽ có trọng lượng hơn. 

Kết quả cuộc trưng cầu ý dân ở Hà Lan là một đòn nặng nề bởi vấn đề xích lại với EU là điều không cần phải tranh cãi đối với tất cả các lực lượng chính trị hiện nay của Ukraine, còn đối với Tổng thống Petro Poroshenko thì việc hướng về châu Âu là một dạng “mỏ neo của các cuộc cải cách”.

Trong khi đó, để cố gắng làm dịu bớt nỗi lo của cử tri Hà Lan về vấn đề mở rộng EU, Chủ tịch Ủy ban châu Âu ông Juncker đã vô tình để lộ vị thế thực sự của Ukraine trong lòng giới lãnh đạo EU bằng tuyên bố: "Ukraine chắc chắn không có thể trở thành thành viên của EU và cả NATO trong vòng 20 đến 25 năm tới".

Phát biểu này đồng nghĩa với việc người dân Ukraine đang sống với ảo vọng đất nước trở thành thành viên của EU, cũng như việc được chấp nhận tham gia hệ thống chính trị và kinh tế phương Tây chỉ là ảo vọng cho dù họ đã phải chịu đựng và hy sinh quá nhiều.

Thực tế này thể hiện, giới chức EU chưa muốn tiếp nhận Ukraine, một đất nước quá lớn, quá mục nát, quá nghèo và cũng quá gần với Nga. Nhưng nói tới một lựa chọn dự phòng cho nền kinh tế Ukraine lúc này là điều không khả thi.

Bởi lẽ, ý chí của giới lãnh đạo đã đặt cược tất cả vào hội nhập Châu Âu, người dân Ukraine đã bị mê hoặc về một thế giới phồn thịnh của Tây Âu, còn nội bộ chính quyền hiện tại thì rối ren bởi tranh giành quyền lực, tham nhũng. Trong khi đó, xung đột với miền đông nam vẫn chưa có lối thoát.

Đã đến lúc các nhà lập pháp và các chính trị gia Ukraine cần nhìn thẳng vào sự thật rằng, hội nhập vào EU là một tương lai xa vời, còn một hiệp định thương mại tự do hoàn toàn phục vụ lợi ích của EU và hậu quả là đất nước nhận được rất ít, hoặc hầu như không có khoản đầu tư nào để hiện đại hóa công nghiệp, khiến sản phẩm của Ukraine không có khả năng cạnh tranh trong thị trường châu Âu khắc nghiệt.

Có lẽ, một sự lựa chọn khác cho nền kinh tế Ukraine, đồng nghĩa với một sự lựa chọn thể chế chính trị mới phù hợp với điều kiện thực tế của Ukraine. Mà điều này thì chỉ thời gian là giải pháp tốt nhất cho Ukraine.

Kết quả của cuộc trưng cầu ý dân hồi tuần trước đặt thủ tướng Hà Lan Mark Rutte trước một tình thế chính trị rất khó khăn. Mặc dù kết quả cuộc trưng cầu ý dân chỉ mang tính tham khảo nhưng có thể khiến chính sách lớn của châu Âu bị tê liệt, bởi nếu như Chính phủ Hà Lan phớt lờ, không tôn trọng ý kiến của dân chúng thì bản thân Chính phủ sẽ phải đối mặt với những chỉ trích dữ dội trong nước.

Nhưng nếu như Chính phủ Hà Lan thực hiện theo kết quả trưng cầu ý dân thì làm mất đi sự thống nhất trong quan điểm của EU đối với những vấn đề đang diễn ra ở châu Âu. Đó chính là điều khiến các nhà lãnh đạo châu Âu phải lo lắng./.

VOV


Lượt xem: 28

Trả lời