Xung quanh hai phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025

Cập nhật 29/9/2023, 07:09:07

Theo kế hoạch, từ năm 2025 sẽ có lứa học sinh đầu tiên học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 tốt nghiệp THPT. Vì vậy Chính phủ yêu cầu Bộ GD&ĐT sớm nghiên cứu, công bố phương án thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025 bảo đảm gọn nhẹ, hiệu quả, thiết thực, giảm áp lực, giảm chi phí và tạo sự đồng thuận trong xã hội. Ghi nhận của phóng viên Thời sự, Đài PT – TH Gia Lai xung quanh các ý kiến của giáo viên và học sinh về việc lựa chọn một trong 2 phương án thi tốt nghiệp THPT của Bộ GD&ĐT đưa ra.

Hai phương án thi tốt nghiệp THPT năm 2025 được Bộ GD&ĐT đưa ra để khảo sát, lấy ý kiến, trong đó phương án 1 có 6 môn thi gồm 4 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Lịch sử, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn học sinh chọn học ở lớp 12. Phương án 2 thi 5 môn, gồm 3 môn bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 2 môn tự chọn trong số các môn các em đã được học ở lớp 12 bao gồm môn Lịch sử. Giáo viên và học sinh trong cùng một trường học cũng đã có quan điểm lựa chọn khác nhau.

Cô giáo Nguyễn Thị Lan – Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh cho biết: “Tôi có thiên hướng chọn phương án 2 hơn tức là bắt buộc thi 3 môn Toán, Văn, Ngoại ngữ và 2 môn Lịch sử, trong đó môn tự chọn là môn Lịch sử. Việc thi gồm 3 môn bắt buộc và 2 môn tự chọn thì nó sẽ giảm áp lực hơn cho học sinh và nó cũng phù hợp hơn tổ hợp môn của các em trong CT GDPT 2018.”

Em Nguyễn Thị Thảo Nhi – HS lớp 12 A3, Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh nói: “Theo em chọn phương án 1 gồm môn bắt buộc là Toán, Anh Văn và Tiếng Anh, thêm môn Lịch sử và 2 môn tự chọn. Vì em cảm thấy chọn phương án này có môn Lịch sử rất là quan trọng với học sinh hiện nay, em học em cảm thấy yêu  thích nó.”

Cùng quan điểm chọn phương án 2 để tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 để giảm áp lực cho học sinh với 5 môn thi thay vì 6 môn thi như phương án 1, tuy nhiên Lịch sử vẫn là 1 trong 2 môn lựa chọn bắt buộc trong chương trình thi tốt nghiệp, vấn đề này có ý kiến khác nhau.

Cô giáo Phạm Thị Hải – Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, huyện Chư Păh cho biết: “Theo bản thân tôi thì tôi sẽ chọn phương án thứ 2 để giảm áp lực cho các em. Môn Lịch sử có một vai trò rất là quan trọng chính vì thế mà nó trở thành môn học bắt buộc  nhưng không vì thế mà chúng ta áp đặt cho học sinh là phải thi môn Lịch sử bởi nó sẽ gây áp lực cho học sinh. Nên chăng chúng ta sẽ giành thời gian cho học sinh tiến tới kỳ thi riêng mà các trường đại học tổ chức.”

Dù chọn phương án 1 hay 2 thì Lịch sử vẫn là môn thi bắt buộc, theo giáo viên kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 nên đưa môn Lịch sử vào chương trình thi trên cơ sở đã chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết.

Em Nguyễn Thị Kim Ngân – HS lớp 11 A1, Trường THPT Quang Trung, TX An Khê chia sẻ: “Lịch sử đối với một đất nước hay một dân tộc nó rất là quan trọng, tuy nhiên để môn lịch sử là môn thi bắt buộc thì con nghĩ là không cần thiết lắm.”

Cô giáo Đỗ Thị Dơn – Giáo viên dạy môn lịch sử, Trường THPT Quang Trung, TX An Khê nêu: “Theo mong muốn của tôi, tôi muốn chọn môn sử là môn thi bắt buộc, tuy nhiên để có môn sử đưa vào chương trình thi hiệu quả và khả quan thì tôi chỉ mong Bộ GD&ĐT có một phương án hoặc chuẩn kiến thức kỹ năng cơ bản cho cả 3 cuốn sách giáo khoa hiện nay. Đồng thời ra bộ đề ngân hàng trắc nghiệm khách quan làm sao cho nó trọng tâm nhất, rõ ràng nhất để các em làm bài được.”

Dù Bộ GD&ĐT quyết định chọn phương án nào cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 thì cả giáo viên và học sinh đều mong muốn có sự ổn định về kỳ thi tốt nghiệp THPT trong nhiều năm. Điều này không những tạo sự an tâm cho học sinh mà còn tạo sự an tâm cho cả phụ huynh, nhà trường và xã hội.

Lệ Xuân – Ksor Tuối – Minh Trung


Lượt xem: 7

Trả lời