Châu Âu muốn được miễn trừ khi Mỹ áp đặt trừng phạt trở lại với Iran

Cập nhật 11/5/2018, 10:05:32

Các nước châu Âu đang tìm cách bảo vệ lợi ích của minh tại Iran trong trường hợp Mỹ sẽ sớm áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Các nước châu Âu cùng các bên liên quan đang nỗ lực duy trì Thỏa thuận hạt nhân kí với Iran năm 2015 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rút khỏi thỏa thuận. Mặc dù vậy, để chuẩn bị cho khả năng Mỹ sẽ sớm áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào quốc gia Hồi giáo này, chính phủ và các công ty của châu Âu đang tìm kiếm các biện pháp bảo vệ lợi ích của mình tại Iran, trong đó có lựa chọn nhận được quyền miễn trừ từ Mỹ trong các biện pháp trừng phạt mới.

chau au muon duoc mien tru khi my ap dat trung phat tro lai voi iran hinh 1
Các nước châu Âu đang tìm cách bảo vệ lợi ích của minh tại Iran trong trường hợp Mỹ sẽ sớm áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt đối với Tehran. Ảnh: Press TV.

Với thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015, các biện pháp trừng phạt quốc tế dần được dỡ bỏ, mở đường cho các công ty thương mại nước ngoài tăng cường hợp tác đầu tư vào Iran. Thương mại giữa EU và Iran đã tăng lên gấp 3 lần so với khối lượng thương mại thời điểm trước thỏa thuận, với 6,2 tỷ euro trong năm 2013 lên gần 21 tỷ euro vào năm 2017.

Số liệu của châu Âu cho thấy,  21 công ty từ 5 nước châu Âu bao gồm, Đức, Pháp và Anh đang đầu tư vào Iran, trong đó có các công ty lớn như Siemens, Total, Volkswagen và Airbus. Quyết định của Mỹ áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran có thể tác động không nhỏ đến hoạt động hợp tác đầu tư kinh tế thương mại bùng nổ giữa Iran và châu Âu thời gian qua, cũng như gây tổn hại lớn đối với các công ty châu Âu. Hiện các công ty đang họp bàn với chính phủ các nước tìm ra biện pháp giới hạn tác động bước đi của Mỹ.

Ông Cornelius Adebahr- Một chuyên gia Viện nghiên cứu Hội đồng quan hệ đối ngoại Đức cho biết: “Nếu các công ty có hoạt động kinh doanh tại Mỹ, họ sẽ phải đối mặt với khả năng bị trừng phạt nếu tiếp tục ở lại Iran. Câu hỏi đặt ra hiện nay là các công ty châu Âu cần phối hợp với chính phủ của mình tìm ra cách chỉ tuân theo luật của EU, vì họ là các công ty của EU. Đây là những vấn đề mà các bên đang tìm kiếm trong những tháng tới”.

Bộ Tài chính Mỹ cho các công ty thời hạn 90 đến 180 ngày trước khi lệnh trừng phạt được tái áp đặt trở lại. Chính phủ các nước EU cũng cho biết đang nỗ lực bảo vệ lợi ích của các công ty châu Âu trước bước đi của Mỹ, trong đó có xem xét yêu cầu bồi thường cho các công ty thiệt hại do lệnh trừng phạt của Mỹ, gây sức ép buộc Mỹ phải trao quyền miễn trừ cho các công ty châu Âu khỏi các biện pháp trừng phạt mới…

Bộ Trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết sẽ đề xuất quyền miễn trừ hay biện pháp “bảo hộ” cho các hợp đồng hay hoạt động đầu tư đã kí tại Iran, khi ông có cuộc gặp với Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin trong tuần này.

Người phát ngôn chính phủ Pháp Benjamin Griveaux cũng khẳng định: “Liên minh châu Âu sẵn sàng đưa vấn đề này ra Tổ chức Thương mại thế giới nếu Mỹ có bất cứ bước đi nào làm tổn hại đến lợi ích của các công ty châu Âu. Chúng tôi sẽ phản ứng một cách thích hợp, phù hợp với các qui tắc của Tổ chức quốc tế”.

Ngoại trưởng Anh, Pháp, Đức, Iran  dự kiến có cuộc gặp vào tuần tới cùng các tập đoàn lớn đầu tư vào Iran để thảo luận biện pháp giảm tác động trước bước đi của Mỹ. Mặc dù vậy, giới quan sát cũng cho rằng các công ty lớn cũng phải đối mặt với lựa chọn khó khăn với quyết định có tiếp tục ở lại Iran hay không, khi so sánh hiệu quả hoạt động tại Mỹ.

Nhiều công ty châu Âu có mối liên kết kinh doanh với Mỹ đang rất thận trọng việc tiếp tục đầu tư vào Iran vì trước đây, Bộ Tài chính Mỹ đã từng phạt tiền mức rất cao đối với những công ty nào vi phạm các lệnh trừng phạt Iran. Các công ty châu Âu cũng sẽ gặp nhiều khó khăn trong việc nhận hỗ trợ từ các tổ chức tài chính quốc tế khi Iran nhiều lần cho rằng, kể cả khi các biện pháp trừng phạt được dỡ bỏ trước đây, các thể chế tài chính quốc tế vẫn rất lo ngại khi hợp tác với Iran./.

Theo VOV


Lượt xem: 20

Trả lời