2019 là năm thảm họa khí hậu, giới lãnh đạo phải hành động gấp!

Cập nhật 21/12/2019, 06:12:22

Năm 2019 chứng kiến liên tiếp các thảm họa khí hậu với cường độ cao và hậu quả nặng nề, đòi hỏi giới lãnh đạo thế giới phải hành động ngay và luôn.

Năm 2019 sắp kết thúc này là một năm đặc biệt mà mỗi chúng ta phải lưu ý. Suy ngẫm về 2019 sẽ gợi ý nhiều điều về tương lai của hành tinh chúng ta.

Năm 2019 sẽ đi vào lịch sử với tư cách là Năm Zero của “sự khải huyền khí hậu”. Làn sóng các thiên tai khắc nghiệt rất đều đặn và lớp sau mạnh hơn lớp trước khiến người ta dễ nhớ cái mới và nhanh chóng quên cái cũ.

2019 la nam tham hoa khi hau, gioi lanh dao can hanh dong gap! hinh 1
Máy bay trực thăng dập lửa ở một khu vực cháy rừng. Ảnh: Getty.

Năm 2019 bắt đầu bằng một đợt sóng nhiệt phá vỡ kỷ lục ở miền nam Australia, với nhiệt độ lên tới trên 40 độ C, có những khu vực nhiệt độ cao như vậy trong liên tục 40 ngày. Kế đó là sự biến mất của những cánh rừng nhiệt đới tại bang Tasmania của quốc gia châu Đại dương này – những cánh rừng lâu đời đã có từ kỷ băng hà cuối cùng. Xấp xỉ 3% diện tích đảo bang này đã bị cháy do hậu quả của tình trạng ít mưa kéo dài và tình trạng bốc hơi ngưng lại do tháng 1 khô kỷ lục. Còn trên đất liền Australia, đã xảy ra những vụ cá chết hàng loạt ở Menindee.

Ngược lên phía bắc, cơn bão nhiệt đới Pabuk ở tây nam Thái Bình Dương đã tấn công khu vực nghỉ dưỡng ven biển của Thái Lan, làm 10 người thiệt mạng và gây ra thiệt hại kinh tế là khoảng 160 triệu USD.

Trong khi Australia “nóng nhễ nhại” thì Bắc Mỹ lại đóng băng do rối loạn trong dòng xoáy Bắc cực có thể liên quan tới các vùng nước ấm lên ở Bắc cực.

Hồi tháng 2/2019, cảng Townsvillle bị ngập lụt còn thành phố Sydney (đều của Australia) hứng chịu những cơn bão mạnh.

Tháng 3/2019, lửa dữ hoành hành tiếp ở bang Victoria (Australia) làm hơn 30 ngôi nhà bị cháy. Trong khi đó, siêu bão Idai quét qua đông nam châu Phi, giết chết hàng ngàn người – đây là một trong các thảm hỏa thời tiết tệ hại nhất từng xảy ra với nam bán cầu. Australia cũng hứng chịu những siêu bão như Trevor và Veroniaca khiến nước này bị tổn thất hàng tỷ USD.

Trận lụt ở Iran đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 70 người vào đầu tháng 4/2019, trong khi siêu bão tấn công đông nam châu Phi vào tháng này đã làm 50 người khác tử vong.

Vào cuối tháng 4, đầu tháng 5/2019, siêu bão Fani đổ bộ lên Sri Lanka, Ấn Độ, Bangladesh và Bhutan, làm 89 người chết. Bão này đã kết thúc một mùa đầy những siêu bão bất thường có thể do các biển bị ấm lên bất thường.

Tại Hawaii (Mỹ), đài quan sát Mauna Loa ghi nhận mức độ carbon dioxide (CO2) có mật độ lên tới 414,8 ppm, với xu hướng tăng đều đặn. Tờ Guardian (Anh) gọi đây là “khủng hoảng khí hậu”.

Tháng 6/2019 có hàng tuần mưa khiến vùng Trung Tây nước Mỹ bị ngập.

