Xung quanh vấn đề hiệu quả của hồ bơi thông minh  

Cập nhật 27/3/2019, 09:03:00

Thực trạng trẻ em đuối nước là bài toán đặt ra cho ngành chức năng Gia Lai bởi những năm gần đây, địa phương là một trong những điểm nóng về vấn đề này. Để giải quyết, nhiều giải pháp đã được triển khai, trong đó, tập trung nguồn lực để xây dựng hồ bơi trong trường học được kỳ vọng là chìa khóa quan trọng để tháo gỡ khó khăn trong việc rèn luyện kỹ năng phòng chống đuối nước cho các em học sinh.

Thế nhưng, liệu sự đầu tư này có đạt được kết quả như kỳ vọng?Trả lời cho câu hỏi này, mời quý vị và các bạn cùng theo dõi phóng sự sau đây:

Trường THCS Phan Bội Châu nằm ở xã biên giới Ia Nan, của huyện Đức Cơ với hơn 450 em học sinh. Hồ bơi thông minh được đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng đầu năm học 2018 – 2019 này trong niềm hân hoan của cả thầy và trò nhà trường cùng với nhiều dự tính. Thế nhưng, vào khoảng thời gian lý tưởng để triển khai các hoạt động liên quan đến bơi lội như hiện tại thì hồ bơi lại đang trong tình trạng để không như thế này. Đại diện nhà trường cho biết, vừa hoàn thành xong 1 khóa học bơi 2 tháng cho khoảng 50 em học sinh và đây đang là khoảng thời gian chờ để tuyển sinh khóa tiếp theo, phấn đấu khoảng 100 học sinh đăng ký. Kể cả đạt mục tiêu thì cũng chỉ chưa đến 25% học sinh nhà trường được hưởng lợi từ hồ bơi. Khó khăn được xác định là vì mức thu mỗi em 300 ngàn đồng/khóa là khá cao so với  điều kiện gia đình của học sinh ở đây.

 Thầy giáo Nguyễn Đình Tri, Hiệu trưởng Trường THCS Phan Bội Châu, Xã IaNan, Đức Cơ cho biết: “Nói chung là khó. Để vận hành thì cần phải kinh phí điện, nước, mua các trang thiết bị để tập luyện, tiền hóa chất rồi trả công cho người hướng dẫn”.

Cũng là huyện biên giới, nhưng cái khó của Trường THCS Chu Văn An, xã Ia O, huyện Ia Grai lại nằm ở vấn đề khác. Hồ bơi đã xây dựng xong nhưng chưa thể đưa vào sử dụng vì thiếu nguồn nước. Hơn 40 triệu đồng đã được huy động từ nguồn xã hội hoá để khoan giếng nhưng chưa nói trước được kết quả, nhất là khi Gia Lai đang bước vào mùa hạn như hiện nay.

Thầy giáo Đặng Văn Hà,  Phó hiệu trưởng Trường THCS Chu Văn An, huyện IaGrai cũng cho biết: “Hồ bơi được đầu tư rất là tốt, nhưng khó khăn nhất là nguồn nước cấp cho hồ bơi, nhà trường đang tiến hành khoan nhưng chưa có kết quả. Đây là địa bàn năm trước có 4 em học sinh đuối nước  rất  thương tâm”.

Nhiều người vẫn chưa quên vụ đuối nước thương tâm của 4 em học sinh lớp 6 ở ngôi trường này. Cả bốn em đều không biết bơi. Và cho đến tận bây giờ, phần lớn các em học sinh nơi đây vẫn chưa biết bơi.

Em Trần Hữu Minh Quân, Lớp 6A5 Trường THCS Chu Văn An, xã Ia O, huyện Ia Grai nói:  “Vừa rồi nhà trường xây dựng hồ bơi mới, và con muốn được bơi, hồ bơi chưa có nước, bạn bè con nhiều bạn chưa biết bơi”.

Em Hoàng Văn Anh, Lớp 6A4 Trường THCS Chu Văn An, xã Ia O, huyện IaGrai cũng nói: “Ở xã này em hay thấy bọn nó tắm sông và hay chết đuối và bọn em rất sợ đi tắm sông, và khi có hồ bơi bọn con rất mong đi học bơi để không gặp tình trạng ấy” .

Trong không khí oi bức của những ngày cao điểm mùa khô Tây nguyên, không ít công trình đầu tư hàng trăm triệu như thế này lại phải bỏ không trong sự háo hức, mong chờ của nhiều em học sinh vùng khó khăn – những đứa học trò hiếu động và tinh nghịch rất cần được thực hành kỹ năng phòng chống đuối nước.

27 hồ bơi đã được xây dựng hồ bơi là nỗ lực rất đáng ghi nhận của tỉnh Gia Lai song để phát huy tối đa ưu điểm của việc xây dựng hồ bơi trong trường học là điều cần phải tính toán để tránh sự lãng phí đáng tiếc./.

Hòa Giang- Viễn Khánh – Mạnh Hà

 


Lượt xem: 45

Trả lời