Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc: Thực tế có bắt kịp kỳ vọng?

Cập nhật 26/6/2018, 08:06:59

Dù quan hệ hai nước căng thẳng do vấn đề thương mại, Mỹ vẫn cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong tuần này sẽ có chuyến thăm đầu tiên tới Trung Quốc và đây cũng là chặng dừng chân đầu tiên trong chuyến công du các nước Đông Bắc Á của ông.

bo truong quoc phong my tham trung quoc thuc te co bat kip ky vong hinh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis sắp thăm Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Dù diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ với Trung Quốc căng thẳng thời gian gần đây, đặc biệt liên quan tới vấn đề thương mại, song theo giới phân tích, Mỹ vẫn cần sự hỗ trợ của Trung Quốc trong các cuộc đàm phán hạt nhân với Triều Tiên. Đây cũng là một trong những hồ sơ đối ngoại hàng đầu của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Chặng dừng chân tại Trung Quốc chiếm phần lớn thời gian chuyến công du 4 ngày của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis, bắt đầu từ ngày mai (26/6). Chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt là thương mại.

Việc hai nước liên tục đưa ra chính sách thuế đáp trả lẫn nhau đã làm gia tăng quan ngại về một cuộc chiến tranh thương mại  giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, trong các phát biểu trước chuyến thăm, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đều tránh đề cập tới những chỉ trích gay gắt của chính quyền Mỹ đối với Trung Quốc thời gian qua.

Thay vào đó, Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ nhấn mạnh sẽ “bước vào đối thoại với các lãnh đạo Trung Quốc với thái độ cởi mở, không định kiến và muốn tập trung đến các vấn đề an ninh chiến lược lớn hơn”. Ông nêu rõ: “Tôi đến Trung Quốc để đối thoại. Tôi không muốn dự đoán trước quá chắc chắn những gì họ sẽ nói. Tôi muốn đến và lắng nghe nhiều hơn”.

Đây cũng chính là lý do chuyến thăm Trung Quốc này của ông James Mattis sẽ tập trung nhiều hơn vào vấn đề Triều Tiên. Phát biểu với báo chí ngày 24/6, Người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ hi vọng sẽ nhận được cam kết của Trung Quốc gây sức ép để Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân sau Hội nghị lịch sử Mỹ-Triều hôm 12/06 vừa qua tại Singapore.

Triều Tiên cũng là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà giới phân tích đánh giá là dù có những bất đồng, song Mỹ-Trung vẫn có thể tìm được sự thỏa hiệp. Điều này cũng được thể hiện trong những phát biểu gần đây của các quan chức hai nước.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng nói: “Chúng tôi hy vọng, Triều Tiên và Mỹ sẽ đảm bảo việc cụ thể hóa những kết quả của Hội nghị Thượng đỉnh tại Singapore và tất cả các bên liên quan có thể làm việc cùng nhau nhằm thúc đẩy tiến trình hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. Cùng với đó, Trung Quốc vẫn giữ lập trường rằng, các mối quan tâm an ninh chính đáng của Triều Tiên cần phải được tôn trọng và giải quyết cùng với các nỗ lực phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên”.

Trong chuyến thăm Trung Quốc từ ngày 26-28/6, ông Mattis sẽ gặp gỡ các quan chức quốc phòng Trung Quốc. Sau đó, ông sẽ tới thủ đô Seoul để thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Song Young-moo và ngày 27/6 sẽ tới Nhật Bản để gặp Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera.

Đối với Hàn Quốc và Nhật Bản, chuyến đi này là nhằm trấn an các nước đồng minh rằng Mỹ sẽ không thay đổi cam kết quốc phòng của mình tại khu vực sau khi Tổng thống Donald Trump hôm 12/6 bất ngờ thông báo sẽ đình chỉ một cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc.

Theo ông, cả Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc đều có một mục tiêu chung là một sự phi hạt nhân hóa hoàn toàn, không thể đảo ngược và có thể kiểm chứng của bán đảo Triều Tiên.

Ông Mattis đã đến Châu Á 7 lần trong 17 tháng qua kể từ khi được bổ nhiệm là Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, song đây lại là chuyến đi đầu tiên tới Trung Quốc. Theo ông, các cuộc thảo luận ở Trung Quốc là nhằm xác định các mục tiêu chiến lược lâu dài của Trung Quốc, cũng như những lĩnh vực mà hai bên có thể hợp tác với nhau.

Tuy nhiên, trong một dấu hiệu cho thấy thách thức của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ trong chuyến thăm Trung Quốc này, ông James Mattis đã từ chối mô tả về mối quan hệ giữa hai nước, cho rằng, điều này có thể gây tác dụng ngược trước cuộc gặp với các đối tác của mình./.

VOV.


Lượt xem: 30

Trả lời