 Kế tiếp là đợt sóng nhiệt như địa ngục trên diện rộng ở châu Âu. Nước Pháp ghi được mức nhiệt độ cao nhất lên tới 45,9 độ C. Các nhà khoa học khí hậu xác nhận rằng có mối liên hệ với biến đổi khí hậu.

Ở Mỹ, một tháng nhiệt độ cao trên trung bình đã “nung nóng” bang Alaska và gây ra hàng trăm vụ hỏa hoạn.

Khi bão nhiệt đới mở màn ở vịnh Mexico vào tháng 7, các bang Louisiana và Mississippi (Mỹ) gồng mình để đón nhận thêm nhiều trận lụt.

Bên kia Đại Tây Dương, nước Anh “sôi sùng sục” vì nhiệt độ tăng. Các nước châu Âu khác như Bỉ, Đức, và Hà Lan cũng có mức nhiệt tăng kỷ lục.

Tháng 8/2019 ở Bắc Băng Dương mức băng biển thấp kỷ lục. Bước sang tháng 9, bão Durian đã “quật tơi tả” quần đảo Bahamas. Chưa kịp thở thì có mưa xối xả làm ngập chìm hoàn toàn các thị trấn ở đông nam Tây Ban Nha và vùng Texas.

Đáp lại thực trạng này, hàng triệu học sinh sinh viên đã xuống đường biểu tình ở nhiều nước trên thế giới.

Mưa vào cuối tháng 9/2019 chỉ giúp hạ nhiệt phần nào cho các đám cháy khủng khiếp ở vùng Amazon (châu Mỹ).

Tháng 10 năm nay chứng kiến các đám cháy dịch chuyển lên phía bắc tới bang California (Mỹ).  Khi châu Âu nóng bức thì một số vùng của Australia lại nghẹt thở vì bụi, còn Nhật Bản gặp phải siêu bão từ Thái Bình Dương với mức độ tàn phá nặng nề.

Sang tháng 11/2019, hội đồng thành phố Venice (Italy) phản đối hành động về biến đổi khí hậu thì ngay sau đó trụ sở của họ bị ngập lụt do triều cường ở mức độ cao. Siêu bão Bulbul đã thay đổi chỗ ở của hàng triệu người ở Bangladesh và Ấn Độ. Mưa to cũng gây ra các trận lụt chết người ở khu vực giữa và đông của châu Phi.

Trong giai đoạn cuối năm 2019, Australia lại oằn mình trước các trận cháy rừng và đợt sóng nhiệt dữ dội mới. Lửa bốc cháy ở miền đông nam nước này trong nhiều tháng. Khói đã gây khó thở cho nhiều thành phố lớn trong nhiều tuần lễ.

Ở đảo bang Tasmania (Australia) việc đất mất độ ẩm đã khiến lửa xé toạc hệ sinh thái tại đây vốn không dễ dàng bị cháy. Lửa nhỏ bốc thành lửa siêu to, nguồn nhân lực và vật lực của Australia bị căng mỏng, lính cứu hỏa kiệt sức. Hơn 750 ngôi nhà bị thiêu cháy, 6 người thiệt mạng. Nhiệt độ trung bình tối đa của nước này đã lên tới 41,9 độ C.

Danh mục các thảm họa khí hậu trong năm 2019 này thực sự đáng sợ. Một bức thư của 11.000 nhà khoa học công bố mới đây đã cảnh báo rằng tình trạng khẩn cấp về khí hậu chỉ có gia tăng thêm mà thôi.

Tuy nhiên bất chấp các bằng chứng khoa học, các thiệt hại nặng nề và đau thương mà con người vừa hứng chịu do biến đổi khí hậu, chưa có hành động đáng kể nào được thực hiện để ngăn chặn tình trạng này cả. Lượng khí CO2 phát thải trên toàn cầu tiếp tục tăng, trong khi nhiều nhà lãnh đạo thế giới (như Mỹ) còn tiếp tục lần lữa!/.

Theo VOV


Lượt xem: 22

Trả lời